Một Hà Nội 'khác' của Nguyễn Ngọc Tiến

Trong số những cây bút nổi tiếng viết về Hà Nội, tác giả Nguyễn Ngọc Tiến thuộc về số ít những người luôn cho thấy được góc nhìn riêng khi khai thác mảng đề tài mà trước đó không ít người đã để lại được những dấu ấn lớn.

Làng làng phố phố Hà Nội tiếp tục là một tác phẩm thú vị như thế và còn đặc biệt hơn khi được ra mắt đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024).

Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến. Ảnh: Nhã Nam

Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến. Ảnh: Nhã Nam

Góc nhìn mới

Nếu trước đó ông từng ra mắt bộ ba tác phẩm Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội khi tiếp cận địa danh nổi tiếng này theo chiều không gian, thì ở Làng làng phố phố Hà Nội, ta thấy đó là một sự tiếp cận theo chiều thời gian. Từng bài viết nhỏ trong cuốn sách này được thực hiện một cách tỉ mỉ, chăm chút cho thấy tấm lòng của người chấp bút. Với một dung lượng không quá dày dặn, nhưng qua những nghiên cứu sâu rộng, từng chủ đề đã được hiện lên một cách chi tiết từ quá khứ cho đến hiện tại cũng như tương lai, từ những ngày đầu dựng nước cho đến chế độ phong kiến, những ngày mà Pháp chiếm đóng cũng như hiện nay.

Đúng như tiêu đề, cuốn sách gồm có 3 phần Làng làng, Phố phố và Hà Nội Hà Nội. Theo đó đây đều là các “cấu phần” tạo nên căn tính, con người Thủ đô. Ở phần đầu tiên ông đã khảo sát khía cạnh nặng tính dân gian rồi phát triển lên phố với nhiều dấu ấn kinh tế, từ đó tổng hòa nên một Hà Nội muôn màu muôn vẻ.

Mỗi một chương đoạn gồm khoảng 20 bài viết với đa dạng chủ đề như những lát cắt về nơi đã diễn ra các sự kiện có tính bước ngoặt, các sự kiện tầm quốc gia, dân tộc cũng như sinh ra nhiều truyền thuyết chứa đựng tâm thức dân tộc mà cho đến nay vẫn là trụ chống tinh thần cho người Việt ta.

Và như Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ, ở cuốn sách này, ông muốn xóa bỏ cách tiếp cận thông thường mà mình và các tác giả thường xuyên khai thác đó là giới hạn trong phạm vi kinh đô với đề tài triều chính, đời sống văn hóa xã hội khu vực "36 phố phường". Vì vậy Làng Làng phố phố Hà Nội trở nên mới mẻ với nhiều bài viết về địa dư, văn hóa, làng nghề truyền thống ở vùng "Hà Nội mới" sau khi sáp nhập các làng, các phố từng thuộc Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Theo ông, đây là một mảng đề tài tuy quan trọng nhưng chưa được chú ý đủ, từ đó có thể coi đây là một trong những tác phẩm tiên phong nghiên cứu về sự thay da đổi thịt, về sự mở rộng ra khỏi vùng đất trung tâm ta vẫn thường thấy.

Nguyễn Ngọc Tiến nhận định người Pháp xây biệt thự như một biểu hiện của đẳng cấp trong xã hội. Ảnh: Tạp chí Kiến trúc

Nguyễn Ngọc Tiến nhận định người Pháp xây biệt thự như một biểu hiện của đẳng cấp trong xã hội. Ảnh: Tạp chí Kiến trúc

Điều đó có thể thấy ở những bài viết như Làng Mường, Làng Dao và tục phụ nữ sơn đầu khi đây là những cư dân vốn sống ở vùng núi Ba Vì, nhưng vào năm 2008 khi tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào, thì Hà Nội đã có nhiều người Mường hơn và bà con dân tộc Dao thì cũng trở thành “công dân thủ đô”. Nghiên cứu sâu vào văn hóa của những người này, tác giả đã lẩy ra những lát cắt thú vị như cái độc đáo nhất của trang phục phụ nữ Mường được thể hiện ở cạp váy, qua đó cho thấy được sự phân chia tầng lớp trong xã hội Mường hay việc xuất hiện hình tượng rồng, phượng… phần nào chứng minh thế giới quan dân gian của người Mường cũng giống người Việt, từ đó khẳng định thêm mối quan hệ giữa người Mường và người Việt cổ…

Ở các bài viết khác ông cũng quan tâm đến việc truy tận nguồn gốc cũng như những sự hiểu lầm từ trước đến nay mà các sử gia vẫn còn để lại. Chẳng hạn qua các bài viết trong cuốn sách này, ta biết Hà Nội có gốc gác từ làng Long Đỗ nằm ở ngã ba sông Tô Lịch và sông Hồng, thế nhưng thật ra có nhiều khả năng cái tên chính xác phải là Long Độ nghĩa là “rốn rồng” và vào thời Trần do phạm húy vào tên của Trần Thủ Độ mà cách gọi Long Đỗ trở nên quen hơn.

Hoặc ông cũng đưa ra giả thuyết vì từng có một cổng vào rất rộng nằm chắn ngang đường nên mới có tên con phố Hàng Ngang thay vì được đặt tên theo thứ người dân buôn bán như các phố khác…

Bìa sách Làng làng phố phố Hà Nội. Ảnh: Minh Anh

Câu chuyện quy hoạch

Từ những chi tiết cũng như bài viết thú vị, Hà Nội trong trang viết của Nguyễn Ngọc Tiến hiện lên phức tạp và nhiều biến động mà một trong những khía cạnh thể hiện rõ nhất điều này là qua quy hoạch, bố trí đường phố.

Ở phần làng, ông đã khảo sát sự ra đời của đình và sự chìm nổi của nó gắn với đất nước. Trong nhiều bài viết, tác giả đã không tránh khỏi tiếng thở dài khi cho biết vào thời chiến thì đây cũng là nơi tập trú quân, dẫn đến nhiều công trình trong số này bị phá hủy chính bởi bom đạn. Sau đó vào thập niên 1960 với quan niệm sai lầm rằng đình là tàn dư của chế độ phong kiến, nên những công trình này bị cư dân chiếm dụng, các cấp lãnh đạo thì thu nhỏ không gian cho người khác thuê, không mấy để tâm chăm sóc dẫn đến hư hại. Đến đầu thế kỷ 21 thì mới tiến hành các chính sách di dân, trùng tu nhưng đình không bao giờ còn được như trước nữa.

Một vấn đề khác cũng được đề cập là khu ngoại ô Hà Nội bao gồm các làng nằm ngoài thành phố. Tác giả viết vào nửa đầu thế kỷ 20 thì ruộng đất ở đây đa số thuộc về tư nhân, nhiều gia đình gặp sự cố, lâm vào khó khăn mà phải bán đi công cụ sản xuất của mình, dẫn đến tự bần cùng hóa. Từ đó quan niệm cho rằng địa chủ mới là lực lượng làm bần cùng hóa, gây ra những cảnh đấu tố là trang sử buồn.

Cho đến ngày nay, sự đối kháng giữa trung tâm và ngoại thành vẫn luôn âm ỉ, dẫn đến người phố mong ngoại thành giữ đường làng, những mái nhà thâm thấp, vườn cây, song người ngoại thành lại muốn vươn lên thành phố. Từ đó mà phố làng cong queo, vặn vẹo, không vỉa hè, không cây xanh, trong khi ban công của nhà bên này sát nhà đối diện, ngõ như ma trận, tắt đường, chen chúc… Làng thì như thế còn phố thì không phải phố, đông đúc, chật chội, lem nhem, bừa bộn như khu "ổ chuột kiểu mới”…

Ở phố, ông cũng nhắc đến một điểm đặc biệt của các phố cổ đó là có cổng. Nghiêng về quá khứ, tác giả cho biết thời Lê trung hưng, cổng phố chỉ là sợi dây để phân ranh giới giữa các phường, ở cổng phố có đội bảo vệ an ninh. Cổng phố tồn tại đến cuối thế kỷ 19, khi người Pháp quy hoạch lại khu phố cổ thì ra nghị định phá bỏ vì ngại những người theo chiếu Cần vương lợi dụng các cổng làm ụ để bắn người Pháp.

Ngoài cổng thì những nhà ống cũng là cảnh quan tương đối quen thuộc mỗi khi nhắc đến vùng đất thủ đô. Trong tập sách này, Nguyễn Ngọc Tiến đã cung cấp một nhận định mới khác với quan điểm của Philippe Papin trong cuốn Lịch sử Hà Nội khi cho rằng "nhà ống ở Hà Nội là ảnh hưởng của cộng đồng người Hoa", thì bằng nghiên cứu của mình, ông đã chỉ ra do thời Minh Mạng đánh thuế cửa hàng chỉ dựa vào mặt tiền, từ đó mà các gia đình chia nhỏ mặt tiền, hình thành nên kiểu nhà ống.

Nhà ống Hà Nội được tờ AFP coi là điểm nhấn đặc biệt. Nguyễn Ngọc Tiến cho biết đây là hệ quả từ việc đánh thuế mặt tiền của vua Minh Mạng. Ảnh: AFP

Nhà ống Hà Nội được tờ AFP coi là điểm nhấn đặc biệt. Nguyễn Ngọc Tiến cho biết đây là hệ quả từ việc đánh thuế mặt tiền của vua Minh Mạng. Ảnh: AFP

Khi Pháp tiến vào cũng chính là lúc Hà Nội có nhiều thay đổi. Ông cho biết với lối sống truyền thống, người Pháp và người châu Âu ưa thích sự riêng biệt, rộng rãi, vì thế quy hoạch Hà Nội đã tạo ra những khu đất rộng, mang lại lợi thế cho những nhà tư bản Pháp như một biểu hiện của đẳng cấp xã hội.

Ông cũng nhắc đến lứa kiến trúc sư Việt Nam khóa đầu của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra trường năm 1931 như: Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Gia Đức, Tạ Mỹ Duật… vững nghề và bắt đầu nhận được hợp đồng thiết kế cho những gia đình người Việt giàu có. Nguyễn Ngọc Tiến nhận định đây là thời kỳ phát triển rực rỡ của các thử nghiệm, những phong cách phóng khoáng dựa trên cảm hứng vượt ra ngoài chuẩn mực, như mái chìa, mái hình bậc thang, mặt tiền nhô ra, cầu thang lượn cong, cửa sổ tròn, họa tiết trang trí bằng thạch cao hoặc đá hoa giả… Ông cũng nhắc đến đường phố với sấu, với me, với muỗm và những không gian một thời xa xưa…

Có thể nói qua Làng làng phố phố Hà Nội, tác giả Nguyễn Ngọc Tiến đã mang đến những trang viết ấn tượng với các chủ đề mới lạ, tiên phong qua việc nghiên cứu sâu rộng, từ đó khắc họa nên một Hà Nội của nhiều thời kỳ biến động. Đây có thể nói là một tựa sách độc đáo, với ai đã biết Hà Nội sẽ có được cái nhìn thật sâu sắc hơn, còn người mới đến cũng có những hình dung chung về vùng đất này.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/mot-ha-noi-khac-cua-nguyen-ngoc-tien-45632.html