Một số giáo viên vẫn chưa hiểu rõ tinh thần của đề thi tham khảo môn Ngữ văn?

Ngày 18/10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 18 đề thi tham khảo kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, trong đó có môn Ngữ văn.

Chia sẻ với người viết, nhiều giáo viên dạy môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông tỏ ra băn khoăn, lo lắng và có ý kiến cho rằng đề thi chính thức có thể thay đổi cấu trúc.

Cụ thể, giáo viên cho biết, số điểm câu nghị luận văn học 2 điểm có thể tăng lên 4 điểm và câu nghị luận xã hội có thể giảm từ 4 điểm xuống 2 điểm.

Hay nói cách khác, câu nghị luận văn học có thể yêu cầu viết bài văn khoảng 600 chữ và câu nghị luận xã hội có thể yêu cầu viết đoạn văn khoảng 200 chữ.

Tuy vậy, quan điểm cá nhân người viết (tổ trưởng chuyên môn tổ Ngữ văn một trường trung học phổ thông) cho rằng, các thầy cô giáo đang có tình trạng lo lắng thái quá, không có chuyện đề thi chính thức sẽ thay đổi cấu trúc so với đề thi tham khảo ở lần thứ hai này.

So sánh cấu trúc đề thi tham khảo môn Ngữ văn công bố 18/10/2024 và đề công bố tháng 12/2023

 Đề tham khảo môn Ngữ văn ngày 18/10 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đề tham khảo môn Ngữ văn ngày 18/10 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phân tích nội dung bảng so sánh cho thấy, đề tham khảo lần thứ hai có nhiều ưu điểm so với đề minh họa công bố vào tháng 12/2023

Thứ nhất, về hình thức, nội dung đề tham khảo lần thứ hai được in gọn trên một trang giấy, tương tự đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2024 trở về trước.

Nội dung đề chỉ có một ngữ liệu ở phần Đọc hiểu, rất gọn gàng, điều này giúp học sinh có thêm thời gian đọc đề, làm nháp và làm bài kĩ càng, sâu sắc trong thời gian 120 phút.

Thứ hai, các câu hỏi phần Đọc hiểu không nặng về đặc trưng thể loại mà có độ mở khá lớn. Học sinh không thể trả lời máy móc, cảm tính mà phải có khả năng giải mã nội dung văn bản thì mới có thể đạt trọn điểm.

Phần đọc hiểu đã có sự phân hóa học sinh rất rõ ràng là một trong những ưu điểm so với các đề thi trước đây. Học sinh có học lực trung bình, yếu có thể đạt 2-3 điểm/4 điểm.

Điều băn khoăn, theo đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, câu 3, 4, 5 có thang điểm là 1,0. Tuy nhiên, câu 5 yêu cầu học sinh trình bày 5-7 dòng còn câu 3, 4 thì không có ghi chú gì. Nếu học sinh trả lời sơ sài hoặc không đủ ý thì có thể sẽ mất từ 0,25 đến 0,5 điểm/câu.

Thứ ba, đáng nói, phần Viết, câu nghị luận văn học yêu cầu viết đoạn văn khoảng 200 chữ (thay vì có thể yêu cầu viết bài như đề tham khảo lần thứ nhất) cho thấy ban ra đề tham khảo lần thứ hai đã cầu thị, lắng nghe tiếng nói của giáo viên từ cơ sở để điều chỉnh nội dung đề hợp tình hợp lí.

Ngay từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề tham khảo lần thứ nhất, trên diễn đàn của Tạp chí điện từ Giáo dục Việt Nam, người viết đã bày tỏ sự băn khoăn vì nội dung đề còn ôm đồm và phần nào cho thấy sự bất hợp lí đối với học sinh đại trà.

Người viết từng nêu ý kiến, văn chương không thuộc về số đông - kể cả giáo viên dạy môn Ngữ văn - cho nên, yêu cầu học sinh viết bài nghị luận văn học phân tích một tác thơ, văn xuôi ngoài sách giáo khoa, học sinh chưa từng đọc/học là rất khó với các em.

Vì vậy, người viết đề xuất nên chú trọng nghị luận xã hội trong đề thi. Học sinh sau khi ra trường rất cần nghị luận xã hội để bày tỏ chính kiến, nêu quan điểm,... chứ không cần phân tích, bình văn thơ - đây là công việc của giáo viên dạy Văn, sinh viên chuyên ngành hoặc các nhà nghiên cứu phê bình văn học.

Có thể khẳng định, mỗi khi giáo viên còn băn khoăn, không rõ cơ cấu điểm ở câu nghị luận văn học và câu nghị luận xã hội có thể hoán đổi hay không thì việc dạy và ôn tập cho học sinh sẽ dàn trải, các em phải chịu rất nhiều áp lực của kì thi này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/mot-so-giao-vien-van-chua-hieu-ro-tinh-than-cua-de-thi-tham-khao-mon-ngu-van-post246363.gd