Một số bài thuốc chữa bệnh từ rễ cây đinh lăng

Nhắc tới cây đinh lăng nhiều người sẽ nghĩ ngay đến lá đinh lăng, nhưng rễ cây đinh lăng cũng là vị thuốc quý trong y học cổ truyền.

Đặc điểm của cây đinh lăng và tác dụng của rễ đinh lăng

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, cây đinh lăng tên khoa học là Polyscias fruticosa (L.) Harms, còn được gọi với tên nam dương sâm, thuộc họ gia bì. Chúng có một số đặc điểm như:

Thân nhỏ và nhẵn, không gai, cao khoảng 0,8 tới 1,5m.
Lá của chúng là dạng kép, phiến có răng cưa, xẻ lông chim dài và cuống dày.
Cả thân và lá đều mang mùi hương đặc trưng.

Loài cây này thường được trồng nhiều ở nước ta và nhiều công dụng, trong đó phần lá và rễ được dùng nhiều nhất. Nếu như lá cây đinh lăng có thể thu hoạch quanh năm, dùng làm thực phẩm thì rễ (hay củ) thường được thu hoạch khi cây đạt 4 tới 5 tuổi trở lên, bởi lúc này chúng chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe.

Thành phần trong rễ cây đinh lăng gồm các chất như saponin, alcohol, tanin, glucocid, vitamin B và một số loại axit amin như methonin, systein, lysin.

Tại Việt Nam, rễ của đinh lăng được Viện y học quân sự nghiên cứu và thử nghiệm trong các ứng dụng tăng cường sức khỏe cho cơ thể con người. Cụ thể, qua quá trình nghiên cứu, một số kết luận được đưa ra gồm:

- Lấy rễ để sắc lấy nước uống, có thể giúp cơ thể tăng sự dẻo dai. Tác dụng này của chúng tương tự như nhân sâm, song chỉ kéo dài trong một thời điểm nhất định và tích lũy với liều lượng nhất định.

- Nếu sử dụng 0,5ml dung dịch đinh lăng hàm lượng 100 - 200%/kg cơ thể để tiêm vào tĩnh mạch vành tai, có thể khiến cho huyết áp hạ.

- Nếu sử dụng 1ml/kg thể trọng với hàm lượng 100%, có thể khiến tử cung co bóp nhẹ.

- Viên bột tán từ rễ cây đinh lăng có thể giúp cho bộ đội hoặc vận động viên thể dục thể thao có thể tăng sức chịu đựng.

Rễ cây đinh lăng là một vị thuốc quý trong Y học cổ truyền

Rễ cây đinh lăng là một vị thuốc quý trong Y học cổ truyền

Các bài thuốc chữa bệnh từ rễ cây đinh lăng

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời BSCK2 Huỳnh Tấn Vũ, khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 3) cho biết, đinh lăng được dùng để chữa nhiều bệnh. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ rễ cây đinh lăng:

- Chữa mệt mỏi, biếng hoạt động: Rễ đinh lăng phơi khô, thái mỏng 0,5g, thêm 100ml nước, đun sôi trong 15 phút, chia 2-3 lần uống trong ngày.

- Thông tia sữa, căng vú sữa: Rễ đinh lăng 30-40g, thêm 500ml nước sắc còn 250ml. Uống nóng, liền 2-3 ngày, vú hết nhức, sữa chảy bình thường.

- Chữa liệt dương: Rễ đinh lăng, hoài sơn, ý dĩ, hoàng tinh, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn, cám nếp, mỗi vị 12g; trâu cổ, cao ban long, mỗi vị 8g, sa nhân 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Chữa viêm gan: Rễ đinh lăng 12g; nhân trần 20g; ý dĩ 16g; chi tử, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, xa tiền tử, ngũ gia bì, mỗi vị 12g; uất kim, nghệ, ngưu tất, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Chữa thiếu máu: Rễ đinh lăng, hà thủ ô, thục địa, hoàng tinh, mỗi vị 100g, tam thất 20g, tán bột, sắc uống ngày 100g bột hỗn hợp.

- Ho suyễn lâu năm: Lấy rễ đinh lăng, bách bộ, đậu săn, tang bạch bì, nghệ vàng, tần dày lá… mỗi vị 8g; xương bồ 6g; gừng khô 4g. Đổ 600ml sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.

Lưu ý: Theo BSCK2. Huỳnh Tấn Vũ, dùng rễ đinh lăng với liều cao, sẽ bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy.

Trên đây là các bài thuốc chữa bệnh từ rễ cây đinh lăng. Tuy nhiên đinh lăng là một vị thuốc nên khi có nhu cầu sử dụng đinh lăng để tăng cường sức khỏe hoặc chữa bệnh, bạn cần hỏi ý kiến và làm theo hướng dẫn từ chuyên gia y tế, không sử dụng một cách tùy tiện, tránh những hậu quả có thể gây ra cho sức khỏe bản thân.

Thanh Thanh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/mot-so-bai-thuoc-chua-benh-tu-re-cay-dinh-lang-ar891755.html