Một hợp tác xã ở Hà Tĩnh sản xuất mật ong đạt chuẩn VietGAP
Nuôi ong theo chuẩn VietGAP; đầu tư máy móc tinh chế hiện đại; quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chuyên nghiệp...là cách làm hiệu quả của HTX mật ong Cường Nga ở Sơn Diệm (Hương Sơn - Hà Tĩnh), góp phần giải 'bài toán' tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi ong.
Để nâng cao chất lượng và bảo quản sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX Mật ong Cường Nga đã đầu tư dây chuyền tinh chế mật ong công nghệ Nhật Bản trị giá hơn 800 triệu đồng
Trước những khó khăn của người nuôi ong trong kỹ thuật nuôi, bảo quản mật, đặc biệt là khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, tháng 8/2019, ông Nguyễn Văn Cường đã thành lập HTX Mật ong Cường Nga với 9 thành viên chính thức và liên kết với hàng chục hộ dân nuôi ong lấy mật trên địa bàn.
Để có sản phẩm mật ong đầu vào đạt chất lượng tốt nhất, HTX đã mời các chuyện gia từ Canada và Hội nuôi ong Việt Nam về tập huấn cho các thành viên kỹ thuật nuôi và khai thác mật ong theo tiêu chuẩn VietGap.
Chất lượng ong được tuyển lựa ngay từ đầu
“Trước đây, chúng tôi nuôi ong theo kinh nghiệm dân gian kiểu “được chăng hay chớ” nên sản lượng, chất lượng mật đạt thấp và thời gian bảo quản ngắn. Sau khi được HTX mật ong Cường Nga cho tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong, chúng tôi được nắm bắt thêm kỹ thuật và nhận thấy nuôi ong dễ hơn, năng suất, chất lượng cao hơn hẳn” – ông Nguyễn Quang Tác ở thôn 1, xã Sơn Diệm cho hay.
Cũng theo ông Tác, trước đây sản xuất ra nhiều mật nhưng gia đình ông cũng như nhiều hộ nuôi ong trong xã rất lo lắng vì việc bảo quản, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, chỉ quanh quẩn trong địa bàn và vài người thân quen. Mật để lâu ngày chất lượng, màu sắc xuống cấp, nhiều nhà tồn hàng trăm lít mật ong không tiêu thụ được.
Sản phẩm mật ong Cường Nga đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng phẩm OCOP tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao
Những khó khăn trong bảo quản, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của ông Tác cũng như hàng chục hộ dân liên kết nuôi ong với HTX mật ong Cường Nga đã được “hóa giải”. Đó là ngay sau khi thành lập, HTX mật ong Cường Nga đã đầu tư hơn 800 triệu đồng lắp đặt máy tinh chế mật ong công nghệ Nhật Bản.
Hệ thống máy tinh chế mật ong công nghệ Nhật Bản đã hóa giải những khó khăn trong bảo quản, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của người nuôi ong.
Mật ong sau khi thu hoạch từ trang trại, được đưa vào hệ thống lọc thô, hệ thống máy hạ thủy để loại bỏ các tạp chất và lượng nước dư thừa, sau đó qua máy lọc tinh chế, đo nhiệt độ tự động và đóng chai theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chính vì vậy, sản phẩm mật ong Cường Nga xuất ra thị trường đều đạt chuẩn về chất lượng, không bị bồi lắng, không lên men trong quá trình bảo quản. Toàn bộ sản phẩm được dán nhãn mác thương hiệu và mã vạch đúng quy định.
Sản phẩm mật ong Cường Nga được đóng hộp, chai với nhiều kích cỡ, mẫu mã đa dạng có gắn tem xuất xứ nguồn gốc rõ ràng
Ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga cho biết, cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX Cường Nga đã tận dụng ưu thế của mạng xã hội và tích cực tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm. Sau 3 tháng thành lập và đi vào hoạt động, HTX mật ong Cường Nga đã bán ra thị trường trên 2.500 lít mật, doanh thu hơn 500 triệu đồng. Đặc biệt, thị trường đã được mở rộng ra các tỉnh phía Bắc, vào miền Nam và có mặt tại một số siêu thị.
Mới đây, sản phẩm mật ong Cường Nga đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hà Tĩnh công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đây là sản phẩm đầu tiên của huyện Hương Sơn nói riêng và của tỉnh Hà Tĩnh nói chung đạt tiêu chuẩn này.
Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX Cường Nga đã tận dụng ưu thế của mạng xã hội và tích cực tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm
Thành công ban đầu trong việc bảo quản, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của HTX mật ong Cường Nga đã khích lệ, động viên người người nuôi ong yên tâm sản xuất, mở rộng quy mô liên kết và thâm nhập sâu vào thị trường, góp phần nâng cao giá trị, để nghề nuôi ong phát triển bền vững.