Một nhiệm kỳ thành công, Kiểm toán Nhà nước góp phần ngăn chặn tham nhũng, lãng phí
Sáng 1-4, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười một, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước.
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đánh giá cao hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong nhiệm kỳ qua, đặc biệt là góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Nhất trí với báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đại biểu Quách Thế Tản (Đoàn Hòa Bình) đánh giá, trong nhiệm kỳ qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra; 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý. Đây là một kết quả hết sức đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, hiệu lực thực hiện kết luận kiểm toán vẫn còn thấp khi kết quả thực hiện kiến nghị về mặt tài chính chỉ đạt 73,6%, kiến nghị xử lý về các văn bản mới chỉ đạt 17,3%.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập. Đây cũng là công cụ quan trọng của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Bên cạnh đó, "cần phải có giải pháp mạnh mẽ trong nhiệm kỳ tới, bởi kiến nghị của kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước có giá trị bắt buộc thi hành khi đã công khai”, đại biểu Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
Giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm về kiến nghị kết luận kiểm toán chưa thực hiện được một cách triệt để, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, lý do vì những khoản mà Kiểm toán Nhà nước đề nghị truy thu hay là đề nghị giảm phụ thuộc vào nguồn vốn.
“Ví dụ như khoản chi sai chế độ, các khoản như công trình đã quyết toán trả cho nhà thầu, kiến nghị do chi sai do không phù hợp với định mức, không phù hợp với dự toán, không phù hợp với đơn giá. Tuy nhiên, để thu lại được tiền đấy thì phải chờ các doanh nghiệp nộp tiền thì Ban quản lý dự án mới trả lại tiền cho Nhà nước, hay các khoản chi sai chế độ thì cũng phải có nguồn để chi trả và một số vấn đề khác”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết.
Tiếp thu các ý kiến đại biểu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định, chất lượng kiểm toán là vấn đề sống còn đối với tính chuyên nghiệp của Kiểm toán Nhà nước. “Về công khai kết luận kiểm toán, chúng tôi thực hiện các hình thức công khai như trong Luật Kiểm toán Nhà nước quy định là tương đối nghiêm và sắp tới sẽ làm tốt hơn”, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều đổi mới, chú trọng cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hoạt động kiểm toán, bảo đảm kiểm toán theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, cung cấp thông tin cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, góp phần quản lý sử dụng tài sản, tài chính công ngày càng hiệu quả, góp phần tích cực vào phòng, chống tham nhũng lãng phí.