Một số khu vực ở Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức có hại cho sức khỏe

Sáng 12-2, chất lượng không khí tại một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội ô nhiễm ở mức 4/5 của thang đo chỉ số chất lượng không khí. Chỉ số AQI vượt ngưỡng 201, ở mức có hại cho sức khỏe người dân.

Cụ thể, số liệu trên trang moitruongthudo.vn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đo lúc 9h cho thấy, tại khu vực phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) chất lượng không khí ở mức rất xấu, chỉ số AQI là 207; khu vực xã Vân Hà (huyện Đông Anh) là 185; xã An Khánh (huyện Hoài Đức) là 171; thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) là 164; thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) là 158. Các khu vực khác, chất lượng không khí ở mức kém, chỉ số AQI dao động từ 132 đến 145.

Tương tự, trên trang cem.gov.vn của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cùng thời gian trên cũng có kết quả khá tương đồng. Trong đó, khu vực Đại học Bách khoa Hà Nội (phía đường Giải Phóng), chất lượng không khí ở ngưỡng rất xấu, chỉ số AQI là 231; khu vực số 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) ở mức xấu, chỉ số AQI là 193; khu vực công viên Nhân Chính (đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân), chỉ số AQI là 170.

Theo các chuyên gia môi trường, ô nhiễm không khí vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ô nhiễm bụi mịn tại các đô thị lớn như Hà Nội. Những ngày qua, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đang ở trong giai đoạn giao mùa, không khí lạnh tăng cường, khiến lượng nhiệt mặt đất nhận được từ mặt trời rất ít. Vào ban đêm và sáng sớm, mặt đất bị lạnh đi nhanh, xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, lớp không khí dưới đất lạnh hơn không khí bên trên. Đây là hiện tượng phân tầng ổn định, làm cho không khí nặng hơn không thể chuyển động lên phía trên. Sương mù vào đêm và sáng sớm làm lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí cũng là nguyên nhân khiến chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao.

Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo cộng đồng các biện pháp bảo vệ sức khỏe trước ảnh hưởng của ô nhiễm không khí. Người dân có các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu đến rất xấu (151-300), đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà. Tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao; nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.

Đối với những người nhạy cảm và có bệnh lý nền tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Mọi người dân theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Hoàng Văn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mot-so-khu-vuc-o-ha-noi-o-nhiem-khong-khi-o-muc-co-hai-cho-suc-khoe-692949.html