Một nhà mạng 'chốt mua' khối băng tần 700 MHz
Sau hai vòng đấu, Tập đoàn Viettel đã trúng giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đối với băng tần 713-723 MHz và 768-778 MHz (khối băng tần B2-B2', thuộc khối băng tần 700 MHz).

Băng tần 700 MHz có ưu điểm tốt về khả năng truyền sóng, giúp nhà mạng giải quyết được bài toán mở rộng vùng phủ sóng ở cả khu vực nông thôn và miền núi. Ảnh minh họa: TTXVN
Chiều 20-5, Công ty Đấu giá hợp danh số 5 Quốc gia đã tổ chức đấu giá lại quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đối với khổi băng tần kể trên. Cuộc đấu giá lần này có hai doanh nghiệp tham gia là Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Sau hai vòng đấu, Tập đoàn Viettel trúng giá khối băng tần này với mức giá đưa ra là 1.995.613 tỉ đồng. Được biết, mức giá này tương đương giá trung bình thế giới, và đây cũng là lần thứ tư Viettel tham gia đấu giá băng tần 700MHz.
Trên khối tần B2 – B2’ của băng tần 700MHz, Viettel sẽ triển khai dịch vụ truy cập Internet băng rộng di động 4G/5G, cung cấp tốc độ cao và độ trễ thấp, phục vụ giải trí, làm việc từ xa, và học trực tuyến, dịch vụ IoT (Internet vạn vật), hỗ trợ các nền tảng và ứng dụng như thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh và quản lý giao thông thông minh…
Qua nghiên cứu kỹ thuật, bán kính phủ sóng trên khối tần này gấp 1,8 lần so với băng tần 1.800 MHz, giúp Viettel tối ưu chi phí triển khai nhiều lần, tiết kiệm nhiều ngàn tỉ đồng so với việc sử dụng các băng tần hiện tại khi xử lý các vùng khó phủ sóng; đồng thời cải thiện, nâng cao trải nghiệm người dùng. Đây là khối tần được Bộ Khoa học và Công nghệ quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advanced (4G) và các phiên bản tiếp theo.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đấu giá lần này đánh dấu bước đi cụ thể, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu "Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến, phủ sóng 5G toàn quốc". Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết số 57 phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là khối băng tần quan trọng cho việc phát triển hệ thống thông tin di động công cộng theo tiêu chuẩn IMT, một trong những nền tảng hạ tầng thiết yếu cho công nghiệp công nghệ số.
Theo TTXVN
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/mot-nha-mang-chot-mua-khoi-bang-tan-700-mhz/