Một mùa mưa bão phức tạp – nhận định từ cơ quan chuyên môn
'Nắng lắm mưa nhiều'. Đúc kết kinh nghiệm dân gian ấy càng đáng phải lưu tâm hơn khi một đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài trọn tháng 6–2019 vừa qua, gây hạn hán trên diện rộng ở tỉnh Thanh Hóa, khu vực miền Trung và toàn miền Bắc. Tiếp ngay sau đó là cơn bão số 2 gây mưa lớn trên diện rộng, mang theo nhiều nguy cơ. Những diễn biến nói trên cũng là dấu hiệu mở đầu cho mùa mưa bão năm 2019 nhiều phức tạp.
Ảnh minh họa.
Căn cứ những diễn biến trên thực tế cũng như những phân tích khoa học mang tính chuyên ngành, Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa đã có những nhận định, mùa mưa bão 2019 sẽ rất khó lường. Ngay ngày 1–1–2019 đã xuất hiện cơn bão số 1 – thời điểm rất khó có bão xảy ra theo quy luật thông thường. Trong tháng 1, chỉ có 2 đợt rét đậm, rét hại xảy ra, tháng 2 và 3 không có đợt rét nào đáng kể. Đây là trường hợp đặc biệt về hoạt động của không khí lạnh trong những tháng mùa đông, cho thấy thời tiết đang biến đổi không theo quy luật lâu nay. Về mực nước trên các sông, từ tháng 11–2018 đến đầu tháng 7-2019 luôn ở mức thấp và dao động theo hướng thấp dần và thấp hơn mức trung bình nhiều năm ở cùng thời điểm. Trong tháng 4 vừa qua, mực nước nhỏ nhất trên sông Mã tại Trạm Thủy văn Lý Nhân (Yên Định) và sông Chu tại Trạm Thủy văn Xuân Khánh (Thọ Xuân) chỉ đạt lần lượt 1,44m và 0,77m, đều là giá trị nhỏ nhất trong chuỗi số liệu quan chắc được từ trước đến nay.
Theo nhận định sơ bộ tình hình từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa, từ tháng 7 đến tháng 11, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông năm nay có khả năng ít hơn trung bình nhiều năm, nhưng sẽ có những cơn bão mạnh đạt cấp siêu bão (trên cấp 13). Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thanh Hóa có thể nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, tập trung vào khoảng từ tháng 8 đến đầu tháng 11. Ngoài ra, Thanh Hóa nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng mưa lớn của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh phía Bắc và phía Nam của nước ta.
“Từ tháng 6 đến tháng 10, tỉnh Thanh Hóa có khả năng chịu ảnh hưởng từ 8 đến 10 đợt mưa to và dông lốc. Cuối tháng 10, trên địa bàn tỉnh khả năng cao sẽ xuất hiện một đợt rét” – thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa nhận định.
Tình hình mưa cũng sẽ có những diễn biến phức tạp và biến động mạnh cả về không gian và thời gian. Tổng lượng mưa từ tháng 6 đến tháng 10–2019 sẽ phổ biến khoảng từ 1.400 đến 1.600 mm, có nơi trên 1.600 mm. Một số huyện như: Thường Xuân, Thọ Xuân, Lang Chánh nhiều khả năng mưa từ 1.700 đến 2.000 mm. Các hiện tượng thời tiết đặc biệt và thiên tai, như dông, lốc, sấm sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở sẽ xảy ra bất thường với tần suất và cường độ mạnh hơn so với nhiều năm gần đây, đặc biệt là vùng trung du và miền núi của tỉnh. Từ tháng 7 đến tháng 10, mực nước các dòng sông trên địa bàn tỉnh sẽ dao động theo xu thế tăng dần và có khả năng xảy ra 6 đến 8 đợt lũ. Lũ lớn tập trung từ tháng 8 đến tháng 10, đỉnh lũ trên các sông có thể lên vượt mức báo động 2, báo động 3.
Nhìn chung, tình hình thời tiết, thủy văn, mùa mưa bão năm 2019 ở tỉnh Thanh Hóa sẽ diễn biến phức tạp, giai đoạn từ giữa đến cuối mùa có nhiều bão lũ hơn. Các đợt mưa lớn trên diện rộng sẽ nhiều hơn, dễ dẫn đến tình trạng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở miền núi, mưa đá và sấm sét gây hại ở nhiều nơi. Cùng với đó, trên biển sẽ có nhiều đợt gió lớn, lốc xoáy, sóng cao với cường độ mạnh, bất thường và tần suất dày hơn, đe dọa an toàn tàu thuyền và các lao động trên biển.
Linh Trường