Một ngày không tiền mặt
Tiền. Tiền mặt. Mà đặc biệt là những đồng bạc giấy với đủ màu sắc, trạng thái, dường như là một sự ám ảnh kỳ lạ với xã hội loài người kể từ khi họ biết sản xuất và lưu thông nó.
Rằng, có một vị tỷ phú nọ đã thổ lộ rằng, mỗi khi gặp sóng gió cuộc đời, ông ta chỉ có thể lấy lại bình tĩnh nếu thò tay vào túi vò và nghe được tiếng soạt soạt của những tờ giấy bạc… Đó là một “điển tích” mà nhiều người trong chúng ta rất thích thú nghe, và sau đó chia sẻ lại với những người khác một cách thích thú không kém.
Lại có câu “danh ngôn” tếu táo thường lưu truyền trong dân gian rằng “Tiếng sột soạt của đồng tiền là âm thanh hấp dẫn nhất”.
Tiền. Tiền mặt. Mà đặc biệt là những đồng bạc giấy với đủ màu sắc, trạng thái, dường như là một sự ám ảnh kỳ lạ với xã hội loài người kể từ khi họ biết sản xuất và lưu thông nó. Có sự thèm khát, có sự ám ảnh, có miệt thị khinh bỉ, nhưng cũng có cả tôn thờ si mê…
Trong đời sống thường nhật, tiền mang nhiều “vai” khác nhau: nó là vốn của người kinh doanh, buôn bán; là của để dành, là khoản thừa kế, là nguồn sinh nhai của mỗi gia đình… Rồi khi luân chuyển, nếu để trả thù lao thì nó là lương của kẻ đi làm thuê, nếu giấu dưới chiếu nằm hay “chết dí” trong ngân hàng thì là khoản tiết kiệm, nếu đem cho vay thì thành nợ thành lãi, thành ân thành oán giữa người với người… Thế nên, cái tâm lý “yêu mà ghét” đầy mâu thuẫn của thế gian với tiền cũng là điều dễ hiểu, khi đồng tiền được gán cho những giá trị “sạch – bẩn”, “thiện – ác” của chính những người làm ra nó, kiếm tìm và sử dụng nó.
Vậy, thử một ngày ra đường mà không có tiếng sột soạt của những tờ bạc chạm vào nhau trong ví, một-ngày-không-tiền-mặt, chúng ta sẽ thế nào?
Không thể tạt vào những quán ngon bình dân để sánh vai giới cần lao cùng xuýt xoa bên bát phở ngon, cốc trà thơm mát; không thể vừa uống cốc cà phê đầu ngày, vừa ngoắc tay kêu tờ báo, lại tranh thủ đánh giày. Không thể dừng lại ven đường mua từ chai nước cho đến bó hoa, chiếc bánh mì. Không thể đi chợ lật từng con cá mớ rau để cảm nhận cái tươi rói của cuộc sống. Và thậm chí, không thể đặt một tờ bạc mệnh giá nho nhỏ vào chiếc mũ của kẻ hành khất đang ngước mắt năn nỉ bên đường…
Đền bù đắp đổi lại, là một chuỗi các chi trả văn minh, thậm chí mang tính “nâng cấp” công dân, khi người ta chìa những chiếc thẻ mỏng manh ra quẹt một lượt là có thể khuân về từng đống sản phẩm, sử dụng những dịch vụ “sang chảnh” mà giá của chúng gấp đôi, gấp ba so với “thế giới ngoài kia”!
Bỏ qua vấn đề về chênh lệch giá cả và đẳng cấp dịch vụ, có thể thấy sự “cuồng tín” tiền mặt bắt nguồn từ những an tâm mà nó mang lại cho ta. Không một ngân hàng nào có thể kiểm soát từng đồng bạn chi tiêu, không tiếng ting ting lưu lại dấu vết tiền đến, tiền đi qua tài khoản, không phải cuống cuồng lao ra cây ATM mỗi khi “có biến” trong nhà hay bạn kêu đi nhậu ngoài kia. Rồi tiền trường của con, tiền viện cho cha mẹ già, hàng trăm khoản khó liệt kê được gọi chung là “phí bôi trơn” cho từng công việc hàng ngày.
Bỏ qua các trăn trở của các nhà xã hội học, tâm lý học với sự yêu tiền/ ghét tiền để nhìn nhận bằng đôi mắt tỉnh táo của các chuyên gia kinh tế, thì có thể thấy tại Việt Nam tỷ lệ giao dịch dùng tiền mặt còn khá cao. Vấn đề này cũng đã được chuyên gia Võ Trí Thành “tổng kết” trong bài trả lời phỏng vấn, đưa về 3 nguyên nhân chính: thứ nhất là do truyền thống tiêu dùng của người Việt – cả một câu chuyện dài; Thứ hai, lý do này quan trọng hơn, đó là lòng tin vào các giao dịch chưa cao. Và, thứ 3, tại Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác, khu vực kinh tế phi chính thức hay còn gọi là “kinh tế ngầm” có phạm vi, mức độ và tỷ lệ trong GDP rất cao. Nền kinh tế ngầm dựa trên giao dịch tiền mặt, thậm chí khuyến khích giao dịch bằng tiền mặt…Những vấn đề đó là bài toán của cả một nền kinh tế, mà cho đến nay nỗ lực của các cơ quan quản lý cũng chỉ mới tháo gỡ được từng bước.
Thế cho nên, muốn có một ngày-không-tiền-mặt bình yên, chúng ta vẫn phải chờ đến sự phổ biến hơn nữa, tiện dụng hơn nữa của những điểm chấp nhận thẻ, chấp nhận thanh toán không tiếp xúc, thanh toán qua ví điện tử…
Và cao hơn, phải có một môi trường với những giao dịch minh bạch, pháp lý nghiêm minh… để không có lối chảy ngoằn ngoèo cho những đồng tiền lén lút chảy từ túi này sang túi khác…
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/loi-song/mot-ngay-khong-tien-mat-1092600.html