Một mùa xuân vượt khó thành công của doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19

Những ngày cuối năm Canh Tý 2020, các doanh nghiệp trong tỉnh đang thi đua đẩy mạnh sản xuất, tạo động lực cho chiến lược phát triển năm 2021, đón cơ hội mới sau một năm đầy 'trắc trở'. Nhìn lại năm 2020, cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cùng với các doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã vượt khó, đồng hành, chia sẻ với chính quyền các cấp để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tìm cơ hội trong khó khăn

Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex) cho biết: “Những tháng đầu năm 2020, khi thấy nhiều cuộc họp khẩn trương của Chính phủ và của Bộ Y tế trên các phương tiện truyền thông về phòng chống Covid-19, Sao Ta nhận thức đây là một mối nguy không nhỏ, nên đã sớm tuân thủ các quy định và có chương trình hành động ứng phó. Công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 và liên tục hoạt động đến nay. Hành động cụ thể là xây dựng các video clip về diễn tiến Covid-19 trong, ngoài nước và các giải pháp phải thực hiện, chiếu thường trực tại các điểm công nhân dễ theo dõi. Thực hiện các biện pháp khử trùng ra vào, giãn cách nhà ăn, báo cáo đi lại sau khi nghỉ phép, dự trữ vật tư cần thiết… Khuyến cáo người lao động hạn chế tối đa tham gia đám đông. Hủy tất cả chương trình du lịch, tham quan, nghỉ mát thông lệ đầu năm của người lao động và dùng số tiền này chi hỗ trợ người lao động để trang trải lúc khó khăn”.

Ngành thủy sản trong tỉnh vượt khó thành công trong đại dịch Covid-19, tạo động lực cho chiến lược phát triển năm 2021. Ảnh: CHÍ BẢO

Ngành thủy sản trong tỉnh vượt khó thành công trong đại dịch Covid-19, tạo động lực cho chiến lược phát triển năm 2021. Ảnh: CHÍ BẢO

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta từ đầu năm nỗ lực bán ngay hàng tồn kho khi các thị trường chưa biến động. Song song kết nối thông tin khách hàng về diễn tiến tiêu thụ nhằm có kế hoạch tăng giảm chế biến cung ứng từng khách hàng cụ thể. Qua đó tránh hàng bị tồn kho, tránh bị kẹt vốn, đồng thời cung ứng khách hàng nhanh nhất có thể. Nhận định diễn tiến, tập trung vào khách hàng hệ thống bán lẻ, khối lượng tiêu thụ mãng này đã tăng mạnh. Về vùng nuôi tôm, Sao Ta đã dự trữ thức ăn tôm cho 2 tuần song song thắt chặt việc ra vào, đi lại của công nhân nhằm hạn chế rủi ro.

Từ ý thức kịp thời và có chương trình hành động phù hợp, năm qua, Sao Ta có đủ đơn hàng, công việc, thu nhập ổn định và đã tạo việc làm thêm cho khoảng 1.000 lao động, góp phần chung tay giải quyết khó khăn xã hội khi trong năm có luồng người lao động mất việc từ các khu công nghiệp lớn quay về địa phương.

Theo ông Hồ Quốc Lực, trong mối nguy từ dịch bệnh Covid-19, Sao Ta thấy một cơ hội kinh doanh lớn. Các cường quốc nuôi tôm đang gặp khó khăn do Covid-19 như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan… cho nên Sao Ta sẽ chủ trương mở rộng sản xuất từ năm 2021. Và đây là đợt mở rộng lớn nhất của Sao Ta qua quá trình lịch sử của mình.

Còn Công ty Tài Kim Anh, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty đã cố gắng rất lớn để không một công nhân nào bị mất việc, giải quyết tốt việc làm cho người dân địa phương. Theo ông Đỗ Ngọc Tài - Tổng Giám đốc Công ty Tài Kim Anh, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp nhờ Đảng và Nhà nước có sự chỉ đạo kịp thời kiểm soát dịch bệnh tốt, biến “cái rủi thành cái may”, các nước cạnh tranh trong khu vực kinh tế bị co lại, công ty được hưởng lợi từ đơn hàng các nước khác chuyển qua. Công ty cũng nhanh chóng chuyển hướng sang hàng giá trị gia tăng, hàng tinh chế ăn liền, hàng bán vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ, đồng thời áp dụng trang thiết bị, máy móc kỹ thuật cần thiết để bổ sung nguồn nhân lực thiếu hụt. Song song đó là sử dụng nguồn năng lượng sạch (hệ thống điện mặt trời). Chính vì thế, công ty đạt được kế hoạch đề ra.

Công ty Tài Kim Anh hiện giải quyết việc làm cho 2.500 lao động chế biến trong lĩnh vực thủy sản. Năm 2019, nguồn thu từ xuất khẩu đạt 78 triệu USD; năm 2020, dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng chế biến xuất khẩu của các nhà máy vẫn tăng mạnh, dự kiến đạt 90 triệu USD. Năm 2021, công ty tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho 3.000 công nhân và phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 110 triệu USD.

Doanh nghiệp trẻ cũng tự thay đổi để vươn xa

Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại bánh kẹo Ba Xuyên chuẩn bị phát triển sản phẩm mới là kẹo sữa, sữa gạo ST25. Ảnh: CHÍ BẢO

Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại bánh kẹo Ba Xuyên chuẩn bị phát triển sản phẩm mới là kẹo sữa, sữa gạo ST25. Ảnh: CHÍ BẢO

Những doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ của tỉnh cũng không ngồi trông chờ hay kêu khó, các doanh nhân trẻ đang tự lèo lái, tìm lối đi vượt qua khủng hoảng trong mùa dịch bệnh Covid-19. Anh Nguyễn Tấn Đạt chia sẻ: “Trong giai đoạn này, chúng tôi duy trì cung ứng cho cơ sở phân phối ở các tỉnh trong khu vực miền Tây, Nghệ An, Hà Nội, không tổ chức sale phát triển thị trường, mà tập trung hợp tác với hội nông dân xây dựng vùng nguyên liệu trồng khoai lang trong tỉnh đảm bảo chất lượng, đầu tư công nghệ và dây chuyền sản xuất khép kín, công thức chế biến độc quyền đã cung cấp cho thị trường tỉnh Sóc Trăng và nhiều tỉnh, thành các dòng sản phẩm Snack khoai lang thương hiệu Vạn Lộc. Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, sản phẩm Snack khoai lang thương hiệu Vạn Lộc quay trở lại thị trường và “lợi hại” hơn trước, Vạn Đạt đã và đang phát triển sản phẩm đa dạng hóa về mùi vị cũng như quy cách đóng gói như vị bơ sữa, vị phô mai, vị rong biển nhằm giúp cho người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, doanh thu cũng bắt đầu tăng trở lại, vào được một số thị trường khó tính”.

Còn anh Hà Minh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại bánh kẹo Ba Xuyên chia sẻ: “Dịch Covid-19 tác động cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị giảm thu nhập. Doanh nghiệp phải tự tìm lối đi để vượt qua khủng hoảng sau đại dịch Covid-19. Các doanh nhân trẻ cũng cần xem đây là “cơ hội” để nhìn lại, không chỉ cầm cự mà còn xoay chuyển tình thế và cải tổ chính mình. Đó là việc định vị thị trường, đối tác, sáng tạo sản phẩm, đào tạo kỹ năng mới cho người lao động… Đối với công ty chúng tôi ngoài những sản phẩm truyền thống là bánh sữa, sữa tươi thanh trùng và yaourt, công ty chuẩn bị phát triển sản phẩm mới là kẹo sữa, sữa gạo ST25 dự kiến sang năm tới sẽ tung ra thị trường, trở thành một trong những đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, cung ứng cho các siêu thị, điểm dừng chân và chinh phục các thị trường khó tính”.

Bà Mã Thị Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến cộng đồng doanh nghiệp, nhưng cũng là một trong những cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong ngành kết nối với nhau để lan tỏa cơ hội, tái cấu trúc lại sản xuất, chủ động khai thác thị trường mới chuẩn bị cho sự trở lại mạnh mẽ, Đảng và Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Trong năm qua, ngành thủy sản và lúa gạo xuất khẩu của tỉnh đã chủ động thay đổi để vượt khó thành công trong đại dịch Covid-19.

CHÍ BẢO

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/cong-nghiep/mot-mua-xuan-vuot-kho-thanh-cong-cua-doanh-nghiep-trong-dai-dich-covid-19-43912.html