Một mình nông dân không làm được!

Trong lúc hàng hóa của một số nông dân đã tự tin vươn ra các thị trường lớn trên thế giới; thì đại đa số nông dân vẫn loay hoay với tình trạng 'được giá mất mùa, được mùa mất giá'. Thiếu liên kết đã và đang khiến nhiều sản phẩm của người nông dân gặp khó, dù có chất lượng tốt.

Hậu quả của sản xuất tự phát

Người nông dân xã Thái An, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận bán 1kg nho xanh tại vườn giá 50.000 đồng/kg. Vẫn là giống nho xanh đó, ông Nguyễn Văn Mọi (Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Ba Mọi) bán tại hệ thống siêu thị giá 120.000 đồng/kg. Giá cả chênh lệch đã thấy rõ, nhưng khi ông Ba Mọi thuyết phục người nông dân tuân thủ các quy định VietGAP khi trồng và thu hái nho… thì ít người trồng nho chịu làm theo, dù đầu ra của sản phẩm được bao tiêu với giá thu mua ổn định. Đơn giản chỉ vì cách ông Ba Mọi bày tốn công; người nông dân thích trồng theo cách xưa nay vẫn làm…Kết quả là, rất nhiều vườn nho không thể đi vào hệ thống siêu thị do không truy xuất được nguồn gốc; nông dân chỉ còn cách bán cho các thương lái với giá cả bấp bênh.

Thực hiện chuỗi liên kết, nho Ninh Thuận thu lợi lớn

Thực hiện chuỗi liên kết, nho Ninh Thuận thu lợi lớn

Câu chuyện trên là một trong những ví dụ cho thấy: Nếu các hộ nông dân vẫn giữ thói quen sản xuất kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm; không liên kết, thống nhất sản xuất theo quy trình từ đầu vào đến đầu của doanh nghiệp… sản phẩm khó có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước; chưa nói đến những yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu.

Kết quả từ những Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia cho thấy, cơ hội xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang rất rộng mở. Trong khi đó, vùng DTTS và miền núi chiếm tới 3/4 diện tích đất nước; nhiều địa phương như: Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hòa Bình, Nghệ An… có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Vậy nhưng tận dụng được cơ hội xuất khẩu đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Bởi thực tế, có những địa phương, với 1 héc-ta cây ăn quả, người nông dân thu về tiền tỷ/năm. Trong khi đó, nhiều nơi đất đai bời bời, nhưng mùa thu hoạch lại đìu hiu bởi sản phẩm chất lượng thấp, ăn không hết, bán không ai mua…

Liên kết để đến với chợ nông sản toàn cầu

Muốn cạnh tranh trên thị trường, vươn ra chợ nông sản toàn cầu, hàng hóa phải có khối lượng đủ lớn, đạt tiêu chuẩn chất lượng, giao đúng lúc với giá thành cạnh tranh. Làm được điều này, một mình nông dân là không thể, đòi hỏi phải có chuỗi liên kết sản xuất đủ mạnh.

Thực tế đang chứng minh, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác thành công là nhờ tập hợp được những hộ nông dân sản xuất hàng hóa lớn, có tư duy sản xuất hiện đại, không ngại áp dụng cái mới vào sản xuất. Các Hội quán ở Đồng Tháp, hay các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản ở Sơn La, Bắc Giang… là những ví dụ điển hình. Từ chỗ liên kết, những người nông dân không chỉ tạo được vùng trồng cây ăn quả đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu; mà hơn thế còn phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã hình thành kênh thu hoạch - bảo quản - tiêu thụ hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra cho hàng ngàn tấn nông sản.

Hiện nay, theo TS. Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): “Mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản vẫn còn lỏng lẻo; sản phẩm chưa tiêu thụ được nhiều. Có những địa phương tỷ lệ các hộ, các trang trại, gia trại tham gia liên kết sản xuất chỉ đạt khoảng 3 - 4% so với mặt bằng sản xuất chung”.

Đặc biệt, với các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, do tư duy cũ lại hạn chế về thông tin, nguồn vốn… nên vẫn chưa có được những vùng nguyên liệu lớn; áp dụng quy trình hiện đại. Đa phần bà con cứ thấy cây – quả gì bán được giá là đua nhau trồng, bất chấp những rủi ro do nguồn cung dư thừa…

Trước những vấn đề đang tồn tại trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; vấn đề ứng dụng, xây dựng chuỗi liên kết trong nông nghiệp với mô hình 6 nhà: Nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà băng, nhà khoa học, nhà phân phối ở cả miền núi và đồng bằng… đang được Hội Nông dân Việt Nam và nhiều cơ quan quản lý đặc biệt lưu tâm. Mong rằng, quá trình xây dựng chuỗi liên kết sẽ được các doanh nghiệp hưởng ứng, người nông dân đồng tình… để ngành nông nghiệp Việt Nam có được những bước phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mot-minh-nong-dan-khong-lam-duoc-127028.html