Một nửa ứng viên GS, PGS Toán học bị 'rụng', Chủ tịch hội đồng tiết lộ lý do!

Có nhiều trường hợp rất giỏi nhưng vì đi dạy học nước ngoài không đủ quy định về giờ dạy trong nước nên không đủ làm PGS, phải chậm từ 3 đến 4 năm thậm chí 7 đến 8 năm để đạt yêu cầu.

Hội đồng Giáo sư (GS) nhà nước vừa công bố danh sách ứng viên được Hội đồng GS ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, Phó Giáo sư (PGS) năm 2021.

So với danh sách ứng viên được Hội đồng GS cơ sở xét duyệt, danh sách này giảm 73/451 ứng viên GS, PGS.

Ngành Toán chiếm tỉ lệ cao nhất khi có hơn 1 nửa ứng viên bị loại. Trước đó ở ngành Toán, Hội đồng GS cơ sở đề nghị xét GS, PGS cho 25 ứng viên, tuy nhiên hiện chỉ còn 11 ứng viên được Hội đồng GS ngành, liên ngành đề nghị Hội đồng GS Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2021.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH. Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng GS Ngành Toán.

GS.TSKH. Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng GS Ngành Toán.

Thưa ông, hiện nay hơn một nửa ứng viên GS, PGS ngành Toán bị loại, so với các ngành khác thì nhiều hơn. Vậy đâu là lý do năm nay số lượng và tỷ lệ ứng viên GS. PGS ngành Toán bị loại nhiều như vậy?

GS.TSKH. Lê Tuấn Hoa: Vấn đề này không có gì đặc biệt. Việc xét theo quy định tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS.

Căn cứ vào đó thì ứng viên nào đạt tiêu chuẩn hay không đạt thôi.

Như ông trình bày, liệu có việc danh sách Hội đồng GS cơ sở đưa lên không đạt yêu cầu so với quy định hay còn lý do nào khác nữa không?

GS.TSKH. Lê Tuấn Hoa: Không phải chất lượng Hội đồng GS cơ sở đưa lên không đạt yêu cầu mà do chức năng của từng hội đồng khác nhau.

Hội đồng GS cơ sở chủ yếu thẩm định các quy định cứng như giờ giảng, thâm niên đào tạo của các ứng viên…những quy định như vậy do Hội đồng GS cơ sở xem xét.

Còn Hội đồng GS ngành Toán sẽ thẩm định điểm công trình. Rồi sau đó các thành viên hội đồng bỏ phiếu theo đánh giá của từng cá nhân cho từng ứng viên hội đồng. Việc bỏ phiếu quyết định ứng viên có đủ trình độ, tín nhiệm hay không. Hai hội đồng chức năng hoạt động khác nhau.

Thưa ông, vậy việc tiến hành bỏ phiếu đánh giá các ứng viên là kín hay công khai hay tiến hành như thế nào?

GS.TSKH. Lê Tuấn Hoa: Việc bỏ phiếu là kín chứ không phải giơ tay biểu quyết. Hình thức này cũng không hẳn là bầu bán. Phiếu do từng cá nhân hội đồng đánh giá riêng lẻ.

Khi bỏ phiếu đánh giá như vậy, có thể tất cả tiêu chuẩn quy định cứng đạt, còn tiêu chuẩn tín nhiệm lại không đạt. Giống như đi bầu cử, vòng bỏ phiếu tất cả mọi người đều có đủ tư cách nhưng khi bỏ phiếu người trúng, người trượt.

Như ông trình bày, xin hỏi trong bầu ứng viên GS, PGS có giới hạn về số lượng, tỷ lệ đạt hay không thưa ông?

GS.TSKH. Lê Tuấn Hoa: Trong bầu ứng viên GS, PGS không có giới hạn gì về số ứng viên hay tỷ lệ đạt.

Vừa rồi đa số ứng viên trượt là do không đáp ứng được hồ sơ chứ không phải vì thiếu tín nhiệm. Chỉ một số người không đạt được phiếu tín nhiệm thôi.

Năm nay, tỷ lệ ứng viên không đạt được tiêu chuẩn cứng cao hơn cho nên số “rụng” hơi nhiều so với mọi năm. Còn ngành Toán bao giờ tỷ lệ trượt cũng thấp.

Năm nay loại đến 14 ứng viên trượt. Nhiều người nghĩ rằng có vấn đề nhưng thực tế không có vấn đề gì cả. Vấn đề xét ứng viên GS, PGS vẫn như mọi năm. Quan điểm xét duyệt vẫn vậy, hội đồng vẫn những con người cũ trong 3 năm trở lại đây. Nên không có gì đột biến.

Vậy đâu là điểm khác biệt dẫn tới số lượng ứng viên GS, PGS bị loại nhiều hơn mọi năm?

GS.TSKH. Lê Tuấn Hoa: Năm nay, không may do số người không đủ tiêu chuẩn cứng khi Hội đồng GS ngành Toán kiểm tra lại nhiều hơn so với mọi năm.

Mọi năm chỉ 2 đến 3 trường hợp không được vào vòng phỏng vấn. Còn năm nay có đến 8 đến 9 trường hợp không được vào vòng phỏng vấn. Chúng tôi vẫn làm theo quy trình và không có vấn đề gì cả.

Còn diện ứng viên không đủ điều kiện do Hội đồng GS cơ sở người ta xem xét nghĩ rằng như thế là đạt nhưng đến chúng tôi thì theo Quyết định 37 chúng tôi làm.

Sau khi có kết quả, mặc dù chưa công bố nhưng tất cả các ứng viên đều được thông báo kết quả. Đến thời điểm này, chưa thấy ứng viên nào kiện tụng.

Như ông trao đổi, không có ứng viên GS, PGS phản ánh gì về kết quả trượt?

GS.TSKH. Lê Tuấn Hoa: Khi công bố ứng viên vào vòng phỏng vấn, đương nhiên phải thông báo cho các ứng viên biết họ có được vào phỏng vấn hay không.

Những ứng viên không được phỏng vấn không có ai phản ứng hay nói rằng như vậy không công bằng hay không chính đáng.

Chẳng hạn có ứng viên được cử đi học chính trị thì số tiết dạy bắt buộc bị giảm đi. Nhưng mà nhà trường quan điểm như vậy là đạt yêu cầu. Nhưng lên đây chúng tôi bảo không. Quan điểm của nhà trường như vậy là sai.

Giờ giảng đạt tiêu chuẩn của ứng viên phải theo quy định của Quyết định 37 chứ không phải nhà trường bảo đủ là đủ.

Như các năm trước cũng vậy, có nhiều trường hợp ứng viên giỏi được đi công tác nước ngoài nhưng theo quy định của Việt Nam lại không đủ giờ giảng trong nước nên đành chịu.

Liệu những quy định như vậy có quá máy móc không thưa ông?

GS.TSKH. Lê Tuấn Hoa: Quy định cứng như vậy chúng tôi không thể nào làm khác được. Vì đưa lên Hội đồng GS Nhà nước người ta sẽ gạch ngay. Còn nếu cứ đưa lên thì họ sẽ phê bình Hội đồng GS ngành Toán làm không đúng.

Những trường hợp đó, khi tôi thông báo thì họ cũng ngỡ ngàng nhưng khi được giải thích rõ thì họ đều tâm phục, khẩu phục.

Mọi năm có nhiều trường hợp như vậy. Nhiều ứng viên xuất sắc lắm mới được nước ngoài mời đi làm việc, nhưng rồi phải gián đoạn thêm 3 năm mới được xét duyệt.

Có nhiều trường hợp rất giỏi nhưng quy định như vậy nên chậm làm PGS từ 3 đến 4 năm thậm chí 7 đến 8 năm. Không chỉ năm nay đâu mà năm nào cũng có những trường hợp như vậy cả.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mot-nua-ung-vien-gs-pgs-toan-hoc-bi-rung-chu-tich-hoi-dong-tiet-lo-ly-do-post180777.html