Một số bất cập về cơ chế đối với thị trường khí công nghiệp
Phát biểu tham luận tại Hội thảo 'Tiềm năng phát triển thị trường khí Việt Nam', Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước - Bộ Công Thương Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: 'Vẫn đang tồn tại một số bất cập về cơ chế kinh doanh khí cần sớm tháo gỡ'.
Mặt hàng khí được quy định là một trong nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện, theo đó 2 sản phẩm chủ yếu là khí thiên nhiên (khí thiên nhiên hóa lỏng - LNG; khí thiên nhiên nén - CNG) và khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG. Đáng lưu ý là các mặt hàng nêu trên hoạt động kinh doanh tại Việt Nam chỉ được điều chỉnh chủ yếu bởi các văn bản pháp lý ở cấp nghị định.
Hiện Luật Dầu khí và Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 quy định các hoạt động tìm kiếm thăm dò thăm dò và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ, vùng, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam có những nội dung chưa phù hợp với thực tế:
Cụ thể chỉ điều chỉnh khâu thượng nguồn như tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, chưa có nội dung điều chỉnh các khâu trung nguồn và hạ nguồn. Các hoạt động trung hạ nguồn được điều chỉnh chủ yếu qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Đặc biệt là chưa có quy định rõ ràng liên quan đến vấn đề chuyển nhượng quyền lợi, giá trong hợp đồng dầu khí. Bên cạnh đó, Hợp đồng dầu khí mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 33/2013/NĐ-CP gây khó khăn cho nhà thầu khi tuân thủ các quy định.
Trước năm 2009, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý kinh doanh LPG, vì vậy, hoạt động kinh doanh LPG trên thị trường đã phát sinh những mặt tiêu cực như gian lận thương mại, sang chiết nạp lậu, chiếm dụng vỏ bình trái phép, nhái nhãn hiệu, giả thương hiệu nhằm kiếm lợi bất chính gây bức xúc trong dư luận.
Về hình thức kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh LPG, LPG là mặt hàng kinh doanh có điều kiện được xác định tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006. Nhưng do được “thả nổi” nên bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia vào một hoặc tất cả các khâu liên quan đến hoạt động kinh doanh LPG nhưng không chịu sự kiểm tra, kiểm soát cũng như gắn trách nhiệm đối với hàng hóa và dịch vụ mình cung cấp.
Còn về giá LPG trên thị trường thì do các doanh nghiệp kinh doanh LPG có thể hoạt động trên tất cả các khâu trong từ xuất nhập khẩu, sang chiết, thiết lập hệ thống phân phối, bán lẻ… nên hiện tượng tranh mua, tranh bán diễn ra phổ biến. Vì vậy, giá LPG trên thị trường cả bán buôn và bán lẻ LPG đều không ổn định, không theo kịp diễn biến chung giá thế giới, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tích trữ LPG không được kiểm soát.
Đó là chưa kể do hệ thống phân phối trước bị ngắt quãng, chuỗi cung ứng từ khâu đầu nguồn đến tay người tiêu dùng không thông suốt, không gắn trách nhiệm của từng đối tượng thương nhân kinh doanh LPG nên việc đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ gặp rất nhiều khó khăn, xảy ra nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng đến tài sản và tính mạng của người dân.
Đến năm 2009, Nghị định 107/2009/NĐ-CP được ban hành, hệ thống văn bản pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh LPG đã được thiết lập tương đối đầy đủ nhằm giúp các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh LPG có cơ sở triển khai, áp dụng góp phần lớn đưa thị trường kinh doanh LPG vào nề nếp, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và xã hội, là cơ sở bước đầu giúp hình thành và phát triển thị trường LPG theo hướng bền vững và lành mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết: Sau 10 năm triển khai Nghị định 107/2009/NĐ-CP, đến Nghị định số 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí đã cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, nhiều vấn đề vướng mắc, bất hợp lý xuất hiện cần sớm xử lý trong thời gian tới. Cụ thể: Có khoảng trống pháp lý đối với loại hình thương nhân hoạt động dưới hình thức Tổng đại lý/đại lý kinh doanh LPG và thương nhân phân phối khí; điều kiện kinh doanh không đồng nhất, chồng chéo chưa gắn với bản chất hoạt động kinh doanh khí; còn có những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp (quy định lập sổ theo dõi vỏ chai LPG; cho thuê chai LPG…); thủ tục hành chính khó triển khai tại địa phương (thành phần hồ sơ cấp Giấy chứng nhận xung đột pháp lý với quy định về điều kiện).
Có thể thấy rằng, để lành mạnh hóa thị trường kinh doanh khí luôn cần sự tham gia đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt cần nhanh chóng sửa đổi các quy định pháp luật phù hợp mới có thể đảm bảo thị trường khí Việt Nam phát triển ổn định, hiệu quả.