Một năm Mỹ triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử: Niềm vui xen lẫn mất mát
Thời điểm này một năm trước, Mỹ triển khai đợt tiêm vaccine Covid-19 đầu tiên với hy vọng đại dịch sẽ sớm chấm dứt nhưng mọi việc không hề đơn giản như vậy.
Đây được xem là một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Những chiếc xe tải chất đầy các lọ vaccine Covid-19 đươc bảo quản lạnh đã chứng minh sự thành công của các thử nghiệm lâm sàng. Nhiều người hy vọng rằng vaccine sẽ đánh dấu sự kết thúc của cuộc khủng hoảng Covid-19.
Tuy nhiên, “phép màu” đã không xảy ra. Một năm sau, còn nhiều người Mỹ chưa được tiêm chủng và số người tử vong do Covid-19 vẫn tăng cao.
Vaccine Covid-19 là một thành công lớn
Thời điểm Mỹ đánh dấu một năm triển khai chương trình tiêm chủng cũng là lúc nước này chạm cột mốc đáng buồn khi có tới khoảng 800.000 người chết vì Covid-19. Mặc dù vậy, có lẽ hàng chục nghìn người nhiễm SARS-CoV-2 đã được cứu sống nhờ tiêm vaccine.
Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ Francis Collins cho biết, các nhà khoa học và quan chức y tế có thể đã đánh giá thấp về việc lan truyền thông tin sai lệch có thể cản trở “thành tựu đáng kinh ngạc” của vaccine Covid-19.
“Số ca tử vong vẫn tiếp tục tăng, hầu hết là những người chưa được tiêm chủng. Họ không tiêm chủng vì nghe được những thông tin sai lệch về vaccine”, ông Collins nói.
Được phát triển và cho ra mắt với tốc độ nhanh chóng, vaccine Covid-19 đã được chứng minh là an toàn và có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa tử vong và nhập viện. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, những người không tiêm chủng có nguy cơ tử vong cao gấp 14 lần so với người đã tiêm chủng đầy đủ.
Tiêm vaccine cho phép các trường học mở cửa trở lại, các nhà hàng chào đón thực khách và các gia đình có thể tụ tập trong kỳ nghỉ. 95% người Mỹ từ 65 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất một liều vaccine.
“Về mặt khoa học, thành tựu của vaccine đối với sức khỏe cộng đồng cũng tương tự như việc đưa con người lên Mặt trăng”, David Dowdy, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, nói.
Năm đầu tiên triển khai vaccine gặp rất nhiều trở ngại như các ca lây nhiễm đột phá, tranh cãi về các biện pháp bắt buộc tiêm chủng và hiện tại là về việc liệu biến thể đáng lo ngại Omicron có né tránh miễn dịch nhờ vaccine hay không.
Bất chấp những thách thức đó, ông Dowdy cho biết: “Chúng ta cần nhìn lại mọi thứ và nói rằng vaccine là một thành công lớn”.
Ngày 14/12/2020, khi những liều vaccine đầu tiên được tiêm tại Mỹ, số người tử vong do Covid-19 tại nước này đã lên tới 300.000 người. Vào cuối tháng 2/2021, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 500.000 người Mỹ, nhưng số ca tử vong hàng ngày đã giảm mạnh so với mức cao nhất hồi đầu tháng 1. Với hy vọng tỷ lệ tiêm chủng sẽ tăng lên vào đầu tháng 3, một số bang bắt đầu mở cửa trở lại, dỡ bỏ hạn chế đối với việc dùng bữa trong nhà hàng. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, cựu Tổng thống Donald Trump nói rằng vaccine an toàn và kêu gọi người dân đi tiêm chủng.
Tuy nhiên, đến tháng 6, khi tình hình dịch bệnh có dấu hiệu dịu lại, tỷ lệ người dân đi tiêm chủng đã giảm xuống. Các tiểu bang cũng như các công ty đã phải áp dụng các biện pháp khuyến khích để thúc đẩy người dân đi tiêm vaccine.
Nhưng dường như những nỗ lực đó chưa đủ và quá muộn khi biến thể Delta dễ lây truyền đã âm thầm xuất hiện và lây lan nhanh chóng, đe dọa những người chưa tiêm chủng.
“Bạn phải luôn đưa ra mọi biện pháp để có thể đánh bại virus. Chỉ riêng vaccine không thể ngăn chặn đại dịch lây lan”, Andrew Noymer, giáo sư y tế công cộng tại Đại học California, Irvine, cho biết.
Những hối hận muộn màng vì không tiêm vaccine
Một trong những cơ hội lớn bị bỏ lỡ trong đại dịch Covid-19 là nhiều người Mỹ đã không đi tiêm chủng. Vào mùa thu năm 2021, cha và anh trai của Rachel McKibbens đã tử vong vì Covid-19 tại nhà riêng ở thành phố Santa Ana, bang California. Cả hai đều từ chối tiêm chủng vì tin vào những thông tin sai lệch về vaccine.
“Anh trai tôi đã không tìm kiếm sự chăm sóc y tế cho bố tôi. Chúng tôi phải đặt ông nằm ngửa, hơi thở của ông bắt đầu trở nên nặng nề”, McKibbens nói.
Cha của McKibbens, Pete Camacho, qua đời ngày 22/10 ở tuổi 67. McKibbens đã bay đến California để lo hậu sự cho cha.
Anh trai của McKibbens cũng mắc Covid-19 và qua đời ngày 8/11 ở tuổi 44.
“Mất đi 2 thành viên trong gia đình cùng một lúc là điều quá đau lòng đối với tôi”, McKibbens nói.
Mang thai 7 tháng và chưa được tiêm chủng, Tamara Alves Rodriguez có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 9/8. Hai ngày sau đó, khi nhiều phụ nữ mang thai mắc bệnh nặng, các quan chức y tế Mỹ đã tăng cường hướng dẫn để kêu gọi tất cả các bà mẹ sắp sinh đi tiêm vaccine.
Rodriguez đã cố gắng đi tiêm chủng vào những tuần trước đó nhưng được thông báo rằng cô cần có sự cho phép của bác sĩ. “Họ không biết rằng cô ấy sẽ không bao giờ có thể quay trở lại”, chị gái của Rodriguez, Tanya Alves ở Weston, Florida cho biết.
6 ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, Rodriguez phải nhập viện và dùng máy trợ thở. Con của Rodriguez được sinh bằng phương pháp mổ khẩn cấp vào ngày 16/8.
Người mẹ này đã không bao giờ có thể bế đứa con của mình. Rodriguez qua đời vào ngày 30/10 ở tuổi 24. Cô bỏ lại chồng, hai người con cùng một đại gia đình.
“Con của chị ấy liên tục hỏi về mẹ. Tôi cảm thấy đau đớn như xé ruột. Ngay cả những từ ngữ đó cũng không đủ để diễn tả nỗi đau của tôi”, Alves nói.
“Nếu mọi người thấy được sự kinh hoàng khi phải nhập viện do Covid-19 hoặc có người thân nằm viện, họ sẽ thấy sợ điều này thay vì sợ tiêm vaccine”, Alves nói thêm, đồng thời kêu gọi mọi người đi tiêm chủng./.