Một hành trình dài vượt qua định kiến

Sau một thời gian dài đấu tranh để được chấp nhận, các nữ quân nhân của Israel đang vượt qua những ranh giới mới khi trực tiếp dấn thân vào những trận chiến tại Dải Gaza.

Từ chuyện của Đại úy Busi…

Khi Đại úy Amit Busi có cơ hội ngủ, cô sẽ đi ủng và ngủ trong một căn lều chung ở một doanh trại tạm thời của Israel ở phía bắc Dải Gaza. Ở đó, cô chỉ huy một đại đội gồm 83 binh sĩ, gần một nửa trong số đó là nam giới. Đây là một trong một số đơn vị có nhiều giới tính khác nhau chiến đấu ở Gaza, nơi các nữ quân nhân lần đầu tiên phục vụ trên tiền tuyến kể từ cuộc chiến xung quanh việc thành lập Israel năm 1948.

Đại úy Amit Busi (bên phải), chỉ huy một đơn vị hỗn hợp giới tính của quân đội Israel hoạt động ở Gaza. Ảnh: New York Times

Đại úy Amit Busi (bên phải), chỉ huy một đơn vị hỗn hợp giới tính của quân đội Israel hoạt động ở Gaza. Ảnh: New York Times

Đại úy Busi không chỉ chịu trách nhiệm về tính mạng của cấp dưới - những kỹ sư tìm kiếm cứu nạn được đào tạo chuyên môn và sử dụng các công cụ giúp lính bộ binh tiến vào các tòa nhà bị hư hại và mắc kẹt có nguy cơ sụp đổ - mà còn đối với những người lính bị thương mà họ giúp sơ tán khỏi chiến trường. Cô và những người lính của mình cũng giúp lùng sục khu vực để tìm các chiến binh Hamas, vũ khí, bệ phóng tên lửa và chịu trách nhiệm canh gác doanh trại.

Có thể dễ dàng quên rằng Đại úy Busi chỉ mới 23 tuổi, vì rõ ràng cô đã nhận được sự tôn trọng từ cấp dưới của mình - trong số đó có đàn ông Do Thái, Druze và Bedouin theo đạo Hồi. “Các biên giới đã bị xóa mờ”, Đại úy Busi nói về những giới hạn kéo dài hàng thập kỷ đối với vai trò của nữ quân nhân chiến đấu ở Israel. “Quân đội cần chúng tôi, vì vậy chúng tôi ở đây”, cô nói.

Israel hiện đã dần mở rộng tới 90% các hoạt động của mình cho phụ nữ nhưng cho đến trước ngày 7/10, họ vẫn bị loại khỏi vai trò chiến đấu ở tiền tuyến. Ảnh: New York Times

Israel hiện đã dần mở rộng tới 90% các hoạt động của mình cho phụ nữ nhưng cho đến trước ngày 7/10, họ vẫn bị loại khỏi vai trò chiến đấu ở tiền tuyến. Ảnh: New York Times

Kể từ khi lực lượng mặt đất của Israel tiến vào Gaza vào cuối tháng 10, các nữ quân nhân đã tham gia chiến đấu ở đó. Sự góp mặt của họ đã giúp củng cố hình ảnh của quân đội Israel sau những thất bại về mặt tình báo và quân sự vào ngày 7/10, cũng như trong bối cảnh toàn cầu đang giám sát kỹ lưỡng về số lượng dân thường thiệt mạng cao trong chiến dịch. Theo các quan chức y tế Gaza, hơn 24.000 người Palestine, nhiều người trong số họ là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Việc đưa phụ nữ vào các đơn vị chiến đấu của quân đội là chủ đề của một cuộc tranh luận kéo dài ở Israel, nơi có một trong số ít quân đội trên thế giới bắt phụ nữ phải nhập ngũ ở độ tuổi 18. Trong nhiều năm, vấn đề phụ nữ phục vụ ở mặt trận đã đọ sức với các giáo sĩ Do Thái cực đoan và những người lính tuân thủ tôn giáo chống lại các nhà nữ quyền, những người theo chủ nghĩa thế tục và những người chỉ trích nền văn hóa trọng nam truyền thống của đất nước. Giờ đây, cuộc tranh luận đó đã thực sự kết thúc.

“Không có ích gì khi tiếp tục tranh luận như vậy”, Trung tướng Herzi Halevi - tham mưu trưởng quân đội Israel, nhận định sau khi chứng kiến các nữ quân nhân trực tiếp chiến đấu với các tay súng Hamas vào ngày 7/10. “Bởi vì hành động và tinh thần chiến đấu” của họ mạnh hơn lời nói”, tướng Halevi nói.

Bước ngoặt phá bỏ định kiến

Giống như các nguyên tắc cơ bản khác trong đời sống của người Israel, nhiều định kiến về phụ nữ tham gia chiến đấu đã bị xóa bỏ vào ngày 7/10, khi hàng trăm tay súng Hamas từ Gaza tràn qua biên giới, tiến vào miền nam Israel để tấn công nhiều địa điểm trên lãnh thổ nước này.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đến thăm một đơn vị hỗn hợp gồm cả quân nhân nam và nữ ở phía Bắc Gaza. Ảnh: JNS

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đến thăm một đơn vị hỗn hợp gồm cả quân nhân nam và nữ ở phía Bắc Gaza. Ảnh: JNS

Trong những tháng kể từ đó, nhu cầu của quân đội đã thúc đẩy sự thay đổi xã hội với tốc độ chóng mặt. Bạn tình đồng giới của những người lính thiệt mạng hiện đã là góa phụ được pháp luật Israel công nhận, và ít nhất một người lính chuyển giới đã chiến đấu trên mặt trận ở Gaza.

Bất chấp nhiều năm bị các thành phần bảo thủ trong xã hội Israel chế nhạo, hình ảnh các nữ quân nhân đã trở thành biểu tượng của sự tiến bộ và bình đẳng, xuất hiện trên bìa tạp chí và xuất hiện trên các bản tin truyền hình.

Một cuộc khảo sát gần đây của Viện Dân chủ Israel cho thấy trong cộng đồng thế tục, khoảng 70% phụ nữ và 67% nam giới bày tỏ sự ủng hộ việc tăng số lượng phụ nữ tham gia chiến đấu. Trong những năm gần đây, phụ nữ chiếm khoảng 18% lực lượng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Israel.

Idit Shafran Gittleman, giám đốc chương trình Quân sự và Xã hội tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia thuộc Đại học Tel Aviv, cho biết: “Mọi người đều đang sử dụng cụm từ “Cuộc tranh luận đã kết thúc”. Mọi người đều thấy những gì đã xảy ra vào ngày 7 tháng 10,” cô nói và nhấn mạnh rằng “phụ nữ đóng góp vào an ninh chứ không làm giảm an ninh”.

Trung tá Or Ben Yehuda (đội mũ), đã chỉ huy hai đại đội trong trận chiến kéo dài 12 giờ với các chiến binh Hamas vào ngày 7/10. Ảnh: New York Times

Trung tá Or Ben Yehuda (đội mũ), đã chỉ huy hai đại đội trong trận chiến kéo dài 12 giờ với các chiến binh Hamas vào ngày 7/10. Ảnh: New York Times

Gần như bị đẩy vào chiến đấu ngay lập tức, các nữ quân nhân cũng đã ghi dấu ấn mạnh mẽ. Hai đội xe tăng toàn nữ, từng là đối tượng của những trò đùa phân biệt giới tính, đã băng qua sa mạc vào sáng hôm đó để giúp đẩy lùi làn sóng xâm nhập có vũ trang từ Gaza.

Nữ chỉ huy của Caracal, một tiểu đoàn bộ binh gồm cả nam và nữ, đã chỉ huy trận chiến kéo dài 12 giờ dọc biên giới Gaza với hai đại đội được trang bị tên lửa chống tăng và súng máy. Cùng với xe tăng, họ đã giúp ngăn chặn bước tiến của Hamas, giúp một số cộng đồng dân cư tránh khỏi bị tấn công.

“Chúng tôi ngăn chặn họ, họ không thể vượt qua được chúng tôi”, chỉ huy tiểu đoàn - Trung tá Or Ben Yehuda, 34 tuổi, một sĩ quan chuyên nghiệp và là mẹ của ba đứa con, tự hào phát biểu tại căn cứ sa mạc của đơn vị, ở gần biên giới Ai Cập.

Sự thừa nhận sau nhiều thập kỷ

Israel từng có một nữ thủ tướng, bà Golda Meir, từ năm 1969 đến năm 1974. Chủ tịch mới nghỉ hưu của Tòa án tối cao Israel, bà Esther Hayut, là một trong những quan chức có ảnh hưởng nhất đất nước, gần đây đã giáng một đòn quan trọng vào những nỗ lực của chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhằm hạn chế quyền lực của cơ quan tư pháp.

Bất chấp những thành tựu đó, cuộc chiến vẫn đang ở mức thấp đối với tỷ lệ đại diện của phụ nữ trong chính phủ Israel hiện tại. Nội các chiến tranh của nước này, được thành lập sau ngày 7/10, cũng không có ai là phụ nữ.

Khi các nhà phân tích nữ của quân đội Israel gióng lên hồi chuông cảnh báo trước ngày 7/10 rằng họ đã phát hiện hoạt động bất thường dọc biên giới Gaza mà họ đánh giá là phù hợp với việc lên kế hoạch cho một cuộc tấn công lớn của Hamas, họ đã bị các sĩ quan nam cấp cao cho nghỉ việc. Và, nhiều người trong số đó được cho rằng đã tuyên bố phụ nữ chỉ nên là đôi mắt chứ không phải bộ não của quân đội.

Tại Israel, các giáo sĩ Do Thái cực đoan thường xuyên chê bai sự phục vụ của phụ nữ nói chung và chỉ trích phụ nữ Chính thống giáo Do thái nói riêng, những người từ bỏ quyền miễn trừ tôn giáo để phục vụ trong quân ngũ. Và, một số nhà hoạt động bảo thủ còn cố gắng xóa bỏ nỗ lực của các nữ quân nhân khi khẳng định rằng phụ nữ được áp dụng những tiêu chuẩn dễ dàng hơn và sự xuất hiện của họ kéo quân đội đi xuống.

Nhiều nam quân nhân Israel cho biết, phụ nữ chiến đấu cũng rất cừ và họ yên tâm khi doanh trại được gác bởi các nữ quân nhân. Ảnh: Times of Israel

Nhiều nam quân nhân Israel cho biết, phụ nữ chiến đấu cũng rất cừ và họ yên tâm khi doanh trại được gác bởi các nữ quân nhân. Ảnh: Times of Israel

Hàng thập kỷ kiến nghị của phe bảo thủ đã tạo ra nhiều rào cản với giới chỉ huy cấp cao của quân đội Israel trong việc sử dụng nữ quân nhân. Nhưng phần thắng dường như đang nghiêng về các chị em, khi các tướng lĩnh Israel ngày càng có xu hướng kiên quyết hơn trước những kiến nghị mang đầy màu sắc phân biệt giới của các giáo sĩ thủ cựu.

Gần nhất, hồi tháng 4/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Israel khi đó là ông Avigdor Liberman đã đe dọa sẽ cắt đứt sự công nhận chính thức đối với các tổ chức liên quan đến một giáo sĩ Do Thái, người đã đưa ra một loạt tuyên bố xúc phạm các nữ quân nhân, nếu giáo sĩ này không từ chức.

Quân đội Israel hiện đã dần mở rộng tới 90% các hoạt động của mình cho phụ nữ nhưng các chị em vẫn bị loại khỏi vai trò chiến đấu ở tiền tuyến trong những đơn vị bộ binh chủ lực cũng như một số đơn vị đặc công tinh nhuệ thường hoạt động luồn sâu vào chiến tuyến của đối phương.

Và, trong khi một số phụ nữ phục vụ trong các đơn vị có nhiều giới tính khác nhau, thì những phân đội xe tăng vẫn bị phân biệt giới tính. Chính sách đó nhằm giải quyết sự nhạy cảm về tôn giáo về việc đàn ông và phụ nữ bị mắc kẹt nhiều ngày trong một chiếc xe tăng.

Tuy nhiên, những nữ quân nhân đang tham chiến ở Gaza tự hào nói rằng quan điểm ấy đang thay đổi.

Đại úy Pnina Shechtman, chỉ huy trung đội trong tiểu đoàn đa giới tính Bardelas đang hoạt động ở Gaza cho biết cô đã chỉ huy những người lính tuân sùng đạo nhất và mọi thứ đều ổn. “Cuối cùng, tất cả chỉ là vấn đề tôn trọng lẫn nhau” - Shechtman nói, “bởi vì chúng tôi có cùng một sứ mệnh”.

Tại doanh trại ở Gaza nơi đại đội của Đại úy Amit Busi đóng quân, pháo sáng thường xuyên thắp sáng bầu trời. Nhưng không ai nao núng trước nguy cơ xảy ra bị đối phương tập kích trong đêm. Một số nam chiến sĩ cho biết họ ngủ ngon khi biết rằng Đại úy Busi và quân của cô đang canh gác doanh trại. Một sự thừa nhận tưởng chừng đơn giản và nhỏ bé, nhưng phải mất nhiều thập kỷ mới đạt được đối với các nữ quân nhân Israel.

Quang Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/mot-hanh-trinh-dai-vuot-qua-dinh-kien-i721357/