Một Khánh Ly của Bùi Lan Hương

Trong vô vàn khen chê dành cho bộ phim 'Em và Trịnh', vai Khánh Ly của Bùi Lan Hương chính là một 'em' nhận nhiều ưu ái hơn cả. Có người nói Hương đã sáng tạo ra một Khánh Ly khác, có đời sống và ánh sáng của riêng mình.

Chân dung Bùi Lan Hương

Khánh Ly của tưởng tượng

“Một vai diễn khó” như lời đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chính là đề bài dành riêng cho Bùi Lan Hương trong “Em và Trịnh”. Bởi cầm chắc, dù có tái hiện thế nào, nhân vật của cô cũng sẽ luôn bị đem ra quy chiếu với người thực: cả con người và giọng hát. Khó hơn, người thực ấy còn nổi tiếng, lại vẫn đang hoạt động nghệ thuật.

Lan Hương kể, trước khi vào vai, cô chưa từng gặp Khánh Ly. Tất cả những hình dung cô có được đều nhờ phim ảnh, tư liệu, chuyện kể... và những bức thư điện tử qua lại với danh ca trong thời điểm dịch COVID-19 ngăn sông cấm chợ cả thế giới.

“Cô Ly rất cởi mở. Cô kể tường tận cho tôi xưa cô hay mặc đồ gì, làm tóc như thế nào. Rồi cô hỏi con có hút thuốc không, tôi bảo không, cô bảo ồ cái đấy hay lắm nha! Để ra tinh thần cô Ly, tôi phải tập hút thuốc dù bị xoang, dù biết nó có hại với sức khỏe. Cũng không phải hút giả vờ mà phải thật sự hít hơi thuốc vào phổi, như thế mới giống thật.

Cô Ly lại hút thuốc nặng chứ không hút loại nhẹ của phụ nữ. Tôi phải tập hút từ loại nhẹ, những lần đầu tiên lần nào cũng ho sặc sụa, lâu dần mới quen. Rồi cái tay cầm điếu thuốc nữa, người không quen hút cầm điếu thuốc trông rất buồn cười. Để tạo cảm giác “nghiện” tôi phải cầm thuốc hàng ngày, không hút mà chỉ cầm đi quanh nhà cho quen.

Tôi cũng phải cạo lông mày, kẻ mắt đậm. Trong quá trình quay thỉnh thoảng tôi có chút “đố kỵ” khi thấy các nàng thơ khác đều được trang điểm tự nhiên, ăn mặc đẹp, trong khi mình phải tạo hình cho dữ lên, sắc lên. Cho nên tôi ngạc nhiên lắm khi được khán giả khen “Khánh Ly trên phim đẹp”. Bùi Lan Hương chia sẻ.

Nếu nói có điều gì khiến bản thân tự tin nhất khi vào vai “nữ hoàng chân đất”, Lan Hương khẳng định đó chính là việc hát. Cô được đào tạo bài bản về hát thính phòng nhưng lại phải vào vai một người không biết hát, hát bằng bản năng. Để xử lý độ vênh này Lan Hương học cách hát ngày xưa của các cô các bà, tạm quên những kỹ thuật kinh viện. Mỗi ngày trung bình Hương tập hát hai tiếng (đây là ngưỡng cho phép mà các cơ họng và dây thanh đới có thể chịu đựng) và kéo dài trong nhiều ngày. Kết quả, ngoài diễn xuất, Bùi Lan Hương còn được người xem chấm điểm cao vì khả năng làm mới nhạc Trịnh. Những clip cô thể hiện trong phim sau đó đều trở thành kết quả được tìm kiếm nhiều nhất trên youtube.

Trong phim có một phân đoạn Khánh Ly lần đầu bỏ guốc và hát ở Quán Văn được khen nhiều nhất. Hình ảnh ấy vừa có phong thái của một nghệ sĩ lớn làm chủ sân khấu, vừa có sự rụt rè của một giọng ca lần đầu ra biển lớn. Hương kể, khi ấy cô đã hoàn toàn hóa thành một Lệ Mai phóng khoáng và tự nhiên, cho nên dứt khoát bỏ cái vỏ điệu đà (là đôi guốc), đứng chân trần và chỉ tập trung hát cho hay, thế là nó ra cái thần thái như trên phim.

“Thật lòng tôi không cảm thấy quá khó khi tìm ra chất riêng đóng Khánh Ly, nhưng cũng không dễ. Tôi không tìm cách diễn ở từng cảnh quay, mà sau quá trình tìm hiểu về nhân vật, cộng với sự thấu cảm trong tâm hồn, tôi trở thành Khánh Ly. Lúc ấy từ cử động tay chân, gương mặt, biểu cảm của tôi đều không còn là Bùi Lan Hương nữa. Tôi trở thành nhân vật”!

Cũng giống như Khánh Ly khi nói trước công chúng, Bùi Lan Hương không gọi Trịnh Công Sơn là anh, mà luôn là “ông Sơn”. Phim đóng máy hai năm, trong mọi câu chuyện, danh xưng cô dành cho cố nhạc sĩ vẫn là “ông Sơn”: “từ trước đến nay, tôi vẫn hình dung ông Sơn là người bao dung, vị tha, nhân cách đẹp, không bao giờ giận hờn ai”.

Sự “cố chấp” với âm nhạc

Bùi Lan Hương (sinh năm 1989 tại Hà Nội), lần đầu được chơi đàn khi sắp vào lớp 11. Bố mẹ không muốn con mình theo đuổi con đường âm nhạc, Bùi Lan Hương đã phải dành tiền ăn sáng để có tiền học nhạc. Thi đại học cô cũng không dám thi vào Học viện Âm nhạc mà chọn thi vào Đại học Ngoại thương ngành quản trị kinh doanh. Thế nhưng sau 2 năm học ở Ngoại thương cô “nhận ra mình thuộc về âm nhạc”, thế là bỏ để thi vào Học viện Âm nhạc, và đỗ thủ khoa.

Tốt nghiệp á khoa chuyên ngành Thính phòng Cổ điển, Bùi Lan Hương lại nhận được học bổng sang Singapore học về nhạc Jazz ở trường Lasalle College of the Arts.

“Thời gian sang Singapore học, tôi sống như một sinh viên, tối đi hát ở quán cà phê và nhận cát xê 150-200 SGD cho 2 tiếng hát. Cát xê ít ỏi nhưng giúp tôi có thêm tiền trang trải chi phí”. Cô kể.

Thời gian đó, Lan Hương dự định sau khi về Việt Nam sẽ mở một quán chơi nhạc Jazz và đi dạy nhạc ở trường quốc tế. Thế nhưng, số phận đưa đẩy, cô không tránh khỏi con đường của một nghệ sĩ biểu diễn kể từ sau khi ca khúc “Ngày chưa giông bão” (sáng tác Phan Mạnh Quỳnh) được Hương tạo ra một phiên bản cực kỳ ma mị và cán đích triệu view vào năm 2018.

Sau khi nổi lên từ chương trình Sing my song - Bài hát hay nhất mùa thứ hai, Bùi Lan Hương được công nhận là ca sĩ tiên phong theo thể loại dream pop ở Việt Nam với cả khả năng hát lẫn sáng tác. Nhạc sĩ Đức Trí nhận xét Lan Hương sở hữu một màu sắc âm nhạc rất riêng cũng như khả năng sáng tác những giai điệu khiến khán giả chỉ nghe qua một lần là nhớ ngay. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn còn hào phóng hơn, anh cho rằng giọng của Bùi Lan Hương “rất lạ, trễ nải rõ từng lời một như mật rót vào tai”.

Thời điểm Hương thi Sing my song, ngay cả một số giám khảo cũng ngạc nhiên khi biết cô chọn dream pop làm hướng đi cho mình bởi đây là thể loại âm nhạc khá lạ và mới mẻ ở Việt Nam, hơn nữa nó có giai điệu phức tạp được kết hợp từ nhiều dòng nhạc khác như Indie pop, Grunge, Britpop...

Viết nhạc khi có những nỗi niềm không thể nói được với ai

Là người chịu đọc nên nhiều sáng tác của Bùi Lan Hương được gợi hứng từ những tác phẩm văn chương. Ví dụ cô từng viết "Cố chấp" dựa trên cảm hứng từ tiểu thuyết "Đồi gió hú”. Còn câu chuyện tình tội lỗi, bị cấm cản trong "Tiếng chim hót trong bụi mận gai" chính là nguồn cơn để cô cho ra đời “Cấm đoán”.

Hương nói rằng, cô thường viết nhạc khi có những nỗi niềm không thể nói được với ai. Thói quen sáng tác của Lana Del Rey phiên bản Việt chính là “lâu, rất lâu, ngày này qua tháng nọ chứ không dễ dàng như một buổi chiều xong một ca khúc”.

“Mọi thứ liên quan đến nghệ thuật tôi đều làm vì tình yêu. Bản thân tôi không có nhiều khôn khéo lắm khi làm nghề. Tôi chỉ quan tâm làm sao cho sản phẩm thật hay thôi, như đóng phim cũng thế. Thời gian đầu tôi không biết làm cách nào cho khán giả biết đến mình cả. Toàn bộ thời gian tôi dành ở trong phòng tập, hoặc là viết ca khúc... mà sao nhãng việc làm sao đưa sản phẩm của mình đến với công chúng. Có lẽ đó là thiếu sót của tôi”. Cô tự nhận.

Bùi Lan Hương lý giải về sự “cố chấp” này (“Cố chấp” cũng là tên một ca khúc do cô sáng tác): “Chọn con đường khó là do tính nết tôi thế. Tôi đặt nặng việc phải làm nghệ thuật thật hay, thật chỉn chu, hơn là việc làm hình ảnh. Tôi thích một dòng nhạc khiến mình không phải quá thay đổi bản thân, không cần dành quá nhiều thời gian cho những thứ bên ngoài nghệ thuật, chỉ cần vững chuyên môn thì vẫn sống được với nghề. Tất nhiên, dream pop trên thị trường sẽ không bao giờ phủ rộng bằng pop ballad, vậy nên tôi sẽ chỉ hướng tới một nhóm khán giả nhất định chứ không phổ cập tới tất cả mọi người. Tôi nghĩ thị trường vẫn sẽ tạo chỗ trống cho mình được sáng tạo để hoạt động và theo đuổi hướng đi riêng.”

Lana Del Rey Việt Nam

Chất giọng khàn, trầm nhưng truyền cảm của Bùi Lan Hương được người nghe ví như "Lana Del Rey của Việt Nam”. Đây cũng là ca sĩ thần tượng – người truyền cảm hứng cho Hương đi theo con đường dream pop.

Ngay sau khi “Em và Trịnh” đóng máy, Bùi Lan Hương đã ấp ủ một dự định âm nhạc lớn mà không phải “liều” theo con đường diễn xuất theo đà thừa thắng xông lên.

Bùi Lan Hương hóa thân thành Khánh Ly trong “Em và Trịnh”

“Trong năm nay, tôi vô cùng mong muốn ra một MV, album Bùi Lan Hương 2, và nếu làm được một live show nữa thì là tuyệt vời. Từ lâu rồi, tôi luôn ước ao được đứng trên sân khấu hát ca khúc của mình, với âm thanh xịn xò nhất. Và nếu làm show, tôi sẽ không tiếc đầu tư cho âm thanh, khi nào âm thanh đủ “đã” tôi mới nghĩ đến chuyện đầu tư cho sân khấu. Trước nay đi hát, mọi người thường đầu tư cho sân khấu nhiều hơn vì liên quan đến hình ảnh truyền thông, nhưng nếu tôi làm, âm thanh phải ưu tiên hàng đầu. Show này sẽ không chỉ có dream pop mà còn có thêm hai phần rất quan trọng đối với tôi: jazz và nhạc Trịnh”. Bùi Lan Hương chia sẻ.

Nói xong cô còn bổ sung thêm: “Tôi chỉ khắt khe trong âm nhạc, còn bình thường là người sống vui vẻ, hay tếu táo với mọi người. Tôi thích nấu nướng trong thời gian rảnh, hoặc là đi cà phê, đọc sách, truyện, tiểu thuyết”...

HẠNH ĐỖ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mot-khanh-ly-cua-bui-lan-huong-post1447051.tpo