Một mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam

Cách đây 70 năm, Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Trải qua 70 năm, những bài học từ đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Giơnevơ vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.THẮNG LỢI TRÊN CHIẾN TRƯỜNG TẠO THẾ MẠNH TRÊN BÀN HỘI NGHỊ

Hội nghị Giơnevơ về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương được tổ chức theo quyết nghị của Hội nghị ngoại trưởng 4 nước lớn gồm: Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp tại Berlin (Đức) vào tháng 2-1954 để giải quyết vấn đề Triều Tiên và chiến tranh tại Đông Dương.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Giơnevơ. Ảnh: Tư liệu

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Giơnevơ. Ảnh: Tư liệu

Ngày 18-2-1954, các bên thỏa thuận sẽ triệu tập Hội nghị Quốc tế ở Giơnevơ (Thụy Sĩ) để giải quyết vấn đề Triều Tiền và lập lại hòa bình ở Đông Dương với sự ủng hộ của nhiều nước lớn. Hội nghị khai mạc vào ngày 8-5-1954 và kết thúc vào ngày 21-7-1954.

Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, từ tháng 3-1954, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành các bước thành lập đoàn đi dự hội nghị. Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam dự Hội nghị Giơnevơ.

Tham gia còn có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Công thương Phan Anh, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Trần Công Tường, Cục trưởng Cục Tác chiến Hà Văn Lâu và nhiều chuyên viên...

Các nước đến dự Hội nghị Giơnevơ về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương có những lợi ích, chiến lược và với những mục tiêu khác nhau. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia Hội nghị Giơnevơ với lập trường cơ bản là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ. Hiệp định Giơnevơ được ký kết trên cơ sở lập trường cơ bản đó của Việt Nam.

Ngày 13-7-1956, trả lời các câu hỏi của phóng viên Hãng AP (Mỹ) về cuộc tổng tuyển cử toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đanh thép: “Nhân dân cả nước Việt Nam sẽ đấu tranh mạnh hơn để cho có tổng tuyển cử tự do trong khắp cả nước.

Đó là nguyện vọng tha thiết của toàn dân Việt Nam đã được Hiệp định Giơnevơ 1954 thừa nhận… Đất nước Việt Nam từ Bắc đến Nam là một khối, cần được thống nhất. Không thể chia cắt Việt Nam làm hai nước riêng biệt, cũng như không thể chia cắt Hoa Kỳ thành hai nước riêng biệt…”.

Ngày 23-7-1961, Bác tham dự cuộc mít tinh của 25 vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội tại Quảng trường Ba Đình nhân kỷ niệm 7 năm ký kết Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Phát biểu tại đây, Bác căn dặn: “Đoàn kết là sức mạnh, đồng bào cả nước đoàn kết, chúng ta đoàn kết với nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, với nhân dân châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, nhất định chúng ta sẽ thắng đế quốc Mỹ và bọn tay sai”. Sau đó, Bác bắt nhịp để mọi người hát bài ca “Kết đoàn”.

Ngày 20-7-1965, trong Lời kêu gọi nhân kỷ niệm 11 năm ký kết Hiệp định Giơnevơ, Bác viết: “Dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”.

Thi hành các điều khoản quân sự, chính trị của Hiệp định Giơnevơ là nhằm củng cố hòa bình, miền Bắc vừa giành được độc lập cần phải có hòa bình để xây dựng đất nước. Hòa bình phải được bảo vệ trên toàn cõi Đông Dương.

Ngày 10-5-1954, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu đưa ra lập trường 8 điểm của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là giải quyết đồng thời cả hai vấn đề quân sự và chính trị, giải quyết đồng thời cả ba vấn đề Việt Nam, Lào, Campuchia. Pháp phải thừa nhận quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia. Quân đội nước ngoài phải rút khỏi ba nước Đông Dương là cơ sở quan trọng nhất cho chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ngày 8-5-1954, đúng 1 ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Hội nghị Giơnevơ bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp với 7 phiên toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn, Hiệp định Giơnevơ đã được ký vào ngày 21-7-1954.

Cùng với bản Tuyên bố về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương và Hiệp định đình chiến ở Đông Dương, bản Hiệp định đình chiến ở Việt Nam đã khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quy định quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đông Dương, xác định các giới tuyến quân sự chỉ có tính tạm thời và mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thực hiện thống nhất đất nước…

TẦM VÓC LỊCH SỬ CỦA HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ

Cuối năm 1953, trước những chuyển biến mạnh mẽ trên cục diện chiến trường ở Đông Dương, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, phối hợp với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 để đi tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và toàn Đông Dương.

Quang cảnh Hội nghị Giơnevơ năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ảnh: Tư liệu

Quang cảnh Hội nghị Giơnevơ năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ảnh: Tư liệu

Trả lời phỏng vấn của một nhà báo Thụy Điển ngày 26-11-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình, thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó” và “cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”.

Trong “Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơnevơ thành công” ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”.

Quả thực, nếu trong Hiệp định Sơ bộ năm 1946, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp, thì với Hiệp định Giơnevơ, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế và được các nước tham dự Hội nghị Giơnevơ thừa nhận.

Đây là cơ sở chính trị, pháp lý rất quan trọng để nhân dân ta đấu tranh trên mặt trận chính trị, ngoại giao trong công cuộc giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước sau này.

Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Giơnevơ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta cũng như chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam. Với ý nghĩa đó, Hiệp định đã mở ra thời kỳ chiến lược mới của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đồng thời tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để đi tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Thắng lợi tại Hội nghị Giơnevơ bắt nguồn từ đường lối cách mạng đúng đắn và sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ khát vọng hòa bình cháy bỏng, chủ nghĩa yêu nước cùng bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Hiệp định Giơnevơ là kết tinh thành quả đấu tranh quật cường và bền bỉ của quân và dân ta, từ Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 đến Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950 và tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cùng với Hiệp định Sơ bộ 1946 và Hiệp định Paris 1973, Hiệp định Giơnevơ 1954 là một mốc son lịch sử của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Hội nghị Giơnevơ đã tôi luyện nên những nhà lãnh đạo; đồng thời cũng là những nhà ngoại giao xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh như các đồng chí Phạm Văn Đồng, Tạ Quảng Bửu, Hà Văn Lâu và nhiều cán bộ ngoại giao ưu tú khác.

Nhìn lại 70 năm ngày ký Hiệp định Giơnevơ, chúng ta biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng tiền bối cũng như sự hy sinh vô cùng to lớn của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

NHƯ NGỌC

(tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202407/ky-niem-70-nam-ngay-ky-hiep-dinh-gionevo-ve-dinh-chi-chien-su-o-viet-nam-21-7-1954-21-7-2024-mot-moc-son-lich-su-cua-nen-ngoai-giao-viet-nam-1016032/