Một số cửa biển bị bồi lấp ở Quảng Ngãi, hàng trăm tàu cá phải 'ly hương'
Tại Quảng Ngãi, hàng trăm tàu cá công suất lớn phải đi 'ở nhờ' nơi khác vì một số cửa biển như Cổ Lũy, Mỹ Á… bị bồi lấp nặng. Không những gây khó khăn cho hoạt động khai thác hải sản, tình trạng trên còn ảnh hưởng lĩnh vực hậu cần nghề cá.
Độ sâu giảm đến quá nửa
Từng là khu vực sầm uất, là nơi cả ngàn tàu thuyền của ngư dân địa phương và nhiều tỉnh, thành về bán hải sản, nhập nguyên nhiên liệu, nhưng vài năm gần đây, cửa biển Cổ Lũy (xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) lại khá đìu hiu. Những con tàu công suất lớn, khai thác xa bờ, đã vắng bóng, chỉ còn một số tàu nhỏ hoạt động gần bờ.
“Lâu nay luồng sông Phú Thọ cạn, cửa biển Cổ Lũy bị bồi lấp nghiêm trọng, tàu thuyền ra vào khai thác hải sản rất khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản”, ngư dân Trương Hoài Phong (ngụ xã Nghĩa An) phản ánh. Cửa biển bị bồi lấp, luồng sông cạn khiến tàu thuyền phải neo đậu ở cảng cá Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa hoặc các tỉnh bạn. Ông ước tính hiện xã Nghĩa An có hơn 300 tàu cá công suất lớn phải “ly hương”, không thể về neo đậu gần nhà.
Với ngư dân, thuyền là ngôi nhà thứ hai, nhưng nay phải gửi xa, vừa bất tiện nếu muốn về ngôi nhà trên bờ, vừa mất công sức trông coi tàu thuyền có thể trị giá đến nhiều tỷ đồng. Vì vậy, ngư dân địa phương mong muốn tỉnh sớm bố trí kinh phí nạo vét thông luồng cửa biển Cổ Lũy, triển khai giai đoạn 2 dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Cổ Lũy, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào cửa biển khai thác thủy sản.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, bà Phạm Thị Công xác nhận, ngư nghiệp là ngành nghề chủ yếu của địa phương. Toàn xã có hơn 700 tàu công suất trên 90CV. Khoảng 80% người dân sống bằng ngư nghiệp. Thời gian qua, cửa biển Cổ Lũy bị bồi lấp không chỉ gây khó khăn cho ngư dân có tàu cá, mà các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tại bến sông Phú Thọ cũng vì thế mà hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa, nhiều lao động không có việc làm.
Tương tự, luồng lạch ra vào khu neo trú và cảng cá Mỹ Á (phường Phổ Quang, TX Đức Phổ) bị bồi lấp nghiêm trọng cũng khiến tàu thuyền ra vào khó khăn, đối mặt nguy cơ mắc cạn, sóng đánh chìm.
Mỹ Á là một trong những cửa biển lớn của tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2011, tỉnh hoàn thành công trình xây dựng cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á giai đoạn 1, tổng kinh phí hơn 104 tỷ đồng. Sau đó, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2, tổng kinh phí gần 155 tỷ đồng.
Sau khi đưa vào khai thác, cửa biển Mỹ Á có hàng trăm tàu cá công suất lớn đánh bắt vùng biển xa của địa phương và các tỉnh lân cận tấp nập ra vào bốc dỡ thủy sản, mua sắm hậu cần, tránh trú bão. Nhưng niềm vui kéo dài chưa lâu thì luồng lạch ra vào đã bồi lấp ngày càng nặng. Thậm chí lúc trời yên biển lặng, thực phẩm nhiên liệu đã chuẩn bị đủ, nhiều tàu vẫn phải nằm bờ, chờ nước lớn.
Theo phản ánh, nếu như trước đây, luồng lạch ra vào cảng Mỹ Á sâu 4m, hiện tại chỉ còn khoảng 1,8m, vào chiều tối chỉ còn 0,5m. Thời gian qua, không ít tàu cá ra vào bị mắc cạn, bị sóng đánh chìm, gây thiệt hại lớn về tài sản. Khoảng 270 tàu cá công suất 200CV trở lên của ngư dân địa phương do luồng lạch quá cạn nên không thể vào cảng Mỹ Á, phải di chuyển đến các địa phương khác như Đà Nẵng, Quy Nhơn để bán hải sản và neo trú.
Cần nạo vét hàng năm
Báo cáo của Ban Quản lý cảng cá Mỹ Á cho thấy, do luồng ra vào cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển bị bồi lấp, nên số lượng tàu cá ra vào cảng mỗi năm giảm dần. Năm 2023, tàu cá ra vào giảm 1.116 lượt so với 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2024, chỉ có hơn 1.500 lượt tàu cá ra vào. Riêng tàu cá công suất lớn, khai thác xa bờ, hầu như không vào cảng. Các cơ sở hậu cần nghề cá tại khu vực cũng chịu chung cảnh đìu hiu.
Theo Phó Chủ tịch UBND TX Đức Phổ Trần Ngọc Sang, nguyên nhân cảng Mỹ Á bị bồi lấp ngày càng nặng, đặc biệt khu vực giáp biển, mực nước rất nông; là do tác động trực tiếp của bão, triều cường và dòng hải lưu, nhưng nhiều năm liền không được nạo vét. TX đã kiến nghị UBND tỉnh và Sở NN&PTNT sớm nghiên cứu, xem xét bố trí kinh phí nạo vét, thông luồng, nhằm tạo điều kiện cho tàu thuyền vào neo trú, nhất là mùa mưa bão đang đến gần.
Với cửa biển Cổ Lũy, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, ông Võ Quốc Hùng, ngoài các nguyên nhân bồi lấp theo quy luật tự nhiên của các vùng cửa sông, ven biển, ở cửa biển Cổ Lũy còn có nguyên nhân do các năm gần đây không có những trận lũ lớn trên sông chính Trà Khúc và sông Vệ, không thể phá vỡ, cuốn trôi cồn cát bồi tụ. Giải pháp đưa ra là cần nạo vét hàng năm mới bảo đảm duy trì được luồng cho tàu ra vào thuận lợi.
Theo Sở NN&PTNT, những năm qua, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cảng cá Sa Huỳnh (TX Đức Phổ), cảng cá Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) và 3 cảng neo trú tàu thuyền ở xã Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi), huyện Lý Sơn, Mỹ Á (TX Đức Phổ). Các công trình này đã đem lại những lợi ích thiết thực, tạo nơi neo đậu tránh trú bão an toàn cho tàu cá, cung cấp các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, tiêu thụ sản phẩm đánh bắt của ngư dân, góp phần phát triển kinh tế của các địa phương ven biển.
Tuy nhiên, 3 khu neo đậu nói trên chỉ đáp ứng được hơn 30% lượng tàu cá toàn tỉnh. Vì vậy, nhiều tàu cá trên địa bàn tỉnh phải neo đậu tại bến tư nhân hoặc dọc theo các dòng sông. Đồng thời, hạ tầng các cảng cá còn hạn chế nên nhiều tàu thuyền công suất lớn của tỉnh sau khi vươn khơi không về cảng trong tỉnh để bán hải sản mà tập trung ở cảng cá các tỉnh lân cận. Từ đó, dịch vụ hậu cần cảng cá trong tỉnh kém phát triển.
Để phát huy hiệu quả hoạt động các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão, Sở NN&PTNT đã kiến nghị cấp trên quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hoàn thiện các cảng cá và khu neo đậu trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch. Từ đó, thu hút ngư dân đưa tàu về tỉnh bán hải sản, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp nguyên liệu cho các DN chế biến, đem lại nguồn thu, tạo việc làm cho người dân địa phương.