Về một giấc mơ trên mảnh đất người đời
Gần một năm nay có một khu đô thị được những người dân dùng các mạng xã hội chụp ảnh và post lên facebook hoặc instagram với địa danh được 'tag' kèm là Đông Hà. Những người bạn Quảng Trị của tôi đang công tác, học hành, làm việc ở nước ngoài lại chuyển lại cho tôi những tấm ảnh đó và hỏi: Đây là chỗ nào ở Đông Hà mà như ...Paris vậy ? Quả thật, khu đô thị Vinhome ở rừng Cọ Dầu ngày xưa dù chưa phủ kín dân cư nhưng trong hình hài của nó được post lên mạng xã hội như là một ước mơ thầm kín đang dần hiện ra vóc dáng của một đô thị tương lai.
Thỉnh thoảng bạn bè ở xa về , tôi vẫn đưa lên quán cà phê “Pắc Viu” như ngầm khoe rằng quê nhà của mình cũng có những nơi được quy hoạch xanh, sạch, đẹp như thế. Và từ cà phê “Pắc Viu” nhìn ra không gian của đô thị mới mọc lên trên vùng đất xưa kia là đồi sim mua cây bụi chen chúc dưới bóng rừng cọ dầu được trồng hơn 40 năm trước, hành trình của thành phố quê hương cứ hiện lên trong tôi như những thước phim quay chậm.
Như mọi thành phố khác, ngay cả Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trước khi trở thành trung tâm đầu não về kinh tế, văn hóa, thương mại của đất nước cũng trải cả ngàn năm hay hàng trăm năm để đi từ những ngôi làng nhỏ thành đô thị tầm vóc. Huống nữa Đông Hà, một thị trấn quá nhỏ bên đường, lại có mấy mươi năm nằm ở vị trí địa đầu giới tuyến, bao nhiêu đạn bom cày xới, rồi có gần mười lăm năm bị lãng quên sau ngày hòa bình.
Vẫn còn đó những bức ảnh những thước phim của Đông Hà những ngày mới được giải phóng: cả vùng đất ngổn ngang hố bom hầm đạn, liêu xiêu những mái tôn nghèo và rất nhiều phận người mang đầy thương tích hậu chiến vừa bước ra từ khói lửa chiến tranh.
Một Đông Hà của những cư dân tuy mang tiếng là hộ khẩu thị xã nhưng đấy là một đô thị mà người ta đã khái quát: “ở nhà tranh, thắp đèn dầu, uống nước giếng.” Và lấy hình ảnh vạm vỡ của một đô thị sầm uất trấn giữ nơi ngã ba đầu cầu xuyên Á Quốc lộ 1- Quốc lộ 9 của ngày hôm nay để đối chứng, niềm vui về sự phát triển của Đông Hà hẳn không ai phủ nhận. Nhiều người dân Quảng Trị ly hương rất lâu nay về lại không tài nào nhận ra được Đông Hà ngày xưa.
Tôi bỗng nhớ có lần chị Hoàng Phương Trang công tác ở Hội Khoa học lịch sử Việt Nam có về Quảng Trị mang theo những bức ảnh tư liệu như thế. Chị Trang là vợ của anh Trần Phương Thạc, vị Chủ tịch thị xã Đông Hà đầu tiên sau ngày giải phóng.
Trước khi về quê nhà chiến đấu, anh Thạc là Phó Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm, về quê kinh qua nhiều vị trí công tác (sau này anh Thạc mất trong một cơn đau đột ngột khi đang công tác ở nước Nga), nhưng anh Thạc vẫn giữ nhiều kỷ vật về Quảng Trị, và lần về quê chồng nhân một sự kiện kỷ niệm truyền thống, chị Trang có mang theo những bức ảnh mà ngày còn sống anh Thạc rất nâng niu, một trong số đó là tấm ảnh chụp cây mít ở Đông Hà.
Trên mảnh đất tang thương bom đạn ngày ấy, cây mít vẫn ra những quả lúc lỉu như một ngụ ngôn về nhựa sống của miền đất này. Đấy cũng là một biểu tượng giản dị mà đầy ý nghĩa về Đông Hà của một hành trình nhọc nhằn từ một thị trấn gió bụi bên đường chiến tranh thành đô thị trung tâm trên trục hành lang quốc tế.
Có người đi được nhiều, đến những thành phố văn minh hiện đại lại lấy đó làm hệ quy chiếu để nói rằng Đông Hà đã phát triển quá bề bộn, thiếu những kiến trúc phù hợp với khí hậu, thời tiết, cảnh quan. Đông Hà chưa có những khu phố đặc trưng, đường nét, nhìn vào là bật lên cái chất Quảng Trị, chất Đông Hà...
Để có được những điều ấy không thể là chuyện ngày một ngày hai. Triết gia Heraclist của Hy Lạp có một câu rất hay như thế này, thoạt tiên ngỡ là nghịch lý: Tiến hành đi rồi hãy bắt đầu! Sao lại “tiến hành” rồi mới “bắt đầu”? Thật ra đấy là một cách nhập thế của người dấn thân, của con người hành động.
Ba mươi lăm năm, không ai nghĩ cả vùng đồi hoang vu phía Nam Đông Hà lại có thể trở thành những khu đô thị kiểu mẫu như Vinhome. Cũng không ai nghĩ chỉ có cây cầu Đông Hà xuyên Quốc lộ 1 nối đôi bờ sông Hiếu và một cây cầu đường sắt cổ lỗ, thì nay trên một quãng sông dài chưa tới 3 km đã có đến 7 cây cầu rất đẹp và bề thế nối nhịp đôi bờ.
Ba mươi lăm năm kể từ ngày lập lại tỉnh, Đông Hà mất 20 năm để phấn đấu từ thị xã lên đô thị loại 3 (1989-2009). Thêm 15 năm kể từ khi được công nhận đô thị loại 3 (tháng 8-2009), Đông Hà sắp chạm đến việc được công nhận là đô thị loại 2, đạt 86 điểm (thang điểm 100) trên yêu cầu 75 điểm.
Dĩ nhiên cùng với sự vượt lên với tốc độ đô thị hóa là những nỗi lo canh cánh: Đấy là những vấn đề khi chuyển đổi từ thiết chế xã hội cổ truyền với những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống lên một thiết chế xã hội công nghiệp với nền văn minh đô thị. Với Đông Hà, những thách thức ấy vừa mang những yếu tố chung như bất cứ sự phát triển của các đô thị ở Việt Nam nhưng cũng có những yếu tố cụ thể và đặc thù của vùng đất này.
Sự tập hợp nhiều thành phần dân cư dẫn đến sự da dạng của lối sống, nhận thức về những giá trị truyền thống lịch sử chưa thấu đáo; tốc độ phát triển nhanh của đô thị phá vỡ các thiết chế văn hóa làng xã truyền thống; nguy cơ bị mai một của các giá trị văn hóa cổ truyền; tâm lý nông dân, tính cố kết cộng đồng làng xã, những bất cập của đời sống thị dân và nhịp điệu sống công nghiệp...
Trong một lần đi trên những vỉa hè lát đá hoa cương rất đẹp ở Huế, một người bạn vong niên của tôi là kiến trúc sư từ TP. Hồ Chí Minh ra đã nói đại ý: Trước khi nghĩ đến chuyện lát những vỉa hè bằng đá Italia đẹp lãng mạn và cổ điển như thế này hãy nghĩ đến chuyện làm sao cho người dân nhai kẹo cao su xong không nhả bã xuống vỉa hè.
Nhiều nhà khoa học về “xã hội học” khi nghiên cứu về tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam đã chỉ ra một vấn nạn là cùng với quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh thì một nghịch lý khác cũng đang diễn ra trong lòng các thành phố là quá trình “nông thôn hóa đô thị”. Một đô thị văn minh hiện đại vừa là khát vọng, vừa là một thách thức. Vì phải là người thành phố đúng nghĩa, đô thị mang tầm vóc thành phố đúng nghĩa chứ không phải chỉ là chuyện có tên thành phố để ghi lên những dòng địa chỉ như một sự sang trọng.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ve-mot-giac-mo-tren-manh-dat-nguoi-doi-186648.htm