Một nghị sĩ Italy đề xuất luật cấm tiếng Anh

Một nhà lập pháp thuộc đảng cực hữu Những người anh em Italy đang vận động thông qua một đạo luật cấm sử dụng tiếng Anh trong các văn bản chính thức, đồng thời phạt nặng những ai không tuân thủ. Dự luật này cũng nhận được sự ủng hộ của nữ Thủ tướng đầu tiên của Italy, cũng là Chủ tịch đảng này, bà Giorgia Meloni.

Tuy nhiên trong một phản ứng sau đó, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Antonio Tajani đảm bảo với các phóng viên rằng đó không phải là chủ trương của chính phủ mà là ý muốn của cá nhân chính trị gia. Dự luật trên do nghị sĩ cánh hữu Fabio Rampelli đề xuất. Ông là một chính trị gia thuộc đảng Những người anh em Italy mà bà Meloni là Chủ tịch.

Theo dự luật, hiện chưa được đưa ra thảo luận tại Quốc hội, các công chức có thể bị phạt tiền, từ 5.000 đến 100.000 euro - khoảng 5.500 đến 110.000 USD - nếu họ sử dụng từ nước ngoài thay vì tiếng Ý trong bất kỳ giao tiếp công khai nào. Các khoản tiền phạt cũng có thể được áp dụng đối với các công ty sử dụng thuật ngữ nước ngoài cho chức danh công việc hoặc trường học và trường đại học sử dụng cách diễn đạt không phải tiếng Ý.

Khi được hỏi liệu luật được đề xuất có "hương vị Mussolini" hay không, Bộ trưởng Tajani đã trả lời rằng "dự luật nhằm bảo vệ ngôn ngữ Ý không liên quan gì đến Mussolini”.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng ủng hộ dự luật cấm tiếng Anh. Ảnh: AP

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cũng ủng hộ dự luật cấm tiếng Anh. Ảnh: AP

Hồi tháng 9 năm ngoái, Italy đã có một chính phủ cánh hữu nhất trong lịch sử kể từ Thế chiến thứ 2. Đối với cử tri, nữ Thủ tướng Meloni đại diện cho cơ hội đặt người Ý truyền thống và các giá trị của họ lên hàng đầu.

Tuy nhiên, CBS News cho biết Pháp đã dẫn trước Italy khi đã thông qua một đạo luật tương tự, đặc biệt áp dụng cho các hợp đồng bằng văn bản - bao gồm hợp đồng công việc, hợp đồng mua bán và cho thuê tài sản. Tuy nhiên, một hợp đồng có thể bao gồm một số điều khoản bằng tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài khác, nếu chúng không tồn tại bằng tiếng Pháp, miễn là chúng được giải thích rõ ràng bằng tiếng Pháp trong tài liệu. Luật đó áp dụng cho tất cả các tài liệu của chính phủ và chính thức.

Pháp cũng có một cơ quan giám sát ngôn ngữ - Académie Française - trong đó cơ quan này lập danh mục và đấu tranh chống lại các từ ngoại lai, đặc biệt là tiếng Anh, len lỏi vào ngôn ngữ hàng ngày.

Quỳnh Vũ

Theo CBS News

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/mot-nghi-si-italy-de-xuat-luat-cam-tieng-anh-i322308/