Một ly cà phê bằng 2 ký lúa
Tình cờ tôi gặp bác nông dân - chú Năm, quê ở vùng Đồng Tháp Mười, ngồi dưới bóng cây cầm nón lá quạt qua quạt lại cho mát trong lúc chờ con thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Hình ảnh này vẫn thường gặp ở mỗi mùa thi, những lúc đó nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gác lại công việc ruộng vườn để sát cánh cùng con 'đi tìm cơ hội đổi đời'.
Tôi bắt chuyện và mời chú Năm uống cà phê. Chú hỏi tôi ly cà phê bao nhiêu tiền, tôi trả lời tám ngàn một ly. Vậy mà bỗng thấy chú tỏ vẻ ngạc nhiên vô cùng, chú lẩm bẩm: “Vừa mới bán lúa với giá 4.000 đồng/ký, vậy tính ra uống một ly cà phê thì tốn bằng tiền bán hai ký lúa rồi!”.
Cách nay 15 năm, chú Năm cùng bốn người con làm 20 công ruộng và thu nhập cũng khấm khá một chút vì chi phí vật tư còn thấp và công lao động chưa cao. Mỗi khi gặt lúa xong, chú “ví bồ lúa” để chờ giá lúa lên và bán ra từ từ để được giá hơn. Nhờ vậy gia đình cũng đủ ăn, đủ mặc. Tôi ngẫm nghĩ, hóa ra người nông dân cũng biết “hệ đệm kinh tế”, giống như hiện nay Chính phủ vẫn hay đưa ra chính sách mua lúa tạm trữ để hỗ trợ nông dân khi giá lúa xuống thấp.
Tôi hỏi còn “ví bồ lúa” nữa không, chú Năm nói lúa đâu mà ví bồ nữa. Hiện nay 20 công ruộng chia ra cho bốn người con, mỗi người chỉ được năm công. Những người con làm đầu tắt, mặt tối, nhân công trong nhà chứ không thuê mướn bên ngoài, vậy mà cũng không đủ ăn. Chú than vì giá vật tư cao, lại không dư tiền nên phải mua chịu tại các đại lý, phải đợi đến khi gặt lúa và bán ngay tại ruộng mới có tiền trả nợ. Rồi chú lại thở dài khi tiếp tục so sánh giá một ly cà phê bằng giá hai ký lúa, như liên tưởng đến cái sự khó khăn chật vật của những nông dân làm ruộng.
Chú Năm vừa trò chuyện với tôi vừa hướng mắt vào cổng trường ngóng đứa con. Lúc nhìn thấy con vừa bước ra, chú đi nhanh đến đón và hỏi với vẻ hồi hộp: “Con làm bài có tốt không?”. Con của chú trả lời: “Tàm tạm, không tốt lắm cha ơi!”. Nhìn gương mặt chú Năm vốn đã khắc khổ giờ biểu lộ thêm nét rầu rĩ, tôi nói mấy câu trấn an rằng chắc sẽ đậu thôi vì còn điểm thi của các môn khác kéo lại. Chú lầm rầm: “Cầu trời cho nó đậu. Ba người anh nó dốt quá, chỉ trông cậy mình nó học hành tốt hơn để đổi đời nó”.
Tôi chia tay cha con chú Năm, thấy lòng cũng nặng trĩu với hoàn cảnh và ước mơ đổi đời của họ. Rồi tôi liên tưởng đến hơn 1,2 triệu hộ nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL. Trong đó có gần phân nửa số hộ chỉ có đất từ năm công trở xuống. Sở hữu năm công ruộng thôi trong khi hai ký lúa chỉ đáng bằng một ly cà phê! Như thế các hộ này chắc chắn đang đối mặt hàng ngày với hoàn cảnh sống rất khó khăn. Và tôi cũng hình dung cái ước mơ học để đổi đời như cha con chú Năm sẽ là một nỗi niềm khao khát nhưng đầy thử thách.
Nguyễn Văn Sánh
Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291870/mot-ly-ca-phe-bang-2-ky-lua-.html