Một năm thực hiện, tinh túy của Nghị quyết 98 được các địa phương khác áp dụng
Chỉ mới một năm thực hiện, Nghị quyết 98/2023 đã đóng góp nhiều nội dung tinh túy cho Luật Thủ đô Hà Nội và các nghị quyết đặc thù của một số tỉnh, thành trên cả nước.
Ngày 3-8, Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023 của TP.HCM đã họp phiên lần thứ năm. Đây là dịp để nhìn lại một năm thực hiện nghị quyết đặc thù mà Trung ương giao.
Chưa đủ thời gian hấp thụ vốn
Phát biểu tại phiên họp, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023, khẳng định những gì TP.HCM làm được trong một năm qua đã thể hiện sự nỗ lực, chuẩn bị kỹ lưỡng về khung pháp lý, các quy định thuộc thẩm quyền địa phương.
Từ đó, TP không còn phải thực hiện cơ chế xin – cho mà huy động nguồn lực lớn để phát triển.
Theo ông Lịch, thời gian qua, những việc cần làm để thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 thì TP đã làm. Tuy nhiên, thời gian chưa đủ để các dự án có thể hấp thụ nguồn vốn đầu tư lớn phía trước.
“Trong một năm vừa qua, kỳ vọng lớn nhất của chúng ta là chuẩn bị tất cả tiền đề, hệ thống thể chế cho các dự án, công trình đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM” - TS Trần Du Lịch nói.
Ông Lịch cho rằng, TP cần đánh giá lại việc phân cấp, phân quyền vừa qua để rút ngắn được thủ tục từng công trình, dự án. Đồng thời, UBND TP.HCM cần giao sở, ngành liên quan tích hợp các nội dung phân cấp, phân quyền trong Nghị quyết 98, Nghị định 84 để làm rõ các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của TP có thể làm, phải làm, mà không cần xin ai.
“Sau khi tích hợp, chúng ta sẽ phát hiện những vấn đề có thể quyết định, nhưng khi thực hiện thủ tục vẫn phải chờ nghị định, thông tư. Qua đó, TP sẽ kiến nghị bổ sung, hoàn thiện” – TS Trần Du Lịch nhấn mạnh và cho rằng cần xác định được rõ loại công vụ nào của địa phương, địa phương có quyền làm và chịu trách nhiệm, không phải xin ai.
Lấy tinh túy Nghị quyết 98 cho các địa phương khác
Còn PGS.TS Trần Hoàng Ngân, trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhìn nhận sau một năm thực hiện Nghị quyết 98, TP.HCM đạt rất nhiều kết quả, chỉ tiếc sự ra đời nghị quyết còn chậm. Theo ông, sự ra đời này có nhiều ý nghĩa không chỉ riêng cho TP.HCM mà còn cho cả nước, giúp TP.HCM vực dậy, phát triển.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết các nghị quyết đặc thù của TP.HCM đã đóng góp thể chế cho cả nước. Ông dẫn chứng sau Nghị quyết 54 cho TP.HCM thì cả nước có nhiều tỉnh, thành cũng xin nghị quyết tương tự.
Sau Nghị quyết 98, địa phương cũng đang nghiên cứu để vận dụng các nội dung vào nghị quyết đặc thù của địa phương.
“Luật Thủ đô Hà Nội vừa rồi được Quốc hội thông qua đã lấy được những tinh túy của Nghị quyết 98 để đưa vào. Nghị quyết ở Nghệ An, Đà Nẵng cũng vậy… Như vậy, Nghị quyết 98 đã đóng góp cho việc thể chế hóa, luật hóa những nội dung quan trọng” – ông Ngân nhấn mạnh.
Theo ông, cũng trong một năm, HĐND TP.HCM đã ban hành 30 nghị quyết liên quan đến Nghị quyết 98.
“Để có 30 nghị quyết đó đã có biết bao nhiều tờ trình, đề án của các sở ngành, quận, huyện chuyển đến Ban Cán sự Đảng UBND TP, Ban Thường vụ Thành ủy, rồi trả lại thẩm định tới lui. Như vậy, rõ ràng, TP.HCM đã có nền móng để kêu gọi đầu tư, đưa Nghị quyết 98 vào cuộc sống” – ông Ngân khẳng định.
Trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng thông tin, hôm qua, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
“Đó là nỗ lực của tổ tư vấn Nghị quyết 98, giúp cho ngành giao thông đeo bám và hiện đã có chủ trương đầu tư, từ đó để TP.HCM có cao tốc đi Mộc Bài, giải quyết điểm nghẽn ở Quốc lộ 22” – ông Ngân chia sẻ.
Phân cấp, phân quyền 5 lĩnh vực
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, qua một năm thực hiện Nghị quyết 98, TP.HCM đã đạt được những kết quả nổi bật.
Trong đó, TP.HCM đã thông qua cơ chế phân cấp, phân quyền trên 5 lĩnh vực gồm: quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; tổ chức bộ máy của chính quyền; quản lý khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Một số công trình, đề án tiêu biểu được vận dụng Nghị quyết 98 gồm: phương án đầu tư dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (tuyến chính, tuyến nối, quy mô nút giao trên địa bàn TP.HCM); mở rộng cao tốc HLD đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; mở rộng đoạn đường nối 4 km từ nút giao An Phú đến đường Vành đai 2 TP.HCM
TP.HCM cũng xây dựng được quy định chi thu nhập tăng thêm và chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025…
Bên cạnh những mặt làm được, TP.HCM nhìn nhận việc triển khai các chính sách đặc thù còn ở giai đoạn chuẩn bị đề án, dự án kêu gọi đầu tư nên chưa huy động được nguồn lực cụ thể.
Việc huy động nguồn lực chưa tạo đột phá nhằm di chuyển thật sự bức tranh kinh tế - xã hội, cũng như chưa tạo sức bật cho TP…