Một huyện nợ cả trăm tỷ đồng tiền xây dựng cơ bản
Thời gian qua, nhiều nhà thầu phản ánh tới báo Tiền Phong việc huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) của họ đã kéo dài nhiều năm khiến tình hình tài chính các doanh nghiệp này gặp muôn vàn khó khăn.
Đa số các dự án nợ đọng lớn đều do Ban quản lý (BQL) dự án và phát triển quỹ đất huyện Cư Jút làm chủ đầu tư. Đơn cử, như trường hợp dự án Hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Linh (hạng mục nâng cấp cải tạo nền mặt đường, hệ thống an toàn giao thông). Chủ đầu tư dự án này là BQL dự án và phát triển quỹ đất huyện Cư Jút.
Dự án có tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng, do Cty CP xây dựng Đắk Lắk thi công xây dựng, được khởi công ngày 19/9/2019, hoàn thành ngày 10/7/2020. Đến nay, huyện mới phê duyệt quyết toán được 9 tỷ đồng, còn nợ hơn 4 tỷ đồng các nhà thầu. Theo kế hoạch bố trí vốn giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, huyện Cư Jút sẽ chỉ thanh toán được 1,5 tỷ đồng trên tổng nợ.
Dự án Hệ thống điện chiếu sáng đường Nguyễn Văn Linh cũng do BQL trên làm chủ đầu tư, được khởi công ngày 10/2/2020, hoàn thành ngày 6/7/2020. Dự án có tổng mức đầu tư 6,7 tỷ đồng, sau điều chỉnh xuống còn 6,3 tỷ đồng, do Cty CP công trình Việt Nguyên thi công. Hiện chủ đầu tư còn nợ tiền các nhà thầu 3,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, có những dự án hoàn thành đưa vào hoạt động từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa được thanh quyết toán xong. Đơn cử, dự án trụ sở làm việc Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Cư Jút do BQL các dự án huyện Cư Jút làm chủ đầu tư, được khởi công ngày 31/8/2016, hoàn thành ngày 15/3/2017. Dự án có tổng vốn đầu tư 5,7 tỷ đồng, do Cty TNHH Khánh Vĩnh thi công xây dựng. Đến nay, UBND huyện Cư Jút mới thanh toán được 2,4 tỷ đồng, còn nợ các nhà thầu 3,3 tỷ đồng. Theo kế hoạch bố trí vốn giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, giai đoạn này, huyện Cư Jút sẽ chỉ thanh toán được 1,2 tỷ đồng trên tổng nợ.
Không cân đối được nguồn để chi trả
Trả lời PV Tiền Phong, lãnh đạo UBND huyện Cư Jút cho hay, tổng tiền nợ đọng XDCB của huyện đến ngày 31/12/2021 (năm đầu của giai đoạn đầu tư công 2021-2025) gần 138 tỷ đồng (trong đó có 86 tỷ đồng giai đoạn 2016-2020 chuyển sang). Tính đến cuối năm 2022, huyện này mới bố trí giải ngân được 43 tỷ đồng, còn nợ hơn 95 tỷ đồng.
Về nguyên nhân chính dẫn đến số nợ đọng tiền XDCB lớn trên, lãnh đạo UBND huyện Cư Jút cho rằng, do nợ của giai đoạn từ 2016-2020 chưa được giải quyết còn nhiều. Ngoài ra, việc thu tiền sử dụng đất các năm qua không đạt kế hoạch đề ra nên không có tiền để giải ngân cho các dự án.
Nhiều dự án đã được UBND tỉnh quyết định đầu tư nhưng tỉnh không bố trí hoặc hỗ trợ huyện vốn để thanh toán các khoản nợ. Do đó, huyện phải cân đối để trả các khoản nợ theo cơ chế phân cấp vốn đầu tư hiện hành, trong khi hệ số phân bổ vốn đầu tư cho huyện rất thấp.
Hầu hết DN bị nợ đọng tiền XDCB đều kêu trời vì vốn của họ bị chiếm dụng trong khi tài chính chủ yếu là nguồn đi vay.