Một góc quê nhà

Bấc trở ngọn. Chắc giàn đậu rồng nhà mình giờ trổ bông tím rịm, hàng cây so đũa cũng đong đưa khoe bông trắng muốt. Ngày mùa trên những vườn cây, đầm tôm, ruộng lúa miền châu thổ Cửu Long nhộn nhịp… Bấc ùa về cùng bao ký ức quê đong đầy.

Sắc xuân trên những nẻo đường quê
“Chợ quê” thúc đẩy giao thương
Chút tâm tình nhắn gửi quê hương
Nhớ Tết quê

“Cà Mau - nơi đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”, tôi thường giới thiệu quê hương mình với bạn bè như thế. Nhiều lần hẹn bạn về Cà Mau, nơi tôi gắn bó như những hạt phù sa ngày đêm lắng đọng nhưng lịch công tác cứ thay đổi.

Ðầu mùa mưa, thông tin tình hình thiên tai vùng chóp mũi cứ tăng dần tần suất. Ở vùng đất 3 mặt giáp biển với hệ sinh thái đặc thù: mặn - ngọt - lợ ai nghe đều thích, nhưng ít ai biết vùng đất ấy lại rất mong manh trước thiên tai. Hôm dự hội thảo về ứng phó biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, các chuyên gia tiên liệu: với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ thì sạt lở tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất rừng phòng hộ ven biển của Cà Mau; biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Cà Mau là một trong những địa phương hứng chịu nặng nề nhất… Nghe vậy mà lo!

Nông thôn xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: NHẬT MINH

Nông thôn xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: NHẬT MINH

Chợt nhớ năm 2021, anh Lâm Hùng Vỹ ở xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tình cờ phát hiện hơn 10 bộ hài cốt ở ven rừng bị sóng biển bào mòn lộ ra. Theo kinh nghiệm người cao tuổi xứ biển, đó là minh chứng thuyết phục nhất của tình trạng sạt lở bờ biển. Bởi thường người ta chọn an táng người mất trong đất liền, giờ thì sóng biển đã xâm lấn, hất văng tất cả để lộ ra những chứng tích vốn dĩ đã nằm sâu trong lòng đất!

Mới đây thôi, trong chuyến làm khách ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tôi nghe lão nông Trần Hoàng Lịch như một nhân chứng sống kể về câu chuyện biển lấn: Cách nay hơn chục năm, ông có một khoảnh vuông rộng gần 10 công nuôi tôm phía bên kia bờ ngoài đê biển Tây hiện hữu. Vài năm sau, sóng biển cuốn phăng mất. Vậy là mọi người cứ lùi dần vào phía trong đê cất nhà.

Thời điểm cuối năm, thông tin từ miền quê “mẫn cảm” với thiên tai làm ấm lòng người xa xứ. Quê hương đang vận hành, ứng dụng phương kế sản xuất phù hợp với biến đổi khí hậu; sở hữu đồng lúa hữu cơ ngay trên đất mặn quy mô bậc nhất ÐBSCL; đầm tôm sinh thái hàng chục ngàn héc-ta đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU, Nhật Bản; giữ vị trí tốp đầu trong xuất khẩu thủy sản... Hình ảnh nhân cách hóa của người ở lại như rặng dừa, rừng mắm, chang đước…, người xa quê như hạt phù sa, chợt lóe lên niềm tin. Lòng lại đong đầy niềm vui khi đọc dòng tin: Thủ tướng Chính phủ thị sát vùng sạt lở Cà Mau và có nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng các công trình đủ sức giúp vùng chóp mũi chống chọi với thiên tai.

Diện mạo mới nông thôn Cà Mau. Ảnh: HUỲNH LÂM

Diện mạo mới nông thôn Cà Mau. Ảnh: HUỲNH LÂM

Nông dân huyện Thới Bình thu hoạch lúa. Ảnh: TRẦN TRỌNG THẮNG

Nông dân huyện Thới Bình thu hoạch lúa. Ảnh: TRẦN TRỌNG THẮNG

Ðang loay hoay công việc cuối năm, thì nhận được bưu phẩm là gói quà và phong thư của má. Thư má đề: “Con à! Chắc bây cũng nghe tin trên báo, đài biết hết chuyện quê mình. Nay má ghi thêm mấy dòng, nhắc lại cho tận tường để bây vui mà an tâm ở lại thành phố công tác tốt.

Tuyến cao tốc từ Cà Mau đi Hậu Giang, Cần Thơ dần hiện hữu. Có đường cao tốc thì bây di chuyển về thăm ba má gần hơn. Con đường mà từ xưa đến nay đời má với ba ngót 80 năm không ai nghĩ tới… Vùng mình vơi bớt khó khăn, từ chỗ có vài nóc nhà giờ ra cả trăm. Lâu không đi lại khó nhận ra nhà của ai.

Tuần trước, dì Út vận động chi hội phụ nữ chỗ má sinh hoạt làm 5 kg khô cá rô phi; tích tiểu thành đại, cả ấp, xã, huyện gom lại làm quà quê gửi lên tặng bà con đồng hương trên đó. Má có gói gửi riêng cho vợ chồng bây một ít. Mai mốt khui quà, thấy mớ khô cá phi có ướp ớt, sả là khô của má đó!

Nhìn chung, quê mình phát triển hơn xưa rất nhiều, nhưng dẫu sao cũng còn bộ phận bà con hoàn cảnh khó. Bây xem làm ăn đặng thì hôm dự họp hội đồng hương, nhớ góp một phần gửi về xây dựng quê nhà, hỗ trợ bà con.

Má với ba bây thì ổn. Nhận thư, bây nhớ hồi âm gửi về mấy dòng để ba má an tâm! Ở nhà trông thư con”.

Ðọc thư má lòng tôi xốn xang vô kể. Tôi nghiền ngẫm lời thơ: “Ðất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp/Quê nhà một góc nhớ mênh mông”. Chưa bao giờ trong thâm tâm tôi nghĩ: có ngày lại mang nỗi niềm về miền đất Cà Mau đến thế!

Như thuở ban đầu, gia đình, quê hương vẫn là ngọn nguồn, là động lực để tôi tiếp tục hành trình. Công việc cứ cuốn hút, giữa Tây Ðô sầm uất, nhiều nếp văn hóa đan xen nhưng tìm mãi chẳng thấy dáng quê thân thuộc. Những khi ngồi cùng bè bạn phương xa, tôi lại kể chuyện miền quê đổi mới thông qua lời thư của má.

Với má, quê hương, bạn bè, tôi vẫn đinh ninh: họ hiểu thấu lòng mình!

Phong Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/mot-goc-que-nha-a31289.html