Một số địa phương miền Trung, miền Tây: Thời tiết thất thường, nông dân thất thần

Mưa lớn kéo dài suốt nhiều tháng qua đã khiến diện tích lớn hoa màu ở Đà Nẵng, Quảng Nam bị ngập, thiệt hại nặng nề; nhiều vùng lúa vụ đông xuân hư hỏng do mưa lạnh kéo dài. Trong khi đó, thủ phủ hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) đối diện tình trạng lỗ nặng do hoa có thể nở sớm hoặc sau Tết Ất Tỵ 2025.

Thất thu hoa màu

Những ngày này, nhiều nông dân tại vùng trồng rau La Hường (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), vùng trồng rau lớn nhất TP Đà Nẵng với diện tích gần 10ha, bắt đầu xuống giống sau khi hoa màu vụ vừa rồi bị hư hại gần hết do mưa, lạnh kéo dài. Ông Mai Văn Phu (trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, làm nông hơn 50 năm) có khoảng 5 sào trồng súp lơ xanh, thường trồng trong khoảng 2 tháng 10 ngày. Trong đợt mưa vừa rồi, nước sông Cẩm Lệ dâng cao, đa số diện tích đất tại vùng rau này bị ngập úng. Chỗ nào không ngập, mưa lớn nhiều ngày cũng làm cây bị thối rễ. Thời gian này năm trước, gia đình ông Phu bắt đầu thu hoạch rau bán dịp trước tết, nhưng năm nay rau hư hết.

Theo ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn La Hường, hoa màu của các hộ nông dân chịu nhiều thiệt hại do thời tiết xấu. Sản lượng rau cung cấp cho thị trường giảm hơn một nửa. Một số loại rau quả như ớt chuông, ớt xanh, cà chua... không có để bán. Nhiều hộ nông dân đã xuống giống trồng những loại cây ngắn ngày như cải, xà lách, rau tần ô non... với hy vọng gỡ gạc, kịp thu hoạch bán tết.

Mưa lớn thất thường thời gian qua cũng làm cho nông dân trồng lúa ở huyện Hòa Vang “khóc ròng” vì xuống giống mấy lần đều bị hư hại. Chị Nguyễn Thị Thu (trú thôn Tây An, xã Hòa Châu) đang dặm lại đám ruộng mới sạ, cho biết, chị sạ 2 sào ruộng vào mùng 10 âm lịch thì mưa lớn làm mất trắng. Nay mưa đã ngớt, chị tiếp tục ngâm giống để chuẩn bị xuống giống lần thứ 3. Ở nhiều cánh đồng khác của Hòa Vang, ngoài bị hư hại do mưa kéo dài, diện tích lớn lúa mới gieo sạ bị chuột và ốc bươu cắn phá. Đi dọc các cánh đồng trải dài từ các xã Hòa Châu, Hòa Khương, Hòa Phong, đâu đâu cũng thấy cảnh người dân vừa lo dặm lúa vừa lo diệt chuột, ốc bươu.

Mưa lớn thời gian qua cũng khiến nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Nam đảo lộn lịch gieo sạ lúa cũng như các cây trồng vụ đông xuân. Gần 100ha lúa thương phẩm và bán giống của HTX Nông nghiệp Bình Đào còn ngập dù được khơi thông mương thoát nước. Ông Võ Tấn Sanh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào (xã Bình Đào, huyện Thăng Bình), sốt ruột, hiện HTX đã làm đất đúng theo kế hoạch đề ra, theo lịch của tỉnh thông báo thì ngày 1-1 sẽ xuống giống đồng loạt. Tuy nhiên, các đồng ruộng còn ngập do mưa lớn nên việc ngâm giống bị hoãn. Nhiều cây trồng như đậu phộng, bắp, dưa leo... đầu tháng 12 đã xuống giống thì nay phải kéo dài thời gian. Bà Lý Thị Tình (trú phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn) lo lắng, việc gieo hạt đậu phộng giống trên diện tích 2 sào của gia đình phải dừng lại, chờ mưa tạnh.

Nông dân trồng hoa lo mất tết

Những ngày qua, tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, trời lạnh và mưa trái mùa kéo dài khiến nhiều loại hoa kiểng có nguy cơ trổ bông, cho trái không đúng dịp Tết Nguyên đán 2025. Hàng trăm nông dân, nhà vườn đang lo mất tết.

 Nông dân làng hoa Sa Đéc chăm sóc cúc mâm xôi Hàn Quốc để cung ứng thị trường tết. Ảnh: THÀNH NHƠN

Nông dân làng hoa Sa Đéc chăm sóc cúc mâm xôi Hàn Quốc để cung ứng thị trường tết. Ảnh: THÀNH NHƠN

Tại vùng trồng hoa tập trung ở TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) như: Tân Khánh Đông, An Hòa, Tân Quy Đông, rất nhiều vườn hoa cúc mâm xôi đang muốn… “đón tết sớm”. Hơn 1 tuần qua, sắc tím đỏ vàng đã rực rỡ vườn cúc mâm xôi Hàn Quốc của anh Đặng Hòa Bình (phường An Hòa). Gần đây do mưa lớn kéo dài, rất nhiều nụ hoa ngậm nước đã bung nở sớm. Áng chừng, có hơn 2/3 giỏ hoa trong tổng số 1.500 giỏ hoa của vườn anh Bình đã bung cánh. Gia đình anh đang cố gắng chăm sóc để hoa nở chậm và bán cho các đơn vị thi công trang trí đường hoa, cơ quan từ giữa tháng Chạp. Dù vậy, doanh thu từ vườn hoa năm nay chắc giảm đáng kể.

Nhiều nhà vườn trồng cúc mâm xôi khác ở Sa Đéc lại lo hoa nở chậm, với ước tính khoảng 10% trên tổng số lượng giỏ hoa có nguy cơ nở sau tết. “Mọi năm, thời điểm này, nụ hoa cúc mâm xôi chớm vàng. Năm nay, thời tiết lạnh, cả vườn hoa của tôi vẫn còn xanh. Khoảng 1 tuần nữa, nếu hoa không bung nụ, gia đình tôi có nguy cơ mất tết”, ông Nguyễn Văn Hoàng, chủ vườn hoa cúc truyền thống ở xã Tân Khánh Đông, lo lắng.

Theo Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, diện tích hoa kiểng tết năm nay duy trì ở mức 100ha với khoảng 2 triệu giỏ hoa các loại. Ngoài các giống hoa truyền thống, năm nay, nông dân trồng thêm các giống hoa chất lượng cao, có tiềm năng xuất khẩu. Nhiều giống hoa độc lạ như: cúc nhiều màu, cúc pingpong, cúc pico, cẩm chướng để bàn… được thương lái gom mua với giá cao.

Tại tỉnh Hậu Giang, huyện Châu Thành là vùng có số lượng trồng mai nhiều nhất. Nhiều nhà vườn ở đây cho biết, một số vườn mai kiểng bung nụ sớm do gần đây có mưa trái mùa xuất hiện. Riêng hoa kiểng tết, dự kiến nông dân cung ứng khoảng 980.000 chậu hoa các loại, giảm 11% so với cùng kỳ.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp hướng dẫn người sản xuất thực hiện những biện pháp cụ thể. Trường hợp mưa kéo dài, bà con cần kéo dài thời vụ gieo sạ so với thời vụ chung của tỉnh. Lưu ý chỉ sử dụng nhóm ngắn ngày (dưới 105 ngày) để gieo sạ. Đối với giống đã ngâm, ủ thì kéo dài thời gian sạ bằng cách trải đều giống ra nong, nia... chờ đến khi nước xuống thì gieo sạ, tránh vãi giống lúc đang mưa sẽ làm hư hỏng và trôi giống. Còn đối với cây rau, màu thì chống ngập úng, ủ ấm gốc…

XUÂN QUỲNH - NGUYỄN CƯỜNG - THÀNH NHƠN - VĨNH TƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mot-so-dia-phuong-mien-trung-mien-tay-thoi-tiet-that-thuong-nong-dan-that-than-post776201.html