Một số bài thuốc chữa bệnh từ dê
Dê là một thực phẩm quý, là đặc sản trong ẩm thực của người Việt. Không chỉ ngon, bổ dưỡng mà dê còn là một vị thuốc quý trong Đông y.
Dê tên khoa học là Capra sp. Thuộc họ Sừng rỗng Bovidae.
Hầu như tất cả các bộ phận của con dê (sữa, thịt dê, tiết dê, gan, dạ dày, tinh hoàn…) được dùng làm thuốc. Có nơi nấu cao dê hoặc chỉ dùng xương, hoặc dùng cả thịt lẫn xương (chỉ bỏ ruột gan) để nấu cao dê toàn tính.
1. Công dụng và liều dùng
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, các bộ phận của dê có thể dùng làm thuốc như sau:
- Tiết dê (dương huyết): Máu dê vừa chảy ra cho ngay vào rượu 40 độ (1 phần tiết, 3-4 phần rượu), lắc đều. Ngày uống 20-40ml rượu này làm thuốc bổ huyết, chữa choáng váng, chóng mặt, nhức đầu, đau lưng, tăng cường sinh lý nam.
- Thịt dê(dương nhục): Thịt dê có vị ngọt, tính rất nóng, không độc, quy kinh tỳ, vị và can, có tác dụng trợ dương, bổ tinh huyết; dùng chữa ho lao thể dương hư, gầy yếu. Phụ nữ sau khi đẻ gầy yếu, khí hư, cạn sữa, huyết hôi có thể dùng dược.
Dùng thịt tươi nấu chín cùng với một số vị thuốc bắc như đương quy, nhân sâm, gừng. Mỗi ngày dùng từ 40 đến 60g.
- Gan dê(dương can) chữa những trường hợp can phong hư nhiệt, mắt mờ đỏ, sau khi khỏi sốt bị mờ mắt. Mỗi ngày ăn 30 - 60g nấu chín, dùng riêng hay phối hợp với một số vị thuốc khác.
- Tinh hoàn dê: Trị thận yếu, tinh hoạt. Ngày dùng 25-30g ngâm rượu uống.
- Dạ dày dê:Chữa gầy yếu, ăn vào bị nôn. Ngày uống 20-30g.
2. Một số đơn thuốc trị bệnh từ dê
- Chữa thiếu máu, hay đau bụng, gầy còm, hay đau mỏi lưng: Toàn con dê, mổ bỏ ruột, cạo lông, nấu với nước nhiều lần. Nước nấu được lọc trong, cô thành cao mềm (cao dê toàn tính). Ngày uống 5-10g.
- Chữa phụ nữ sau khi đẻ xong suy yếu, gầy còm, kém ăn, ít sữa: Đương quy 5g, sinh khương 10g, thịt dê 40g. Nấu chín kỹ, chia làm 2 lần ăn trong ngày.
- Chữa đau nhức xương:Thịt dê 100g, hoài sơn 100g, gạo tẻ một ít, nấu cháo thật nhừ ăn trong ngày.
- Bồi bổ toàn thân cho trẻ em, người già: Xương thịt dê non sấy khô, đậu đen, phục linh, rau má, mạch nha, ngải cứu, cám nếp, diêm sinh, phèn chua, tất cả tán nhỏ luyện với mật ong thành hoàn. Khoảng 10g/hoàn. Ngày dùng 1-2 hoàn.
3. Một số món ăn bài thuốc có gan dê
Theo TS. Nguyễn Đức Quang – Nguyên Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu thực nghiệm Viện Y học cổ truyền quân đội giới, một số món ăn - bài thuốc từ gan dê có tác dụng trị bệnh:
- Gan dê chần:Gan dê 1 bộ thái lát nhỏ để sẵn, pha nước chấm tương gừng mắm dấm để sẵn. Nhúng gan vào nước sôi vừa tái chín; ăn nóng với nước chấm.
Công dụng: Dùng tốt cho người nhìn mờ, thị lực giảm, sung huyết kết mạc, suy chức năng gan.
- Cháo hành nước cốt gan dê: Gan dê 1 bộ, gạo tẻ 100g. Gan thái lát, nấu hầm lấy nước. Gạo vo sạch nấu cháo, cháo chín cho thêm nước cốt gan dê, hành củ, gia vị mắm muối, đun lại cho sôi đều.
Công dụng: Món này rất tốt cho người bị giảm thị lực.
- Cháo gan dê cà rốt: Gan dê 150g, cà rốt 100g, gạo tẻ 100g. Gạo tẻ vo sạch nấu cháo. Cà rốt gọt vỏ thái lát cho vào cháo, đun nhỏ lửa 15 - 20 phút. Gan dê thái lát ngâm với rượu dấm gừng trong 10 - 15 phút, sau đó cho xào tái với hành tỏi (đun nhanh to lửa); cho gan dê vừa xào tái chín nóng vào cháo khuấy đều, thêm gia vị.
Công dụng: Dùng tốt cho người bị quáng gà mờ mắt giảm thị lực, suy nhược chức năng gan.
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết: Thịt dê là món ăn ngon của Việt Nam, nó cũng là một vị thuốc quý. Tuy nhiên bệnh nhân có cơ địa âm hư huyết nhiệt không nên dùng vì có thể gây chảy máu cam. Ngoài ra, sữa dê cũng là một thức uống bổ dưỡng, dễ dùng, nhiều tác dụng tốt, còn đẹp dung nhan...
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mot-so-bai-thuoc-chua-benh-tu-de-169230216115841201.htm