Một ngày trong 'Bãi đá tử thần'

Anh T gọi điện cho tôi, ngẹn ngào: 'Bãi đá vừa thêm một vụ tai nạn thảm khốc nữa, 3 người chết, 2 bị thương nặng. Mong các anh về phản ánh, đưa ra công luận, nếu không vụ việc này lại sẽ rơi vào im lặng'.

Hiện trường vụ tai nạn ngày 5-8 làm 3 người chết, 2 người bị thương.

Anh T gọi điện cho tôi, ngẹn ngào: "Bãi đá vừa thêm một vụ tai nạn thảm khốc nữa, 3 người chết, 2 bị thương nặng. Mong các anh về phản ánh, đưa ra công luận, nếu không vụ việc này lại sẽ rơi vào im lặng”.

Theo địa chỉ mà anh T cung cấp, chúng tôi đã về bãi đá Yên Lâm (Yên Định, Thanh Hóa) để tìm hiểu công tác bảo đảm an toàn cho người lao động. Và những gì mà chúng tôi được chứng kiến thì đây quả thực là một "bãi đá tử thần".

Những tai nạn thảm khốc

Sáng 12-8, chúng tôi có mặt tại nhà ông Bùi Văn Oanh (xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Ông Oanh vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết thảm thương của người con trai - anh Bùi Văn Giáp - ngày 5-8-2006. Giáp năm nay 22 tuổi, cao to, khỏe mạnh, là lao động chính trong gia đình. Chiều hôm trước (4-8), Giáp cùng anh em trong nhóm thợ núi (những người trực tiếp làm việc trong các mỏ đá) tổ chức đánh mìn phá núi. Đêm ấy, trời đổ mưa to, theo kinh nghiệm của những người thợ núi thì các mỏ đá sau khi đánh mìn gặp mưa, nguy cơ sập mỏ rất cao. Ngay trong nhóm thợ của Giáp ngày hôm ấy cũng có người vì sợ nên không dám đi làm. Riêng Giáp và 4 người nữa vẫn vào mỏ đá làm việc bình thường. Ít phút sau, mỏ sập. Những người thợ đã trở tay không kịp. Bà con Yên Lâm và những tốp thợ làm việc gần đó kéo đến cứu nạn nhưng 3 người đã bị những khối đá hộc nặng hàng tấn đè nát cơ thể, chết ngay tại chỗ 2 người còn lại bị thương nặng…

Ông Bùi Văn Oanh cho biết: "Giáp làm thợ khai thác đá đã nhiều năm nên rất có kinh nghiệm. Giáp rất cần cù làm việc, bất chấp những nguy hiểm chết người luôn rình rập bên mình".

Cũng trong sáng 12-8, chúng tôi đã thâm nhập vào bãi đá Yên Lâm. Trên khu vực này hiện có 17 công ty đăng ký khai thác đá với khoảng 300-400 công nhân đang làm việc. Trên các mỏm núi cheo leo, những người thợ bám vào vách núi trèo lên, dùng máy ép hơi (đặt dưới chân núi) khoan sâu vào lòng núi, nhét thuốc nổ vào đánh toác một góc núi, làm tách ra những khối đá to như cái nhà. Sau đó, thợ núi sẽ len vào, khoan nhỏ, tiếp tục dùng khối thuốc nhỏ hoặc nêm sắt đánh nứt thành những tảng đá chừng 2-3 mét vuông. Những tảng đá này chở về các xưởng chuyên sản xuất đá xuất khẩu.

Lao động nặng nhọc và nguy hiểm như vậy nhưng trên toàn bãi đá này không áp dụng bất cứ một biện pháp bảo đảm an toàn nào. Ngay khi chúng tôi đang trò chuyện với một số công nhân tại mỏ đá của Công ty Tiến Thành (khoảng 10 giờ trưa), thì bất chợt có tiếng nổ ùng oàng ở mỏ bên cạnh. Thì ra, việc nổ mìn ở đây diễn ra khá tùy tiện, không đúng quy trình sử dụng thuốc nổ; dường như chính những người đánh mìn phá núi cũng "liều" với tính mạng của mình và những người xung quanh.

Theo số liệu mà anh T cung cấp, tai nạn trên bãi đá thường xuyên xảy ra trung bình mỗi năm cướp đi trên chục mạng người. Điều đáng nói, công nhân ở đây phần lớn là người lao động tự do, làm việc bằng "hợp đồng miệng" với đại diện các công ty theo chế độ công nhật. Công nhân đến làm ngày nào thì tính công ngày đó, nay làm cho công ty này, mai đã chuyển sang công ty khác. Vì thế, ngoài 50 000 đồng nhận được sau mỗi ngày làm việc, họ không có bất kỳ một chế độ bảo hiểm nào.

Anh Tiến, anh Kỳ, hai thợ núi của Công ty Tiến Thành cho biết:

- Vì thất nghiệp nên chúng tôi phải tìm đến đây làm việc. Lao động nặng nhọc, nguy hiểm, chúng tôi đề nghị chủ tăng tiền lương và mua bảo hiểm nhưng họ không làm. Khi xảy ra chết người, các công ty thường lặng lẽ đưa họ về quê an táng, thỏa thuận riêng với gia đình về mức đền bù.

Trong 3-4 năm trở lại đây, hàng chục vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra nhưng tình trạng mất an toàn nghiêm trọng trong lao động vẫn không hề thay đổi.

Lán ở của công nhân khai thác đá

Trách nhiệm của chính quyền và doanh nghiệp ở đâu ?

Chiều 12-8, chúng tôi đã làm việc với ông Đỗ Trọng Vân, chủ tịch UBND xã Yên Lâm. Ông Vân cho biết:

- Yên Lâm là xã miền núi có 300 ha núi đá vôi. 17 doanh nghiệp khai thác đá tại đây đều có giấy phép hoạt động hợp pháp góp phần giải quyết nhu cầu việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận người dân địa phương. Tuy nhiên, phần lớn các công ty đều chưa thực hiện đúng quy trình sử dụng lao động và chưa áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn cho công nhân.

Ông Vân cho chúng tôi biết, vụ tai nạn dẫn đến 3 người chết và 2 người bị thương hôm 5-8 xảy ra tại Công ty Thanh Nghệ. Trước đó không lâu, công nhân Công ty Hà Thanh Bình tiến hành nổ mìn với khối thuốc nổ lớn làm đất đá văng rất xa, một hòn đá lớn đã văng trúng đầu làm anh Giang (người xã Yên Phong) chết tại chỗ. Xã đã quy định việc nổ mìn chỉ được tiến hành từ 11 giờ 30 đến 14 giờ và từ 17 giờ đến 18 giờ hàng ngày nhưng hầu hết các doanh nghiệp chấp hành không nghiêm quy định này. Ngay cả quy định về cắm cờ báo hiệu mất an toàn khi nổ mìn, các doanh nghiệp cũng không thực hiện. Trong khi đó, lực lượng lao động tại bãi đá khá phức tạp, từ nhiều nơi dồn về nên khó quản lý. Chính quyền xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng đi kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp về các sai phạm, kêu gọi họ áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn nhưng hiệu quả rất thấp. Ngay cả khi xảy ra tai nạn chết người, nếu nạn nhân không phải người trong xã thì các doanh nghiệp không báo cáo mà lẳng lặng thỏa thuận đưa về gia đình giải quyết. Vì thế, số người chết trên bãi đá, chính quyền địa phương cũng không thống kê được chính xác.

Còn trách nhiệm của các doanh nghiệp thì sao? Chúng tôi đã tìm đến trụ sở Công ty Hà Thanh Bình và Công ty Thanh Nghệ. Tại Công ty Hà Thanh Bình, phòng giám đốc mở cửa nhưng đợi mãi không có ai xuất hiện. Về sau, một công nhân ra tiếp chúng tôi và cho biết:

- Các “sếp" của chúng em đều đang họp tại trụ sở chính của công ty ở Cảng Lệ Môn (cách đó gần 100km). Những người làm việc tại công ty em đều có hợp đồng lao động và được đóng bảo hiểm đàng hoàng. Nếu anh muốn phỏng vấn, xin đợi vài ngày nữa.

- Thế hàng chục lao động đang làm việc trên núi thì không có đại diện công ty quản lý hay sao?

- Dạ không. Hôm nay ngày nghỉ, chúng em tự quản lý lấy…

Tại Công ty Thanh Nghệ, trụ sở trên bãi đá là một căn nhà nhỏ. Tiếp chúng tôi là ông Trịnh Xuân Bính. Trả lời những câu hỏi của chúng tôi về các vụ tai nạn trong công ty, ông Bính cho biết:

- Tôi được giao quản lý thợ trong xưởng xẻ đá, những vụ tại nạn trong mỏ, dù biết cũng không tường tận và không đủ tư cách trả lời các anh.

- Thế lãnh đạo công ty không có ai ở đây hay sao ?

- Hôm nay họ bận họp tại trụ sở công ty trên thành phố.

Khi chúng tôi hỏi địa chỉ, số điện thoại để liên lạc với Ban Giám đốc Công ty, ông Bính nói rằng không biết vì không quen sử dụng điện thoại. Xem chừng lý do đó không thuyết phục. Ông lấy ra một cuốn sổ và nói:

- Tôi chỉ có thể cho anh số điện thoại của anh Tuấn, người trực tiếp quản lý thợ núi mà thôi. Còn các số khác thì anh thông cảm?

- Vậy ông có biết gì về hoạt động của công ty sau khi xảy ra tai nạn.

- Rất chu đáo, ngày nào chúng tôi cũng cho người đến các gia đình nạn nhân thăm hỏi, động viên họ vượt qua nỗi đau.

Đến đây, chúng tôi chợt nhớ câu chuyện ban sáng với ông Bùi Văn Oanh - bố của nạn nhân Bùi Văn Giáp - ông rất bức xúc:

- Từ hôm cháu nó gặp nạn, hôm nào công ty cũng cử người đến thắp hương nhưng tuyệt nhiên không thấy ông lãnh đạo nào đến. Hỏi thì mấy anh nhân viên cứ hứa là "sếp" sắp đến. Hơn một tuần đã qua còn gì. Tôi bức xúc nhưng đành chờ đợi vậy thôi, vì con mình "hợp đồng" với họ ra sao, tôi đâu có biết!

Các doanh nghiệp đối xử với người lao động như vậy, còn với chính quyền, các biện pháp giải quyết tình trạng trên ra sao, ông Đỗ Trọng Vân cho biết:

- Chúng tôi đã phát động phong trào giữ gìn an toàn lao động đồng thời tiến hành tuyên truyền, kêu gọi các doanh nghiệp và người lao động thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về an toàn lao động.

Lời kết: Bãi đá Yên Lâm đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn chết người mà các doanh nghiệp vẫn coi nhẹ tính mạng người công nhân, còn chính quyền địa phương lại buông lỏng vai trò quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Thực trạng này rất đáng báo động và những thảm cảnh sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ? Xin được gửi câu hỏi này đến cơ quan chức năng của huyện Yên Định và tỉnh Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Nguyễn Hồng Hải

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/mot-ngay-trong-bai-da-tu-than-448779