Một lần tới buôn Treng
Chúng tôi lên Tây Nguyên vào một ngày tháng 6. Tây Nguyên đã vào mùa mưa, những cơn mưa bất chợt đổ xuống khiến chúng tôi lo ngại. Vậy mà thật không ngờ, khi xe vừa dừng lại bên quốc lộ 14, chỗ đối diện với Nhà sinh hoạt cộng đồng Buôn Treng, xã Ea HLeo, huyện Ea HLeo, tỉnh Đắk Lắk, lại là lúc trời quang mây. Dưới ánh hoàng hôn, bầu trời cao nguyên chợt mênh mang lạ.
Đón chúng tôi là một bản tấu chiêng rộn ràng cùng những bước chân nhún nhẩy của những cô gái Gia Rai. Tiếng chiêng vang ngân trong bóng chiều chạng vạng khiến tôi có cảm tưởng như đang lạc tới một miền xa thẳm. Anh Nguyễn Huy Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa thể thao huyện Ea HLeo, người “thiết kế” chương trình chiều nay, nói rất to: “Bà con vừa chào chúng ta bằng bản chiêng chào khách. Giờ xin mời cả đoàn lên nhà Dài (nhà sinh hoạt cộng đồng) chung vui với bà con”.
Được lời như cởi tấm lòng, chúng tôi theo lối cầu thang để lên nhà Dài. Đó là một ngôi nhà được xây dựng bê tông cốt thép nhưng vẫn giữ lối kiến trúc truyền thống của người Gia Rai. Trước cửa nhà Dài là một khoảng sân nhỏ đủ để cho đội múa xoong gồm 10 cô gái của Buôn Treng nắm tay nhau, xếp thành hai hàng hai bên sân, các cô vừa nở nụ cười tươi như vầng trăng đỉnh núi, vừa nhún nhẩy những bước chân.
Phải nói là con gái Gia Rai không chỉ đẹp mà nhìn rất thanh thoát trong chiếc váy của mình, những chiếc váy Gia Rai dài tới bàn chân thể hiện sự ý nhị mà vẫn níu mắt khách nơi xa tới. Trong khi đó, những người đàn ông Gia Rai tay trái nâng chiêng lên ngang bụng, ánh mắt ngước nhìn xa xa, tay phải nện dùi vào mặt chiêng. Những người đàn ông Gia Rai thật dũng mãnh trong trang phục truyền thống, áo dài tay, mình đóng khố làm lộ ra những đôi chân rắn chắc. Có ai đó ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Nhìn bắp chân đàn ông Gia Rai đã thấy mê rồi”.
Khách khứa đã vào hết bên trong nhà Dài. Ở chính giữa nhà đã thấy mấy vò rượu cần được bày sẵn. Bấy giờ đội chiêng cũng như đội múa cũng đã lần lượt vào hết bên trong. Họ trình tự sắp thành hai hàng dọc nhà Dài. Tiếng chiêng vẫn vang ngân thúc giục, những bước chân nhún nhẩy vẫn rậm rịch mời chào. Thì ra UBND huyện và Phòng Văn hóa thể thao huyện Ea HLeo đã có sáng kiến tổ chức cuộc giao lưu giữa đoàn nghệ sĩ Hội Điện ảnh Việt Nam với bà con địa phương để gọi là “Bế mạc Trại sáng tác kịch bản về đề tài Tây Nguyên” một cách vừa bất ngờ lại vừa bổ ích. Và nói như anh Nguyễn Huy Dũng thì: “Để các nghệ sĩ được 3 cùng với bà con. Đó là: Cùng ăn, cùng uống và cùng múa”.
Tôi nhận ra trong mấy người quen cũ, đó là Nghệ nhân nhân dân Y Lay, là Nghệ nhân ưu tú Y Chua và là Nghệ nhân trẻ HUyên xinh như đóa Pơ lang mới nở. Những người quen cũ cũng đã nhận ra tôi, họ gật đầu rồi cười chào nhưng vẫn không quên nhiệm vụ, họ vẫn đánh chiêng vẫn nhún chân rậm rịch.
Mấy hôm trước khi chúng tôi về buôn Kri, xã Ea Sol để tìm hiểu về công việc truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng và múa xoong cho thanh thiếu nhi ở đấy. Hôm ấy nghệ nhân Y Lay, Y Chua và H Uyên được Phòng Văn hóa thể thao huyện phân công về đó làm giáo viên hướng dẫn. Chả là xã Ea HLeo với đội chiêng và múa Buôn Treng rất mạnh. Mạnh đến nỗi với huyện, với tỉnh hễ có hoạt động văn hóa nào là đều có mặt đội chiêng Buôn Treng.
Hôm đó tranh thủ lúc buổi học kết thúc và sau khi chúng tôi đã chụp ảnh lưu niệm với bà con, thì tôi có hỏi Nghệ nhân nhân dân Y Lay rằng: “Đánh chiêng chắc là khó lắm anh Y Lay nhỉ?”. Người đàn ông Gia Rai chừng năm mươi tuổi cười hiền hậu: “Cũng không khó lắm đâu. Quan trọng là mình yêu nó, mình coi nó như là con người của mình vậy”. Đúng là một câu trả lời rất “bà con”. Tôi lại quay sang hỏi HUyên: “Em học múa như thế nào?”. Cô gái Gia Rai da trắng, môi hồng, hàm răng trắng muốt cười rất duyên: “Em được học từ bà từ mẹ. Còn điệu múa hôm nay cũng là múa xoong truyền thống nhưng em đã tự nghiên cứu để đưa vào đấy các động tác thể hiện hoạt động khi sản xuất và tạo thêm nhịp chân không chỉ nhún nhẩy tại chỗ mà còn vừa bước đi vừa nhún nhẩy thôi”. Nghe HUyên trả lời vậy tôi mới nhớ lúc các “học trò” của cô đang múa. Đúng là những bước chân nhún nhẩy nhìn hấp dẫn thật, nhìn các cô gái múa mà tôi thấy như các cô đang cuốc lỗ, đang tra hạt rồi như đang sàng sẩy thóc nữa, những động tác quen thuộc hàng ngày đã được đưa thành nghệ thuật thì thật hay, thật ý nghĩa.
Được biết Y Lay, Y Chua và HUyên đã đi xe máy từ nhà mình ở Buôn Treng cách đây 40km để truyền dạy. Họ đâu chỉ đến một buôn mà còn đến nhiều buôn khác. Mỗi khóa học đánh chiêng, học múa xoong như vầy chừng 20 ngày. Anh Nguyễn Huy Dũng bổ sung: “Hàng năm huyện đều tổ chức liên hoan cồng chiêng, lấy địa điểm luân phiên giữa các buôn”.
Bóng chiều nguội hẳn, bóng đêm đã phủ. Cuộc trò chuyện cùng với uống rượu cần bên trong nhà Dài cũng đã thấm đượm. Đã đến lúc “hết mình” với chiêng, với múa xoong và với lửa. Tôi thấy trong người rạo rực, dường như rượu cần đã ngấm, dường như mùi củi cháy cùng ánh lửa đang bốc cao thôi thúc. Và dường như những ánh mắt, những nụ cười trắng muốt của những cô gái Gia Rai đã đượm tình.
“Nổi lửa lên!/ Nổi chiêng lên!/ Hỡi người Gia Rai!/ Hỡi người Ê Đê!/ Hỡi rừng hỡi núi/ Hỡi những người anh em, hỡi những bè những bạn/ Đêm nay cùng say/ Đêm nay cùng vui”. Đại ngàn đã cất lên tiếng gọi mời. Mọi người lúc này đã tập trung hết ở ngoài sân. Khoảng đất rộng trước Nhà sinh hoạt cộng đồng giờ đã trở thành một “sân khấu” lớn. Một sân khấu biểu diễn mà ở đó người biểu diễn với khán giả hòa với nhau, thân thiện, nhiệt tình và sống động.
Đã hết ngại ngần. Cũng có thể do ánh mắt của HUyên đang nhìn tôi khích lệ. Cũng có thể do gì đấy thôi thúc. Tôi mạnh dạn bước vào vòng nhảy. Ngọn lửa đã bốc cao. Tiếng củi cháy nổ lép bép như tạo thêm thanh âm cho cuộc vui. Người Gia Rai thật cuồng nhiệt. Vòng tay cứ rộng dần rộng dần. Chẳng có ai đứng ngoài cuộc vui đêm nay cả. Những người đàn ông Gia Rai Buôn Treng tay xách chiêng tạo thành một vòng tròn ngoài cùng. Những chiếc chiêng to nhỏ đủ cỡ đang được những nắm tay, những chiếc dùi thúc mạnh vào mặt chiêng. Ánh lửa đỏ rực như đang tô điểm cho mặt chiêng sáng loáng lên. Những người đàn ông mạnh mẽ vừa chơi chiêng vừa cất tiếng cười. Tiếng cười như gọi tới trời cao, tiếng cười như gọi sâu vào lòng đất.
Các cô gái Buôn Treng má đỏ tưng bừng, họ đã tạo nên một vòng tròn bên trong vòng tròn của những người đàn ông. Tôi thấy ở đó sự che chở. Tôi thấy ở đó sự bao dung. Tôi thấy ở đó những ấm êm những thân ái. Vòng múa xoong đêm nay lạ lắm. Tôi nghe HUyên nói trong tiếng thở: “Có các anh các chị cùng vui, em thấy như gần lại những gì xa cách”.
Ôi chao, cô gái Gia Rai này thật đẹp người lại đẹp câu nói. Tôi đưa tay tìm tay HUyên: “Cho bọn anh cùng nắm tay múa nhé”. HUyên không nói, cô chỉ gật đầu. Thế là vòng múa xoong đêm nay bỗng nên khác biệt, thay vì chỉ có những cô gái nắm tay nhau nhún nhẩy vòng xoay thì đã có thêm những người đàn ông, những người đàn bà từ nơi xa đến. Một vòng múa xoong đoàn kết, một vòng múa xoong đặc biệt, một vòng múa xoong ai ai cũng hòa nhịp.
Vòng chiêng lại rộng ra để vòng múa xoong mở rộng. Tiếng chiêng boong boong rộn rã như bung lên từ những nắm tay mạnh mẽ. Dàn chiêng Gia Rai bên cạnh những chiếc chiêng lẻ do từng người đàn ông vừa nâng xách vừa đi vừa đánh thì còn có một bộ chiêng nhỏ. Những chiếc chiêng nhỏ này (tôi đếm vội đâu như có 20 chiếc) được mắc treo vào một cây sắt dài. Cây sắt dài treo chiêng do hai chàng trai đỡ trên vai, hai chàng chậm rãi bước đi, kế đó có hai chàng trai khác bước chân nhún nhẩy như đang múa, hai chàng trai này được phân chia mỗi người phụ trách chừng 10 chiêng, vừa đi theo dàn chiêng vừa dùng hai chiếc dùi nhỏ đánh vào mặt chiêng. Thì ra dàn chiêng nhỏ này đủ để tạo ra những âm thanh trầm bổng, với những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Đêm sẫm. Nền trời cao nguyên vẫn xanh một màu xanh thăm thẳm. Ánh lửa soi rực cả một khoảng mênh mông. Cuộc vui nào rồi cũng kết thúc. Đoàn chúng tôi bịn rịn chia tay, đoàn chúng tôi lưu luyến chia tay. Những cô gái như HUyên, như HRiên, như HMai, như HKim, như HLoan đứng bên đường vẫy vẫy bàn tay. Tôi ngoái nhìn qua cửa sau của xe, ánh lửa chợt bùng lên, vô vàn những đốm than hồng bay vút lên vẽ vào khoảng không trăm ngàn bông hoa lửa.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/mot-lan-toi-buon-treng-i701118/