Một lần lạc tay lái... và tình người đọng lại
Nhìn nỗi đau mất mẹ hằn rõ trong đôi mắt của con gái bị hại, Huỳnh Thanh Tuấn lại càng không dám đối diện. Tuấn nói, cả đời này ngoài nợ mẹ mình ra, anh ta con nợ con cái của bị hại, món nợ mà cả đời này không sao trả được.
Sai một li đi một dặm
Đến giờ này, Huỳnh Thanh Tuấn (SN 1989, quê tỉnh Hà Tĩnh) vẫn không thể ngờ rằng, những chén rượu giải sầu ngày hôm ấy đã trở thành tai họa. Tuấn đã cướp đi hạnh phúc của một gia đình, cũng là đánh mất tương lai của chính mình chỉ vì rượu.
Tuấn đã chuẩn bị sẵn tâm lý, chuẩn bị sẵn một vài lời để hôm nay nói với gia đình bị hại nhưng lời ra đến cổ lại ngắc ngứ, mắc nghẹn. Sự lăn lộn với đời để mưu sinh, sự đói ăn, thiếu mặc mà trước đây Tuấn cho là lớn thì nay đem ra so với ngày tháng ở trại tạm giam lại chẳng sá gì. Cái cảm giác tội lỗi, hối hận, dằn vặt như dây thừng, mỗi ngày cứ buộc chặt Tuấn lại.
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, là con duy nhất trong gia đình, cha mất sớm, mẹ thường xuyên đau ốm, Tuấn buộc phải trưởng thành hơn trước tuổi đời. Khi bạn bè có một tuổi thơ hạnh phúc, Tuấn đã mất cha. Khi bạn bè cùng trang lứa có sự lựa chọn cho tương lai, thi trường nào, học trường nào… Tuấn phải gác lại những ước mơ để lo cơm áo gạo tiền của hai mẹ con. Hai chữ nghèo khó là món “hồi môn” bất đắc dĩ, dù không muốn nhưng Tuấn lại không cách nào chối bỏ.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Tuấn bắt đầu đầu tắt mặt tối với những việc làm khác nhau để kiếm sống. Ngặt nỗi, cuộc sống ở quê dù chăm chỉ đến mấy cũng thu nhập bấp bênh, vất vả cũng chẳng vơi bớt chút nào. Cuối cùng, Tuấn quyết định tha hương cầu thực và đã chọn TP. Đà Nẵng làm nơi dừng lại.
Không có bằng đại học nên để kiếm một công việc như ý với Tuấn cực kỳ khó. Sau khi suy tính, Tuấn thấy mưu sinh bằng nghề chạy grab là ổn nhất. Để con có phương tiện hành nghề, Lê Thị Thu (SN 1958) vay mượn người thân mua cho Tuấn chiếc xe máy. Cuối năm 2022, Tuấn vào Đà Nẵng, chính thức gia nhập đội hình chạy grab.
Để có được nhiều “cuốc xe” mà không phải tranh giành với đồng nghiệp, Tuấn chọn đăng ký chạy khung giờ từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau. Xác định là vất vả nhưng chỉ cần kiếm được tiền, trang trải cuộc sống của bản thân, thuốc men cho mẹ là Tuấn lại tràn đầy động lực để làm việc.
Vậy mà trời lại không thương người chịu khó, mấy ngày liền lượng khách thưa thớt, thậm chí có ngày vắng hoe. Ngày 26/3, cũng vậy vì không có khách, đợi đến khoảng 4 giờ Tuấn và một số đồng nghiệp tắt app, rủ nhau đến một quán trên đường Phan Tứ (quận Ngũ Hành Sơn) làm vài ly rượu táo mèo giải sầu.
Khi người người bắt đầu đón một ngày mới thì “đội quân” những người chạy grab của Tuấn cũng kết thúc ăn uống. Tuấn rời bàn, điều khiển xe về phòng trọ nghỉ ngơi.
Khoảng 5 giờ 20 cùng ngày, khi lưu thông đến điểm giao nhau giữa đường 2 Tháng 9 và đường Nguyễn Thiện Thuật (quận Hải Châu), do không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ…, Tuấn tông vào bà Vũ Thị Nhung (SN 1946) và bà Nguyễn Thị Mai Hoa (SN 1962, đều trú quận Hải Châu) đang qua đường trên vạch đường dành cho người đi bộ.
Hậu quả, bà Nhung chết tại chỗ, bà Hoa bị thương. 6 giờ 50 cùng ngày, Tuấn đến Công an quận Hải Châu đầu thú.
Qua kiểm tra nồng độ cồn, Tuấn có kết quả 0,795mg/lít khí thở. Tất cả xảy ra quá nhanh, Tuấn chẳng thể ngờ rằng điều xui rủi, tai họa tày trời ấy lại ập vào mình, chặn hết con đường phía trước của bản thân, đến một cơ hội để thay đổi vận mệnh cũng không có.
Tình người đọng lại
Dù không nói, thì sự căng thẳng của Huỳnh Thanh Tuấn đều bày hết ra bên ngoài. Tuấn sai, Tuấn sẽ chịu tất cả hậu quả mình đã gây ra và việc đi tù là điều chắc chắn nhưng thứ Tuấn sợ nhất lúc này chính là đối diện với bà Hoa và các con của bà Nhung.
Tuấn sẽ không vì một vài lời chửi mắng mà đau lòng, mà thất vọng… bởi Tuấn biết nỗi đau mất mẹ của các con bà Nhung là không thể nào đong đếm.
Nhìn nỗi đau của bà Hoa và những người con của bà Nhung, Tuấn càng hối hận, dằn vặt bản thân, chỉ ước rằng giá như bản thân không vội vã và chú ý quan sát trong khi điều khiển xe thì sẽ không gây thương đau, mất mát cho nhiều người.
Nước mắt Huỳnh Thanh Tuấn đã rơi, không phải vì bị chỉ trích và oán hận mà bởi tấm lòng vị tha của gia đình bị hại.
“Nỗi đau mất mẹ đối với chúng tôi không thể nói hết, bây giờ dù làm cách gì thì mẹ vẫn không thể sống lại được. Tuấn còn trẻ, còn tương lai và còn mẹ già ốm đau. Tuấn lớn lên thiếu tình cảm và sự chăm sóc của cha đã là thiệt thòi, gia đình không muốn bị cáo phải mất đi niềm tin trong cuộc sống. Mong hội đồng xét xử xem xét tuyên mức án thấp nhất để Tuấn sớm về với mẹ và làm lại cuộc đời…”, đại diện cho bị hại Nhung bày tỏ quan điểm và sự thương cảm của mình đối với Tuấn.
Phiên tòa lưu động của TAND quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng hôm ấy thực sự khiến những người tham dự nghẹn lòng không kìm được nước mắt. Ai cũng thấy được nỗi đau của gia đình bị hại quá lớn, lại càng xúc động hơn bởi sự rộng lượng vị tha đầy tình người của họ.
Mất đi mẹ nhưng họ không muốn thấy thêm một người mẹ khác sống trong đau khổ bởi lỗi lầm của con trai. Càng không muốn biến nỗi đau thành lòng thù hận để đẩy một người vốn lương thiện vào điểm cuối.
Mỗi lời người nhà bị hại Nhung nói ra thực sự đã chạm vào điểm sâu nhất của lòng người, khiến ai nghe cũng cay xè nơi sống mũi. Họ đã chọn cách gói gọn nỗi đau cho riêng mình. Họ có thể oán, có thể trách, có thể bắt Tuấn phải trả giá bằng mọi cách mà người khác không thể lên tiếng bênh vực Tuấn nhưng họ biết điều đó có thể sẽ làm thay đổi cuộc đời một cậu thanh niên theo chiều hướng xấu. Cho nên, chọn vị tha với lỗi lầm của Tuấn hôm nay, là cách mà người thân bị hại đang từng bước chữa lành vết thương của chính mình.
Mọi thứ nhòe đi vì nước mắt, Tuấn đưa tay giữ trước ngực mình, liên tục gập đầu thật sâu hướng về phía người thân bị hại, thể hiện sự biết ơn từ đáy lòng. Những lời của bà Hoa (người thoát nạn hôm ấy) và các con của bà Nhung tại phiên xét xử thực sự đã “cứu vớt” cuộc đời Tuấn. Tuấn sẽ vì tấm chân tình này mà quyết tâm cải tạo thật tốt, nhìn về phía trước, để làm lại cuộc đời.
Nói về bà mẹ đơn thân Lê Thị Thu của Tuấn ở quê nhà khi hay tin báo con trai gây ra tội lỗi, bà đã ngất đi. Nghĩ đến cuộc sống hiu quạnh và đứa con duy nhất vướng vòng lao lý, bà Thu càng thấy cuộc đời mình chìm trong đau khổ. Điều bà lo sợ nhất khi người chồng mất đi đó là bà không lo tốt cho con, sợ con thua thiệt. Bà không mong cầu điều gì cao xa, chỉ mong con trai trưởng thành, bình yên, vậy đã là hạnh phúc.
Thế nhưng, hình như cả thế giới đang cố tình quay lưng với bà. Đôi lúc, những mong ước bé nhỏ, bình thường nhất trong cuộc sống của bà lại trở nên là điều xa xỉ. Ví như, hai mẹ con nghèo đói có nhau, ví như con trai bình yên… bây giờ cũng chỉ tồn tại ở một chữ “ước”. Dù gia đình hai bị hại không có bất cứ đòi hỏi nào nhưng người làm mẹ như bà Thu làm sao có thể ngồi yên. Bà chạy vay khắp nơi được 10 triệu bồi thường, để khắc phục phần nào hậu quả con mình gây ra.
“Biết gia cảnh mẹ góa con côi, khốn khó, hai gia đình bị hại từ chối số tiền tôi mang đến. Tôi biết, 10 triệu đồng đó không thể bù đắp được nỗi đau mà con tôi gây ra, gia đình họ cũng biết 10 triệu đồng đó là cả một vấn đề lớn đối với một người mẹ nghèo như tôi nên mở lời từ chối. Con dại cái mang, tôi xin phép gửi lại số tiền ấy để nhang đèn cho người quá cố, họ mới nhận cho có lệ...”, bà Thu giãi bày đầy xúc động.
Vậy là chỉ vài ly rượu giải buồn vì ế khách, Tuấn đã đánh mất 3 năm 6 tháng tự do ở chốn lao tù. Hy vọng sau lần phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” lần này Tuấn sẽ rút ra được bài học cho bản thân. Vụ án cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người điều khiển phương tiện giao thông, phía sau tay lái là sự sống, chỉ cần mỗi giây phút bất cẩn là đánh đổi một đời...
Qua bài viết, tác giả mong muốn một lần nữa chuyển tải đến bạn đọc thông điệp “Đã uống rượu bia, không lái xe”, để tương lai ít đi những trường hợp đau lòng không đáng có!.
(Tên bị hại và những người liên quan đã được thay đổi).
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/mot-lan-lac-tay-lai-va-tinh-nguoi-dong-lai-385165.html