Một 'Quy định' được bộ đội yêu thích nhất

Trong kho tàng âm nhạc cách mạng Việt Nam, có vô số ca khúc bất hủ ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, Tổ quốc anh hùng, dân tộc bất khuất, nhân dân kiên cường… Trong dòng chảy ấy, các nhạc phẩm viết về Bộ đội Cụ Hồ luôn mang những nét đặc sắc riêng; vừa phản ánh tinh thần lạc quan, yêu đời, vừa thể hiện ý chí tiến công của những người con trung hiếu, luôn 'sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng'.

“Món ăn tinh thần” không thể thiếu

Không biết tự bao giờ, âm nhạc đã trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Trong hai cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại, đã có hàng ngàn, hàng vạn ca khúc về đề tài Bộ đội Cụ Hồ được ra đời. Tiếng hát là lời thề “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” giữa những ngày tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; tiếng hát trở thành động lực thôi thúc những bước chân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” trong cuộc trường chinh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”; tiếng hát như tiếng “Tổ quốc trong tim”, khẳng định quyết tâm giữ vững thành quả cách mạng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hình ảnh những người “nghệ sĩ nơi tuyến lửa” vừa đàn, vừa hát cho bộ đội nghe giữa đường hành quân; chị y tá dùng lời ca thay “thuốc giảm đau” cho thương binh; chiến sĩ Điện Biên dùng tiếng “hò dô ta” kéo pháo vào trân địa; người lính đảo ngân nga khúc hát giữa mênh mông biển trời dẫu đàn chỉ còn một dây… thật đẹp biết bao.

 Giờ ngoại khóa học 15 bài hát quy định trong Quân đội của học viên Tiểu đoàn 6, Trường Sĩ quan Chính trị.

Giờ ngoại khóa học 15 bài hát quy định trong Quân đội của học viên Tiểu đoàn 6, Trường Sĩ quan Chính trị.

Chứa đựng trong mỗi ca khúc viết về Bộ đội Cụ Hồ không chỉ đơn thuần là giá trị về âm nhạc, nghệ thuật với tư tưởng, ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, mà còn là minh chứng lịch sử về truyền thống quật cường, bất khuất của của ông cha trong một thời hoa lửa; tinh thần dám đánh, biết đánh, biết thắng của một Quân đội anh hùng, bất khả chiến bại; tình cảm quân dân “cá nước”, “người đi dân nhớ”, “người ở dân thương”; tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, cao đẹp; tình yêu quê hương, đất nước và mối quan hệ đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng, chí nghĩa, chí tình... Mỗi tác phẩm tuy có âm hưởng, giai điệu, cách thể hiện khác nhau, nhưng đều là những bài ca bất diệt, mang trong mình sức sống mãnh liệt, trường tồn; không chỉ hằn in trong trái tim, khối óc của cán bộ, chiến sĩ Quân đội mà còn đi sâu vào tiềm thức các thế hệ người dân Việt Nam.

Vừa mang ý nghĩa biểu tượng, vừa có giá trị giáo dục cao

Trên cơ sở giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta; đồng thời, nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thưởng thức văn học nghệ thuật của cán bộ, chiến sĩ, tạo sự thống nhất trong toàn quân về các bài hát tập thể, từ ngày 15-2-2019, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị đã triển khai thống nhất 15 bài hát quy định trong Quân đội nhân dân Việt Nam (trước đó là 10 ca khúc), gồm: Quốc tế ca, Tiến quân ca, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam, Vì Nhân dân quên mình, Chiến thắng Điện Biên, Tiến bước dưới quân kỳ, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Thanh niên làm theo lời Bác, Hát mãi khúc quân hành, Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Trái tim chiến sĩ, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Ước mơ chiến sĩ, Tổ quốc trong tim. Các ca khúc trên được phổ biến tới toàn thể sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân, viên chức quốc phòng và người lao động; học viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ thông qua việc tổ chức học hát, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, hội thi bình ca khúc cách mạng… lồng ghép vào thực tiễn hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

 Học viên Trường Sĩ quan Chính trị hăng say học các bài hát quy định trong Quân đội.

Học viên Trường Sĩ quan Chính trị hăng say học các bài hát quy định trong Quân đội.

15 nhạc phẩm nêu trên có tính đại diện rất cao, được cân nhắc, lựa chọn công phu trên tinh thần phát huy dân chủ tập thể; là sự kết tinh những gì tinh hoa, tinh túy nhất trong tâm hồn, tình cảm của người lính; phản ánh chân thực, sâu sắc đời sống, sinh hoạt, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Quân đội; được diễn đạt qua những ca từ dạt dào, sâu lắng… trở thành biểu tượng, động lực tinh thần, góp phần quan trọng thôi thúc, động viên cán bộ, chiến sĩ không ngừng phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, kiên cường, dũng cảm tiến lên phía trước để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Tổ quốc và Nhân dân giao phó.

Đi theo mỗi bước chân của Bộ đội Cụ Hồ, dù là lên giảng đường, ra thao trường, giữa đội ngũ điệp trùng, nơi trận tuyến cam go, giữa tâm bão, trong đại dịch, thiên tai, hỏa hoạn… từ bữa ăn đến giấc ngủ của bộ đội, đều miên man âm hưởng của các bài hát quy định. Cứ như vậy, những lời ca, tiếng hát đã khắc sâu vào tiềm thức của cán bộ, chiến sĩ Quân đội tự lúc nào mà không hề ai hay. Đây cũng chính là một trong những phương pháp giáo dục lịch sử truyền thống hiệu quả, được thực tiễn kiểm nghiệm, khẳng định ở cả quá khứ, hiện tại và sẽ còn nguyên giá trị trong tương lai.

Vị trí “bất khả xâm phạm”

Hiện nay, trước sự bùng nổ của nhiều dòng nhạc, cùng với đó là sự phát triển của công nghệ truyền thông, tạo điều kiện thuận lợi để khán thính giả cả nước nói chung, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nói riêng dễ dàng tiếp cận, thưởng thức đối với những ca khúc trong nước và ngoài nước, nhất là những “bản hit” đình đám “làm mưa làm gió” trên thị trường âm nhạc dù vừa mới ra đời.

Học viên Trường Sĩ quan Chính trị luyện tập cách bắt nhịp cho bộ đội hát các bài hát theo quy định trong Quân đội.

Học viên Trường Sĩ quan Chính trị luyện tập cách bắt nhịp cho bộ đội hát các bài hát theo quy định trong Quân đội.

Việc cán bộ, chiến sĩ Quân đội yêu thích những sản phẩm sáng tạo mới là điều không có gì khó hiểu, bởi tâm lý, sở thích, nhu cầu hưởng thụ âm nhạc của mỗi người là khác nhau. Và xét một cách tích cực, điều đó sẽ góp phần thúc đẩy nền văn học, nghệ thuật nước nhà phát triển, hội nhập với xu thế chung của quốc tế theo đúng định hướng của Đảng. Tuy nhiên, đối với những người lính, các bài hát quy định trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn có ý nghĩa hết sức thiêng liêng và giữ vị trí “bất khả xâm phạm”, thể hiện sự trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc của lớp người hôm nay đối với những cống hiến, hy sinh của các thế hệ ông cha.

Có lẽ, khi khi nghe hai chữ “quy định” trong cụm từ “15 bài hát quy định”, làm cho một số người hiểu chưa hết, dẫn đến lầm tưởng rằng, đó là sự khiên cưỡng, bắt buộc. Song, sự thật hoàn toàn không phải vậy. Bởi lẽ, Quân đội là môi trường đặc thù, đòi hỏi tính thống nhất cao trong mọi hoạt động. Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ, ngoài huấn luyện quân sự, học tập chính trị, rèn luyện thể lực… để có đủ phẩm chất, năng lực, sức khỏe… đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, thì việc học, hiểu, yêu quý và trân trọng các ca khúc quy định từ lâu đã trở thành “mệnh lệnh con tim”. Hay nói cách khác, việc học các bài hát quy định đã trở thành nhu cầu tự thân ở mỗi người, nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp; tiếp thu những nhân tố mới, hiện đại; từng bước hướng tới hoàn thiện nhân cách người quân nhân cách mạng theo tiêu chuẩn: Chân - thiện - mĩ.

Ở mọi điều kiện, hoàn cảnh, bằng tất cả niềm tự hào, không chỉ hôm nay mà mãi mãi mai sau, chúng tôi vẫn cất cao tiếng hát của lịch sử cha anh; không chỉ là “lính ta hát bộ đội ta nghe”, mà còn hát cùng đồng bào, hát với bạn bè quốc tế. Đúng như những gì cố nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền đã viết trong ca khúc Hát mãi khúc quân hành: “Đời mình là một khúc quân hành/Đời mình là bài ca chiến sĩ/Ta ca vang triền miên qua tháng ngày/Lượn bay trên núi đồi biên cương đến nơi đảo xa…”.

Học viên Tiểu đoàn 6, Trường Sĩ quan Chính trị luyện tập ca khúc "Hát mãi khúc quân hành".

Bài và ảnh: VŨ QUỐC-NGHIÊM TÚ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/quy-dinh-duoc-bo-doi-yeu-thich-nhat-743463