Một mặt trận khác bên ngoài sân cỏ World Cup
Hàng chục quan chức cấp cao các nước đã tới Qatar để cổ vũ cho tuyển nhà trong lúc làm nhiệm vụ ngoại giao. Điều này phần nào khuếch đại vai trò trung gian của Qatar.
Lần lượt, những gương mặt ấy nối tiếp nhau xuất hiện tại những sân vận động hoành tráng của Qatar, với tần suất được New York Times đánh giá là nhiều hơn cả thẻ vàng hay sút phạt đền.
Hôm 14/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngồi trên khán đài cổ vũ "gà trống Gaulois" đánh bại Morocco để tiến vào trận chung kết.
Hạ nghị sĩ Ilhan Omar của đảng Dân chủ (Mỹ) đăng ảnh chụp cùng David Beckham trong trận Mỹ gặp Wales hồi tháng 11. "Được xem World Cup cùng anh ấy rất vui", bà Omar chia sẻ trên mạng xã hội.
Cũng có mặt tại trận ấy, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken một ngày sau đó đã gặp quan chức nước chủ nhà để thảo luận về một số chính sách quan trọng. Đó cũng là trận đấu mà tiền đạo Tim Weah ghi bàn thắng đầu tiên cho tuyển Mỹ ở vòng chung kết.
Tim Weah là con trai của Tổng thống Liberia George Weah, người ngồi cùng khu với ông Blinken. Tới hôm 13/12, tại hội nghị cấp cao với lãnh đạo các nước châu Phi, ông Blinken nhân cơ hội nhắc lại bàn thắng ấy khi giới thiệu tổng thống Liberia tại sự kiện.
Thể thao và chính trị song hành
Vòng chung kết giải bóng đá thế giới luôn là nơi thu hút các quan chức quốc tế. Nhưng năm nay, sự kiện càng đáng chú ý hơn bởi nước chủ nhà Qatar - một quốc gia nhỏ nhưng giàu có, với trữ lượng dầu mỏ khổng lồ cùng tham vọng khuếch trương vị thế trên chính trường quốc tế.
World Cup đã thành công, dù có những tranh cãi ban đầu về vấn đề đồ uống có cồn hay quyền của cộng đồng LGBT. Sự kiện cũng củng cố vai trò trung gian hòa giải của Qatar trên vũ đài thế giới.
Ngay trước khi World Cup khai mạc, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Qatar là một "đồng minh quan trọng ngoài NATO" của Washington. Giới chức Mỹ đã tới Qatar để thúc đẩy các thảo luận với những đối thủ như Iran, Taliban, hay Palestine.
Những diễn biến tại Qatar cũng một lần nữa cho thấy thể thao và chính trị luôn đồng hành cùng nhau bất kể diễn ngôn của các tổ chức quản trị thể thao toàn cầu. Quan chức các nước đổ đến Qatar kể từ ngày khai mạc, vừa xem đá bóng, vừa tổ chức các cuộc gặp, đôi khi ngay bên lề các trận đấu.
Một số nhà lãnh đạo như Tổng thống Liberia Weah dành thời gian ở Doha nhiều tới mức người dân trong nước đặt câu hỏi về ưu tiên của ông này. Tổng thống Weah giải thích ông đang tìm kiếm hỗ trợ tài chính từ Qatar phục vụ dự án xây cao tốc.
World Cup năm nay diễn ra vào một trong những thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử hiện đại. Hàng chục quốc gia đang vật lộn với hậu quả từ xung đột Ukraine, đại dịch Covid-19, khủng hoảng lương thực và biến đổi khí hậu. Giải đấu, vì thế, là nơi để các nhà lãnh đạo thảo luận những vấn đề gai góc này.
Tổng thống Macron vừa có cuộc gặp với giới chức Qatar. Ông cho biết các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục khi ông tới Doha theo dõi trận chung kết ngày 18/12.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết cũng đã thảo luận với nước chủ nhà. Trong khi đó, các chính trị gia Mỹ tới Qatar để thương thảo tình hình Afghanistan, Libya hay Lebanon.
Tại lễ khai mạc hôm 21/11, một trong các khách mời là Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Sự hiện diện của Thái tử Mohammed thể hiện tình đoàn kết với Doha, sau khi Saudi và các đồng minh ở vùng Vịnh chấm dứt 43 tháng phong tỏa Qatar vào năm ngoái.
"World Cup có tác động lan tỏa vượt ra ngoài bóng đá. Thế giới chưa bao giờ chia rẽ như lúc này, vì thế sự kiện là lời nhắc nhở kịp thời rằng nhân loại có nhiều điểm chung hơn chúng ta nghĩ tới", Ali al-Ansari, người phát ngôn chính phủ Qatar, nói.
Ngoại giao bóng đá
Mỹ là một trong những nước có các hoạt động ngoại giao bận rộn nhất bên lề World Cup năm nay. Ngoài Ngoại trưởng Blinken, hàng loạt quan chức lưỡng viện Quốc hội Mỹ cũng tới Qatar.
Đại sứ Mỹ tại Qatar, ông Timmy Davis, thường xuyên tới theo dõi các trận đấu và phát trực tiếp trên mạng xã hội. Một video trong đó là cảnh ông Davis cùng đại sứ Hà Lan nấu bữa sáng, trước khi hai đội tuyển đối mặt tại vòng 16 đội.
Tuy vậy, hiệu quả các nỗ lực ngoại giao bên lề bóng đá cũng chỉ có giới hạn.
Trong trận đấu giữa Iran và Mỹ tại vòng bảng, Đại sứ Davis ngồi cùng khu vực khán đài với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani, người đồng thời là trưởng đoàn đàm phán của Iran về vấn đề hạt nhân. Nhiều nhà ngoại giao Iran khác cũng có mặt.
Đại sứ Davis cho hay ông và các đối tác Iran không trao đổi với nhau dù chỉ một lời. Hai bên cũng không có bất cứ thảo luận nào về các vấn đề chính thức bên lề trận đấu đó.
"Họ bố trí tôi ngồi với các quan chức đó, tất cả đều rất lịch sự. Nhưng khi đội Mỹ ghi bàn, tôi đã bật dậy khỏi ghế và nhảy cẫng lên", ông Davis nói.
Ngoại trưởng Blinken khuyến khích giới ngoại giao Mỹ tận dụng World Cup để đối ngoại. Bản thân ông Blinken là một trong những fan cuồng nhiệt của trái bóng tròn do từng lớn lên ở Pháp.
Ngoại trưởng Blinken không ít lần tranh thủ chủ đề bóng đá để lồng ghép các vấn đề ngoại giao. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO tháng 11 ở Bucharest, ông mời Ngoại trưởng Anh Cleverly và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba theo dõi trận đấu giữa tuyển Mỹ và Iran. Sáng hôm sau, ông dành lời khen ngợi cho cả hai đội tuyển.
Trong thời gian ở Qatar, ông Blinken cũng đã kịp cùng quan chức nước chủ nhà tổ chức đối thoại chiến lược Mỹ - Qatar, để thảo luận về các vấn đề an ninh và kinh tế.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-mat-tran-khac-ben-ngoai-san-co-world-cup-post1385705.html