Một ngày trên đỉnh núi thiêng Ngọc Linh
Rặng Ngọc Linh đượm chất sử thi, trầm hùng chứa chất bao điều huyền bí và cả cổ tích đời nay.
Nhóm bạn nhắn trên group: “Làm chuyến thiện nguyện đến vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam), nhân thể leo núi, khám phá khu bảo tồn sâm Ngọc Linh xứ Quảng”. Cuồng chân, thế là chúng tôi xốc ba lô lên và đi. Một ngày cuối tháng 3-2020, cả nhóm đến thị trấn miền sơn cước nép mình dưới dãy núi Ngọc Linh hùng vĩ vào chiều muộn.
Đi chợ sâm Ngọc Linh
Ánh, người xứ Quảng, hào hứng quảng bá: Đến với núi rừng Ngọc Linh, nhất định phải ghé thủ phủ sâm Ngọc Linh thượng đẳng. Anh chàng vốn đi lại miền sơn cước này như con thoi nên khá am tường thông thổ.
Cũng phải, những năm gần đây, tôi nghe nói nhiều về phiên chợ sâm thượng đẳng mà ở đó người ta phải bỏ ra hàng trăm triệu hay tiền tỉ để sở hữu một ký sâm. Cơ chừng đến đúng phiên chợ mỗi tháng mở một lần ở đây quả cũng là nhân duyên. Thời dịch dã, khách ghé chợ không đông đúc lắm, nhưng phương tiện đi lại thì toàn xe hơi và đến từ đủ mọi miền.
Nói là chợ nhưng vỏn vẹn chỉ độ chục gian hàng. Tại đây, cơ man nào là sâm với nhiều hình thù kỳ quái, nhiều người truyền tai nhau đó là món linh dược trời đất ban tặng cho vùng núi non kỳ vĩ này.
Chị chủ gian hàng ở góc chợ nói áng chừng có 40 ký sâm tươi được đem ra bán mỗi phiên như vậy. Bán không hết thì đem về ươm lại chờ phiên chợ sau đem ra bán tiếp. Giá cả thì phân ra nhiều bậc và có phần hơi “sốc” khi từ vài chục triệu đến vài trăm triệu một ký. Người bán chẳng cần mời chào, khách muốn thì sà vào mân mê, nhẩm đếm đốt trên củ sâm, hỏi giá rồi chốt. Vài thành viên trong đoàn kịp mua vài lạng để làm quà cho người thân bồi bổ. Mua sâm ở đây không lo về chất lượng. Chính quyền huyện Nam Trà My bố trí máy kiểm định chất lượng sâm ngay tại cổng chợ để củng cố niềm tin người mua và cả vị thế người bán.
Thuốc giấu của đồng bào
Để được tận mắt chứng kiến phẩm vật thiên nhiên ban tặng, qua kết nối của Ánh, tinh mơ hôm sau nhóm trực chỉ dãy Ngọc Linh còn mơ màng mây phủ để vào khu bảo tồn gen sâm Ngọc Linh. Từ thị trấn, chúng tôi mất chừng hai tiếng chạy xe và đi bộ dưới tán rừng già sát gót người dẫn đường có tên Hồ Văn Rơi (bảo vệ khu bảo tồn này). Khu bảo tồn gen sâm Ngọc Linh ẩn kín trong cánh rừng đại ngàn. Chúng tôi cứ khấp khểnh bước thấp bước cao mà tiến. Ngẫm, mình có cơ hội trải nghiệm âu cũng là một chuyến đi đầy may mắn. Bởi sâm là báu vật trời ban nên không phải ai cũng được phép lại gần.
Trong mắt tôi, rặng Ngọc Linh đượm chất sử thi, trầm hùng chứa chất bao huyền bí. Bên mạn xứ Quảng, khí trời se sắt, mát lạnh, bên kia mái đỉnh Ngọc Linh là Kon Tum, khí trời có phần khắc nghiệt cũng là nơi sinh tồn của “thuốc tiên trời ban”.
Rơi tiết lộ với chúng tôi, người Ca Dong, M’Nông, Xê Đăng bao đời sinh sống trên dãy Ngọc Linh luôn tự hào vì có thuốc tiên trời ban (sâm). Tổ tiên của anh gọi sâm là cây thuốc giấu và kịp để lại bí truyền từ loại linh dược này cho hậu thế. Chúng tôi tò mò hỏi có linh nghiệm không. Rơi quả quyết thuốc giấu giúp cầm máu, chữa đau bụng, người mệt mà dùng thì nhanh khỏe lắm. “Dùng cho vợ chồng cũng tốt” - Rơi lém lỉnh.
Chỉ tay về khoảng đất phủ đầy lá cây, Rơi bật mí: “Cả một kho báu đang nằm dưới đó”. Nhiều ánh nhìn hướng theo cái chỉ tay của người canh bảo vật. Rơi giải thích, thuốc giấu có ba tháng ngủ đông, theo chu kỳ đến tháng 4-5 thì tỉnh giấc, đạp đất vươn mầm để lá lên khỏi mặt đất. Đến khi trên củ đánh dấu năm vết sẹo (đốt) thì có thể đào lên để bán, vì mỗi vết sẹo ứng một năm.
Để minh định, Rơi vạch đám lá moi lên củ hình thù ngoằn ngoèo, ước chừng một ngón tay cái. Rơi bảo củ này giá hơn năm triệu bạc. Chưa hết, mỗi hạt giống giá hơn trăm ngàn, cây giống tùy to nhỏ, giá từ hai trăm đến bốn trăm ngàn/cây. Riêng phần lá, mỗi năm ra một lá sau đó rụng, bán cũng bộn tiền.
Anh Hà Ngọc Sơn, điều hành một tập đoàn dược không bỏ sót một chi tiết nào khi Rơi “bật mí” về cây thuốc giấu. Anh chép miệng, thảo nào ra chợ người bán bấm giá vài trăm triệu một ký và chỉ bớt vài ba chục ngàn cho vui. Anh tính toán bấy lâu loại “thuốc tiên” này chỉ dành cho người có tiền, nếu phát triển thành vùng nguyên liệu để bào chế thì nhiều người được tiếp cận hơn. Anh cũng phác thảo một kế hoạch dài hơi cho vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh bên vách dãy núi này cho nay mai.
Tôi chợt liên tưởng phiên chợ sâm ngoài thị trấn. Cây thuốc giấu bao đời nay ngoài giúp người vùng cao chống chọi bệnh tật, cắt cơn đau, sống sót giữa chốn rừng sâu, nó còn mở lối cho bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu trong nay mai.
Mặt trời chênh chếch đỉnh thiêng, trên đường về Ánh vạch lộ trình cho ngày thứ hai đến trao quà cho cô trò điểm trường Tắk Pổ, nằm chênh vênh lưng chừng vách Ngọc Linh cao 1.000 m và cần ít nhất hai giờ để chinh phục.
Cổ tích ở trường Tắk Pổ
Nói “thở bằng tai” cũng chẳng ngoa, bởi đó là cảm giác của đoàn chúng tôi khi phải luồn qua nhiều khe, lội qua nhiều suối, băng qua nhiều đồi nương gập ghềnh mới đặt chân đến điểm trường Tắk Pổ hoang sơ. Thi thoảng có vài căn nhà sàn tạm bợ ven núi chắc là để khi vào mùa người qua đường có chỗ nghỉ ngơi. Phàm đặt chân đến chốn này mới thấy rừng thiêng rất hào sảng, tiết trời dịu lạnh với những thảm cỏ mướt xanh như bình nguyên trải dài. Thầm cảm phục bước đường gập ghềnh mỗi ngày của cô giáo lên non gieo chữ.
Cô Trà Thị Thu, giáo viên phụ trách Trường Tắk Pổ kiệm lời, kể hồi mới vào nghề đã đến điểm trường Tắk Pổ làm “nghĩa vụ”. Khi ấy, tuổi đôi mươi chẳng tính thiệt hơn, yêu trẻ và có việc là vui rồi. Cô Thu nhẩm tính ngoài điểm trường chính, Trường Tiểu học xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam còn có 11 điểm trường lẻ cũng nằm ở lưng chừng trời như vậy. Cô bảo người dân ở đây rất trân quý giáo viên đem cái chữ đến con em họ nên có gì ngon cũng mang sang biếu lấy thảo. Sau mỗi vụ mùa, người Ca Dong thường làm lễ ăn mừng vì có nguồn nước, có lúa gạo mang lại mùa ấm no cho bà con. Cô cũng hòa mình vào lễ hội để vơi đi cảm xúc chênh vênh trên núi cao.
Cô Thu giãi bày, tuổi trẻ nhiệt huyết là thế nhưng lên bám trường mới thấu cảm những khó khăn, rồi có khi tủi thân vì ít bạn đồng trang lứa để hàn huyên. Cũng bởi đi lại khó khăn nên mỗi tháng cô rời bản xuống núi xuôi về huyện Thăng Bình thăm nhà một lần. Gặp trời lúc nắng còn đỡ, còn lúc mưa thì “đi bằng mông” vì dốc thẳng trơn trượt, sơ sẩy là lao xuống vực sâu.
Rảo một vòng quanh bản, tôi đếm đâu được 35 nóc nhà. Phía đỉnh đồi, nhóm trẻ dùng vòi dẫn nước làm ướt mềm thảm cỏ để chơi trò máng trượt. Cả nhóm thả mông trên thảm cỏ và đất mềm rồi trượt vun vút xuống phía chân đồi. Hóa ra lũ trẻ mỗi miền đều có trò chơi riêng độc đáo của mình. Mà lũ trẻ vùng cao này thì khá bạo gan với những trò chơi cảm giác mạnh thú vị đến vậy.
Mong có mái trường mới
Bữa trưa, các cô giáo bản đãi món mì Quảng nấu với gà bản ngon nhớ đời. Thu kể những năm đầu tiên vào nghề đã đến điểm trường Răng Chuỗi, nơi xa nhất của vùng cao xứ Quảng, với hơn bốn tiếng đi bộ đường rừng. Vậy nhưng ba giáo viên vẫn bám trụ miệt mài gieo chữ cho con em vùng cao mà không hề nản lòng.
Cô Thu thổ lộ mùa mưa đường trơn trượt, con đường lên bản và về xuôi càng thêm chênh vênh nhưng không làm chùn chân các cô. Thấu hiểu sự nhiệt huyết của các cô, bà con Ca Dong nhà có rau, củ, món gì ngon đều để phần cho các cô.
Hỏi chuyện tổ ấm cho riêng mình và ý định rời bản về xuôi, cô Thu trải lòng, hiện cả hai điều này cô chưa nghĩ đến, bởi còn nặng lòng với vùng cao. Còn chuyện duyên tình, cô bẽn lẽn nói vui “đang chờ nhân duyên”. Những ngày mưa lạnh, các cô mỏi mong tiết trời ráo tạnh để dự án xây mái trường mới sớm hoàn thành, cô trò có chốn học cho tươm tất.
Năm học vừa rồi, cô Thu được điều động về điểm trường chính sau nhiều năm lên non gieo chữ. Theo chân cô giáo về xuôi, qua nhiều vách đứng, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy cô lấy dép kẹp nách và nói đó là kinh nghiệm để không bị trượt chân. Gặng hỏi nhiều lần cô cũng “bật mí” bởi leo đèo, lội suối nhiều nên có chứng đau khớp gối, tê bàn chân.
Câu chuyện đẹp của Thu đã dệt nên cổ tích giữa đời thường bên triền đỉnh Ngọc Linh hùng vĩ. Những hình ảnh đẹp, lòng yêu trẻ, nhiệt huyết với nghề và cả sự hy sinh của cô trò Tắk Pổ đã làm lay động bao người. Nghe đâu nhiều tấm lòng thiện nguyện đã hướng về điểm trường vùng cao này, đóng góp những viên đá cho ngôi trường vững chãi hơn trước mưa bão, có chỗ ở cho cả giáo viên. Rồi một con đường vòng có thể đi bằng xe để lên tận nơi cũng sẽ được khai mở nay mai, khi ấy ắt hẳn con đường lên bản, về xuôi bớt nhọc nhằn.
Trước khi chia tay, tôi kịp bắt chuyện với cô Nguyễn Việt Thảo, người lên Tắk Pổ thay cô Thu hồi giữa năm. Thảo tâm sự đợt lũ bão vừa rồi khiến trường hư hỏng nặng, phải nhờ nhà dân để dạy ba tuần. Rồi khó khăn cũng được khắc phục nhờ sự chung tay của chính quyền và người dân, cô trò có mái ấm che chắn trong cái lạnh buốt thịt da.
* * *
Hôm chia tay non cao Ngọc Linh, bữa tiệc rượu có hương vị nồng nàn của báu vật trời ban trong căn nhà sàn ở bìa thị trấn. Ánh lại tiếp thị: Đến miền Nam Trà My mà không thưởng thức món cá niên ở dòng sông Tranh cũng xem như chưa đặt chân đến miền sơn cước này. Ừ, hình như trên mẹt có cả cá niên nướng vàng ươm, cơm gạo đỏ đặc sản của rừng núi Ngọc Linh. Kia là măng rừng, rau rớn - những sản vật trù phú của xứ này. Khuya, đượm men nồng, giọng ai đó khàn đục vẳng vọng vút vào núi thiêng Ngọc Linh như mạch nguồn sử thi vọng về.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xuan-tan-suu-2021/mot-ngay-tren-dinh-nui-thieng-ngoc-linh-966300.html