Những con tim hướng về Đất Tổ

Chia sẻ niềm xúc động khi lần đầu tiên được dâng hương tại Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) - nơi linh thiêng gắn liền với cội nguồn dân tộc, ông Trần Quang Hiển (đại diện kiều bào Thái Lan) cho biết, ông cảm nhận rất rõ sự kết nối sâu sắc với quê hương, Tổ quốc; biết ơn và tự hào về lịch sử hào hùng của cha ông, nhất là công lao dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng cũng như sự hy sinh của thế hệ đi trước.

Đoàn kiều bào chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Đoàn kiều bào chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Giống như ông Hiển, là người con xa quê hương hơn 20 năm, chị Vũ Thị Huyên (kiều bào Hàn Quốc) chia sẻ: "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng 3: Tôi sẽ giáo dục con cháu mình, chia sẻ với các thế hệ trẻ kiều bào, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng luôn nhớ về nguồn cội, cha ông và văn hóa tốt đẹp của dân tộc”.

Cách Việt Nam gần 7 giờ bay, tại thành phố Osaka (Nhật Bản) một ngày cuối tháng 3 vừa diễn ra Lễ hội văn hóa Việt Nam. Tâm điểm của lễ hội chính là màn tái hiện Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và hoạt động xếp hình bản đồ Việt Nam xác lập kỷ lục với số lượng người tham gia đông nhất. Đến ngày 7/4 (nhằm ngày 10/3 âm lịch) vào lúc 18 giờ, giờ Việt Nam (13 giờ, giờ châu Âu), tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ diễn ra Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Vinh danh con cháu Vua Hùng. Chương trình năm nay có chủ đề “Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc”. Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu năm 2025 sẽ có nhiều hoạt động như: Phối hợp với Viện Hồ Chí Minh, Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg và cộng đồng người Việt tại Saint Petersburg (Liên bang Nga) tổ chức Hội thảo Quốc tế với tiêu đề “Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc” và dâng hương tại các nước Ban dự án đã an vị tượng Vua Hùng. Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu là sáng kiến của một số nhà khoa học, trí thức, lãnh đạo hội đoàn cộng đồng kiều bào của 7 quốc gia nhân dịp về tham dự “Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX” tại Hà Nội (năm 2015); đến nay, hội đồng thành viên Ban dự án có gần 100 nhà khoa học, trí thức, nhà văn hóa, chính khách, nhà ngoại giao, nhà văn, nhà báo, lãnh đạo cộng đồng kiều bào, doanh nhân, các đại sứ, sứ giả đến từ 30 quốc gia trên thế giới.

Trước đó, tại quê nhà Việt Nam, nhằm ngày 6/3 âm lịch, ông Trần Quang Hiển, chị Vũ Thị Huyên đã hòa vào Đoàn kiều bào gồm 50 đại biểu đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ dưới sự tổ chức của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đi dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì. Đoàn do Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Trung Kiên dẫn đầu.

Tại đây, 50 kiều bào tiêu biểu đã đến dâng hương tại Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân, dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng tại Đền Hạ, Đền Trung và đặc biệt đoàn đã làm lễ báo công, tri ân công đức tổ tiên tại Đền Thượng.

Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) luôn nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Hàng năm, các cơ quan đại diện, Hội đoàn người Việt khắp nơi trên thế giới đều tổ chức hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn này của dân tộc. Việc tổ chức Đoàn kiều bào dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2025 vừa thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", vừa góp phần triển khai chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước đề ra cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; cũng là hoạt động thông lệ trong chương trình công tác năm 2025 của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Hoạt động tăng cường sự gắn kết giữa kiều bào ở nước ngoài với quê hương, đất nước, phát huy truyền thống hướng về cội nguồn và tri ân công đức của Tổ tiên; qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới, tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Năm nay, Đoàn kiều bào dâng hương nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương có thêm hoạt động mới, phong phú hơn. Sau khi dâng hương tại Phú Thọ, đoàn đã tới thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và thăm ATK, khu di tích lịch sử Tân Trào.

Các kiều bào cũng đã dự buổi tiếp của đại diện lãnh đạo tỉnh Phú Thọ. Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Dư Văn Quảng - Giám đốc Sở Ngoại vụ, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Phú Thọ khẳng định, tỉnh Phú Thọ luôn trân trọng, chào đón và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của đồng bào ta để chung tay xây dựng quê hương Đất Tổ Vua Hùng nói riêng, cả nước nói chung, ngày càng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho kiều bào làm ăn, kinh doanh, hoạt động từ thiện…; hỗ trợ các hội liên lạc, hội thân nhân kiều bào tại địa phương phát huy vai trò.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương cho biết, chuyến thăm của các kiều bào là cơ hội giới thiệu nhiều hơn về địa phương; mong muốn kiều bào sẽ là cầu nối để lan tỏa, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, giá trị di sản, các tiềm năng, thế mạnh của Tuyên Quang đến gần hơn với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, bạn bè quốc tế nói chung. Nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa Tuyên Quang với kiều bào, ông Hoàng Việt Phương mong muốn, các chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia tư vấn, chuyển giao công nghệ, hợp tác đầu tư tại tỉnh trong các lĩnh vực địa phương có tiềm năng, thế mạnh như nông nghiệp, du lịch, thương mại...

Lãnh đạo UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài báo cáo, đề xuất với Bộ Ngoại giao tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong cập nhật thông tin, kết nối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện để địa phương có điều kiện, cơ hội gặp gỡ kiều bào ở nước ngoài, nhất là kiều bào tiêu biểu; vận động các kiều bào trí thức, doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào uy tín, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, quan tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có tỉnh Tuyên Quang.

Dịp này, Đoàn kiều bào đã trao quà từ thiện, đóng góp cho Chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Tuyên Quang.

Dâng bánh chưng, bánh giầy lên các Vua Hùng

Ngày 6/4 (tức ngày 9/3 năm Ất Tỵ 2025), tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, đoàn đại biểu và văn hóa dân gian (VHDG) thành phố Việt Trì và huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) đã tổ chức dâng lễ vật bánh chưng, bánh giầy lên các Vua Hùng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2025.

Lễ vật thành kính dâng cúng lên tổ tiên gồm 18 chiếc bánh chưng của đoàn đại biểu và VHDG thành phố Việt Trì, 18 chiếc bánh giầy của đoàn đại biểu và VHDG huyện Yên Lập chuẩn bị, mỗi chiếc nặng 1kg. Đây là hai địa phương có đội thi đoạt giải Nhất Hội thi “Gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy” năm 2024.

Theo thông lệ, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm, các đoàn giành giải Nhất hội thi Gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy năm trước sẽ được dâng cúng bánh chưng, bánh giầy lên các Vua Hùng vào năm sau. Những chiếc bánh được làm từ những hạt gạo thơm tinh túy của đất trời, được bàn tay tài hoa của các nghệ nhân dân gian địa phương làm nên vừa đẹp mắt, vừa thơm ngon, là lễ vật thể hiện tấm lòng hướng về nguồn cội của các thế hệ con Lạc cháu Hồng tưởng nhớ tới các bậc tiền nhân.

Tại Điện Kính Thiên - Đền Thượng, đoàn đại biểu và VHDG đại diện cho nhân dân thành phố Việt Trì và huyện Yên Lập đã thành kính dâng 18 cặp bánh chưng, bánh giầy lên các Vua Hùng, đồng thời bày tỏ lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên, nguyện cầu cho quốc thái, dân an, bách gia trăm họ được vạn đại trường tồn. (N.L.)

M.Loan

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhung-con-tim-huong-ve-dat-to-10303163.html