Một số diện tích đất sản xuất bị đất đá từ các bãi thải dự án điện gió bồi lấp
Do mưa lớn liên tục thời gian vừa qua nên lượng lớn đất đá ở bãi thải của các dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa trôi tràn xuống, vùi lấp nhiều diện tích ruộng lúa, hồ nuôi cá và đất sản xuất của người dân. Mặc dù, trước đó tỉnh Quảng Trị đã có nhiều văn bản đề nghị các dự án điện gió khẩn trương gia cố các bãi thải, tuy nhiên, nhiều nơi chỉ làm cho có chứ không đảm bảo.
Gia đình chị Hồ Thị Lam ở thôn Ta Núc, xã Húc, huyện Hướng Hóa có gần 10 thửa ruộng và 1 hồ nuôi cá ở 2 địa điểm. Sau các đợt mưa lớn vừa qua, toàn bộ các thửa ruộng này và hồ cá của gia đình chị đều bị bồi lấp. Hồ nuôi cá gần như san phẳng bởi đá và bùn; ruộng lúa cũng bị vùi lấp, chỉ còn thấy vài ngọn lúa. “Gia đình tôi dồn tất cả vốn liếng tích góp được để đầu tư vào hồ nuôi cá và mấy thửa ruộng này. Chưa thu hoạch được gì, mà nay bị lấp hết rồi. Giờ có muốn khôi phục lại cũng khó vì mùa mưa vẫn còn kéo dài, nếu mưa lớn, đất đá rồi cũng tràn xuống thôi”, chị Lam chia sẻ.
Có chút may mắn hơn hộ chị Hồ Thị Lam, gia đình bà Hồ Thị Rơm ở thôn Ta Núc, xã Húc làm 3 sào ruộng ngay dưới chân các cột điện gió. Sau mưa lớn liên tục, 2/3 diện tích ruộng lúa của gia đình bà Rơm bị bồi lấp. Còn một thửa nhỏ vẫn canh tác được. “Mưa xong ruộng bị lấp gần hết rồi, toàn đất đá và rác thải phía trên bãi đất điện gió tràn xuống. Giờ hết mưa nên tôi tận dụng tuốt phần lúa còn lại để đem về xay cho gà ăn, chứ lúa này cũng đã hỏng hết”, bà Hồ Thị Rơm cho biết.
Tại xã Húc, thông tin từ chính quyền địa phương cho biết, nhiều diện tích đất sản xuất của người dân ở 4 thôn Ta Núc, Húc Thượng, Tà Ri 2 và Ván Ri bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguyên nhân là do mưa lớn liên tục nhiều ngày, trong khi các bãi thải của các dự án Nhà máy điện gió Hoàng Hải (thuộc Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Hoàng Hải Quảng Trị) và Nhà máy điện gió Tài Tâm (thuộc Công ty TNHH MTV đầu tư năng lượng Tài Tâm Quảng Trị) chưa được lu lèn, gia cố kỹ lưỡng nên dẫn đến lượng lớn đất đá từ các bãi thải này trôi xuống, vùi lấp phần lớn diện tích ruộng lúa, hồ nuôi cá của người dân sống gần khu vực có dự án điện gió. Theo quan sát của chúng tôi, các diện tích đất sản xuất của người dân bị đất đá, bùn lầy vùi lấp không thể canh tác được, một số diện tích lúa bị bồi lấp nhẹ thì lúa cho năng suất rất thấp.
Chủ tịch UBND xã Húc Hồ Văn Ka Rai cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang rà soát, nắm thông tin cụ thể về việc ruộng lúa người dân bị đất đá từ các bãi thải dự án điện gió vùi lấp. Còn việc thống kê cụ thể diện tích ảnh hưởng sẽ được tiến hành ngay sau khi đợt cao điểm mưa lũ này đi qua. Trong thời gian này, dự báo còn nhiều đợt mưa lớn nữa nên nếu có thống kê thiệt hại bây giờ thì cũng không chính xác. Sau khi thống kê được diện tích đất sản xuất bị ảnh hưởng, xã sẽ tham mưu UBND huyện Hướng Hóa làm việc với các dự án điện gió để có chính sách hỗ trợ cho Nhân dân”.
Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Hướng Hóa có 18 dự án điện gió đang “chạy đua” kịp đóng điện trước ngày 1/11/2021 để hưởng giá FIT (giá ưu đãi). Cho nên, các dự án này tập trung cho việc thi công gấp rút, dẫn đến nhiều bãi thải đất đào đặt trụ tuabin, chân và mái taluy chưa được gia cố, lu lèn đảm bảo. Chỉ cần một trận mưa là lượng lớn đất đá sạt trượt, đổ thẳng xuống phía đất sản xuất của người dân. Trước tình trạng này, UBND huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thống kê diện tích đất của người dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, đề nghị các dự án điện gió bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất sản xuất bị ảnh hưởng do bồi lấp đất từ các bãi thải điện gió để khôi phục sản xuất cho bà con.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, huyện đã chỉ đạo các địa phương có ruộng lúa của người dân bị bồi lấp từ các bãi thải điện gió sớm rà soát, thống kê diện tích ảnh hưởng để phối hợp với các chủ đầu tư có chính sách hỗ trợ cho các hộ này. Huyện cũng đôn đốc các công ty điện gió tại xã Húc sớm triển khai các phương án phòng, chống sạt lở như: Làm mương thoát nước, gia cố chân bãi thải bằng rọ đá, san gạt đất tạo thành các bậc thang và lu lèn đầm chặt kết hợp trồng cỏ và phủ bạt chống xói lở tạm thời trên mái dốc nhằm hạn chế việc trôi sạt đất ảnh hưởng tới việc sản xuất của người dân.
Được biết, tại huyện Hướng Hóa có 12 xã, thị trấn có công trình điện gió đang thi công. Trong đó, vùng có nguy cơ rất cao chịu ảnh hưởng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét từ các dự án điện gió gồm 12 thôn của 6 xã, thị trấn với 147 hộ/670 nhân khẩu. Mùa mưa lũ đã đến, dự báo thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đón nhận các đợt mưa lớn liên tục nhiều ngày. Nếu lượng đất, đá từ bãi thải của các dự án điện gió ở xã Húc nói riêng và các dự án đang triển khai trên địa bàn huyện Hướng Hóa nói chung không được xử lý kịp thời thì với hàng nghìn mét khối đất, đá trên cao sẽ là mối nguy hiểm khôn lường đang chực chờ vùi lấp diện tích đất sản xuất của người dân ở chân bãi thải.