Một số đồ uống, thực phẩm xuất sang EU được miễn kiểm tra tại cửa khẩu

Các sản phẩm bánh, kẹo, các loại ngũ cốc rang, chiết suất, tinh chất cà phê, chè, soup miso xuất khẩu sang EU sẽ được miễn kiểm tra tại cửa khẩu, bắt đầu từ 21/9/2023.

EU miễn kiểm tra tại cửa khẩu với một số đồ uống và thực phẩm từ 21/9/2023.

EU miễn kiểm tra tại cửa khẩu với một số đồ uống và thực phẩm từ 21/9/2023.

Nguồn tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, Luxembourg và EU cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông báo về miễn kiểm tra tại cửa khẩu đối với một số sản phẩm đồ uống, thực phẩm, bánh kẹo.

Cụ thể, Ủy ban châu Âu đã công bố Quy định được ủy quyền công bố số 2023/1674 ngày 19/6/2023, sửa đổi Quy định được ủy quyền (EU) 2021/630 liên quan đến một số chênh lệch và chế phẩm làm đồ uống có chứa ca cao, một số thực phẩm chế biến từ ngũ cốc hoặc các sản phẩm ngũ cốc, một số thực phẩm chế biến sẵn làm từ gạo và các loại ngũ cốc khác, một số loại khoai tây chiên và khoai tây chiên giòn và một số loại nước sốt, gia vị thuộc danh mục sản phẩm tổng hợp được miễn kiểm soát chính thức tại các trạm kiểm soát biên giới và sửa đổi Phụ lục I và III của Quy định được ủy quyền (EU) 2019/2122.

Theo đó, EU quy định bắt buộc kiểm tra tại cửa khẩu nhiều mặt hàng thịt, sữa, mỳ pasta, rau.... Các sản phẩm này được quy định tại điều 2 của Quy định ủy quyền.

Tuy nhiên, một số sản phẩm có thể được miễn kiểm tra nếu đáp ứng các điều kiện tại Điều 3(1), điểm (a), của Quy định (EU) 2021/630 bao gồm bánh, kẹo, các loại ngũ cốc rang, chiết suất, tinh chất cà phê, chè, soup miso..... Các sản phẩm được miễn kiểm tra được quy định tại Phụ lục.

Quy định có hiệu lực từ 21/9/2023.

Là thị trường có nhu cầu lớn về thực phẩm và đồ uống nhưng EU cũng nằm trong nhóm có tiêu chuẩn quản lý thực phẩm nhập khẩu cao nhất thế giới.

Ngoài thủ tục hải quan, hầu hết mọi yêu cầu bắt buộc của EU đối với sản phẩm thực vật nhập khẩu (bao gồm cả rau quả) đều có liên quan đến an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật.

EU có quy tắc rất chi tiết và chặt chẽ để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, sức khỏe động thực vật và môi trường. Tất cả các nước muốn xuất khẩu sản phẩm thực phẩm sang EU đều phải đáp ứng yêu cầu theo quy định. Nếu không tuân thủ yêu cầu, bất kỳ sản phẩm thực phẩm nào cũng không được phép nhập khẩu vào EU.

Những năm gần đây, EU thường xuyên sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm. Nếu không kịp thời nắm bắt những yêu cầu của EU đối với an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật, hàng hóa xuất khẩu sang EU có thể không đáp ứng tuân thủ quy định hoặc bị từ chối nhập khẩu, một số mặt hàng còn bị đưa vào danh mục sản phẩm cần kiểm soát đặc biệt của EU.

EU cũng tăng cường áp dụng hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường/khí hậu, phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường luật hóa, tiêu chuẩn hóa và giám sát việc thực thi cam kết đã được lồng ghép vào FTA để bảo vệ người tiêu dùng.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang EU 170 triệu USD các sản phẩm bánh kẹo và ngũ cốc, tăng trưởng 51,5% so với 2021, hạt điều gần 600 triệu USD, gần 190 triệu USD hàng rau quả, xuất khẩu cà phê gần 1,5 tỷ USD..

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/mot-so-do-uong-thuc-pham-xuat-sang-eu-duoc-mien-kiem-tra-tai-cua-khau-d197955.html