Một lòng hướng về đất Tổ
Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết, là dịp quan trọng để mỗi người dân đất Việt hướng về nguồn cội, tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng đã có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Năm 2012, thượng tọa Thích Đồng Tấn, trụ trì chùa Đức Bổn A Lan Nhã, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng đã xây dựng một đền thờ Vua Hùng rất uy nghiêm trong khuôn viên chùa. Từ đó, ngôi đền trở thành nơi trở về dâng hương, bái tổ của nhân dân trong khu vực và trên cả nước.


Thượng tọa Thích Đồng Tấn chủ trì lễ tiên thường khai mở cửa đền để dân chúng về tham gia lễ Giỗ Tổ
Tọa lạc tại vùng đất giàu truyền thống cách mạng và có đông đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Bù Đăng, 13 năm nay, mỗi dịp giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, ngôi đền nhỏ này luôn ngập tràn hương, đèn, trà, trái cây cùng vật phẩm dâng cúng. Tại đây, đông đảo tăng ni, phật tử và nhân dân gần xa đã thực hiện các nghi thức truyền thống như tưởng niệm, dâng hương, dâng hoa... Qua đó, tạo điều kiện cho phật tử và du khách không có điều kiện về Đền Hùng - Phú Thọ cũng có thể dâng hương, thể hiện tấm lòng thành kính lên Quốc Tổ.


Nghi thức dâng lễ vật tại đền



Vật phẩm dâng cúng lên các vị vua Hùng tại đền
Hàng năm, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được trụ trì chùa Đức Bổn A Lan Nhã tổ chức khá quy mô, thường diễn ra trong 2 ngày mùng 9 và 10 tháng 3 âm lịch. Cả hai ngày đều có phần lễ và phần hội rất trang nghiêm và hấp dẫn. Ngày mùng 9 có các nghi thức về phần lễ như: mở cửa khai hội rước Thánh (còn gọi là lễ Tiên Thường), tuyên cáo sớ bạch, khai tế thỉnh rước thánh, nhân dân dâng hương. Ngoài ra còn có một số nội dung vui chơi hấp dẫn cho phần hội như: văn nghệ, biểu diễn cồng chiêng, đàn đá, đốt lửa trại về nguồn, đêm hội tri ân, nấu cỗ ẩm thực Tây Nguyên, dâng hương cỗ mẹt cầu mùa. Ngày mùng 10 gồm có các phần lễ: Tuyên cáo sớ văn ca ngợi tri ân Quốc Tổ, tiên hiền liệt thánh, anh linh liệt sĩ; báo công lên tổ tiên thành quả một năm mùa màng nương rẫy đã qua; hứa nguyện trung kiên - kiến công báo quốc; dâng cơm quả cúng khao hiền; tán lộc tổ chia cho trăm họ.


Người dân về dâng hương tại đền
Ông Phạm Văn Kiên ở phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước rất ngạc nhiên khi lần đầu được tham gia lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại ngôi đền này. Ông chia sẻ: "Tôi tham gia Giỗ Tổ ở Đền Hùng - Phú Thọ rất nhiều lần, nhưng ở Bình Phước đây là lần đầu tiên tôi thấy không khí như thế này rất là tuyệt vời, mọi thứ được bày trí rất trang nghiêm và tươm tất, nếu không có điều kiện về đất tổ thì đây cũng là nơi mọi người có thể đến dâng hương trong ngày giỗ Quốc Tổ".
Còn anh Vũ Minh Tuấn ở Thủ đô Hà Nội trong một dịp tình cờ đến Bình Phước, ghé qua ngôi đền này ngay trong dịp giỗ tổ đã rất ngỡ ngàng với những gì đang diễn ra tại đây. "Tôi khá bất ngờ và thích thú vì không nghĩ ở Bình Phước lại có một ngôi đền thờ Vua Hùng tuy nhỏ gọn nhưng trang nghiêm và có nhiều hoạt động như một lễ hội hấp dẫn đến thế. Tôi quan niệm cái tâm mình hướng tới tổ tiên ở chỗ nào thì cũng đều là như nhau. Và cái duyên hôm nay được dâng hương đến các vị Vua Hùng trên mảnh đất Bình Phước cũng cảm thấy được an ủi và tự hào. Chứng tỏ là dù đi đâu thì văn hóa Việt vẫn được lan tỏa mạnh mẽ, tôi cũng không thấy có sự khác biệt về tinh thần giữ gìn bản sắc dân tộc", anh Tuấn chia sẻ.



Một số hoạt động nghệ thuật trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại đền
Để có được không gian vừa mang đậm giá trị tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng, vừa mang nhiều giá trị văn hóa bản địa như ngày nay, từ năm 2012, ngôi đền đã trải qua 3 lần tu sửa mới được xây dựng kiên cố như hiện tại. Và cứ mỗi dịp giỗ Quốc Tổ, nơi đây trở thành một điểm đến để nhân dân trở về vừa dâng hương, tri ân lên các vị Vua Hùng vừa khám phá những nét đẹp độc đáo trong văn hóa bản địa của người dân địa phương. Năm nay, giỗ Quốc Tổ Hùng Vương được nghỉ liên tiếp 3 ngày, đây cũng là dịp để nhân dân gần xa có nhiều thời gian để vừa dâng hương, bái tổ vừa tham quan du lịch nhiều nơi tại huyện Bù Đăng.
Góp phần làm nên không khí trang nghiêm, cung kính với các bậc tiên đế, một đội tế lễ cổ truyền dân gian gồm 16 người do các cụ lớn tuổi ở xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng đảm nhận. Bà Đoàn Thị Tất, 70 tuổi, đội trưởng đội tế lễ cho biết: "Đội tế của chúng tôi thành lập cũng đã được 20 năm. Các cụ ở ngoài Bắc đã đi tế chuyên nghiệp, vào đây hướng dẫn và dạy cho chúng tôi. Nhiều năm nay, cứ đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, đội tế tổ chúng tôi lại về thực hiện các nghi thức dâng hương, hoa, trà, quả lên ban thờ tiên tổ. Bản thân chúng tôi cũng cảm thấy rất tự hào khi được làm công việc này".
Tuy ở xa đất tổ Phú Thọ, nhưng nhân dân Bình Phước vẫn có một số điểm để đến dâng hương tưởng niệm vua Hùng, trong đó có đền thờ này. Là một người yêu văn hóa Việt, thượng tọa Thích Đồng Tấn muốn gìn giữ và hướng dẫn bà con luôn ghi nhớ công lao của tổ tiên và tinh thần tri ân nguồn cội. Vậy nên thượng tọa đã tạo ra một nơi trang nghiêm như thế này để nhân dân có thể thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng với tổ tiên, với non sông nước Việt.
Việc thành tâm hướng về Quốc Tổ càng làm cho mỗi người con đất nước Việt Nam ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm cá nhân với cội nguồn dân tộc, gắn bó sâu nặng hơn với quê hương, Tổ quốc mình. Từ đó, ra sức phấn đấu học tập và xây dựng đất nước, xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/171202/mot-long-huong-ve-dat-to