Một nghị định, một lời khẳng định - Bài 1: Nghị định và lòng tin chiến lược
Việt Nam công bố Dự thảo Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược, khẳng định vai trò đối tác tin cậy, có trách nhiệm và luôn nỗ lực vì lòng tin chiến lược.
Chiều 1/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược. Ngay trong buổi chiều cùng ngày, bản Dự thảo đã được công bố rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương và Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến góp ý của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Động thái này không chỉ thể hiện tốc độ hành động mau lẹ của cơ quan điều hành chính sách thương mại, mà còn là biểu hiện rõ ràng cho thấy tư duy chiến lược, tinh thần chủ động và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong một thế giới đang tái định hình trật tự thương mại toàn cầu.
Khẩn trương và cần thiết
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: “Việc khẩn trương ban hành Nghị định này là hết sức cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế.”

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược. Ảnh: PV
Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đang biến động mạnh, đặc biệt là với sự gia tăng đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam – từ điện tử, máy tính đến bán dẫn – thì yêu cầu về một khung pháp lý kiểm soát thương mại chiến lược trở nên cấp bách. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để các đối tác lớn như Hoa Kỳ yên tâm khi mở rộng hợp tác chuyển giao công nghệ, đầu tư quy mô lớn, và thực hiện các thỏa thuận thương mại mang tính chất dài hạn.
Dự thảo Nghị định là một văn bản có tính bước ngoặt, nhằm điều chỉnh các hoạt động thương mại liên quan đến hàng hóa lưỡng dụng, công nghệ nhạy cảm, và các sản phẩm có ảnh hưởng đến an ninh – quốc phòng. Không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia, Nghị định còn là cam kết nội địa hóa các quy tắc thương mại công bằng, minh bạch mà Việt Nam đã ký trong các hiệp định quốc tế.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá cao
Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) nhận định: “Đây là bước đi đầy thiện chí, nhanh nhạy, trách nhiệm, thiết thực của Việt Nam trong việc thiết lập một trật tự thương mại cân bằng và bền vững.”
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng: “Việt Nam đang có cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả để cân bằng cán cân thương mại với đối tác lớn, trong đó có Hoa Kỳ. Đó là tăng cường đối thoại chính sách, tăng cường nhập khẩu một số sản phẩm công nghệ cao, đồng thời kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại”.
Nghị định chiến lược này cũng được đưa vào lộ trình soạn thảo khẩn trương. Việt Nam đã chủ động đề xuất các cơ chế kiểm soát, phối hợp song phương nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận về xuất xứ hàng hóa, đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các FTA thế hệ mới.

Xuất nhập khẩu - một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh
Xây dựng niềm tin bằng thể chế
Trong thương mại quốc tế, niềm tin không chỉ đến từ những lời tuyên bố mà đến từ khả năng thể chế hóa những cam kết. Việc công bố rộng rãi dự thảo ngay trên các cổng thông tin chính thức là minh chứng cho sự công khai, minh bạch và cam kết tham vấn cộng đồng, doanh nghiệp và người dân.
Điều đáng chú ý, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia đang phát triển xây dựng khung pháp lý kiểm soát thương mại chiến lược ở cấp nghị định – tương đương với hành lang pháp lý của nhiều nền kinh tế tiên tiến.
Việc chủ động điều chỉnh thể chế cũng là thông điệp khẳng định rằng Việt Nam không chạy theo sức ép từ bất kỳ quốc gia nào, mà hành động vì sự ổn định lâu dài của hệ sinh thái thương mại toàn cầu, với vị thế là một nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ trong top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Thời gian qua, Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực để cân bằng cán cân thương mại với nhiều đối tác lớn khác như: EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Một nghị định – một lời khẳng định:
Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược không chỉ là một văn bản pháp quy. Đó là lời khẳng định từ phía Việt Nam: Chúng tôi là một đối tác tin cậy, có trách nhiệm và hành động vì lợi ích chung. Và quan trọng hơn, Việt Nam không chỉ đi cùng thế giới – mà còn muốn đóng góp vào việc thiết lập những luật chơi mới, văn minh hơn, minh bạch hơn và công bằng hơn.