Một số giải pháp khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp Việt Nam
Cục Quản lý Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị một số giải pháp khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần tại doanh nghiệp Việt Nam.
Hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài nói chung đã giúp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện thu hút đầu tư, góp phần chuyển dịch dòng đầu tư đến cơ hội tốt hơn. Để nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút nguồn vốn này trong thời gian tới, cần có các giải pháp khuyến khích hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp Việt Nam, tạo thêm nhiều động lực phát triển nội lực doanh nghiệp và phát triển kinh tế.
Trong gần 4 thập kỷ kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam được xem là hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao. Ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ nguồn vốn đầu tư tại Việt Nam, vẫn xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với những lợi thế về địa lý, thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện.
Thời gian qua, hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài nói chung đã giúp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện thu hút đầu tư, góp phần chuyển dịch dòng đầu tư đến cơ hội tốt hơn.
Thực tế cho thấy, việc nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa các kênh thu hút vốn đầu tư, góp phần không nhỏ vào việc tái cấu trúc, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường.
Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này, Chính phủ đã có nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, góp vốn vào nhiều doanh nghiệp Việt Nam hơn, tạo thêm nhiều động lực phát triển nội lực doanh nghiệp và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới, đã đến lúc Việt Nam nhìn nhận lại chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài nói chung, cũng như nguồn vốn FDI và vốn gián tiếp để thích nghi hơn với bối cảnh mới, khi chính sách ưu đãi lớn cho nhà đầu tư như thuế sắp không còn tác dụng và cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các nước ngày càng gay gắt hơn.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh có phần chậm lại. Vì vậy, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh khuyến nghị, trong thời gian tới, cần xem xét thêm một số giải pháp sau để tăng cường thuận lợi hơn nữa các hoạt động thu hút và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nói chung, cũng như góp vốn mua cổ phần trong doanh nghiệp nội.
Trước hết tiếp tục hoàn thiện về thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, xóa bỏ hoàn toàn chi phí không chính thức; thống nhất các quy định trước khi ban hành để tránh gây ra các quy định chồng chéo, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ để tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam, phục vụ mục tiêu kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách ưu tiên những ngành, nghề, lĩnh vực có khả năng tạo ra các “ngoại ứng tích cực cho nền kinh tế”; tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên như: công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đầu tư cho con người (y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo); logistic; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0… để thu hút rộng rãi nhà đầu tư nước ngoài trong việc tham gia đầu tư, góp vốn tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Hiếu Phương/kinhtevadubao.vn