Một số kinh nghiệm của Quảng Ninh trong thu hút FDI
Bên cạnh thúc đẩy cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh Quảng Ninh còn ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nằm ở địa đầu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh là tỉnh có các điều kiện về tự nhiên, xã hội đa dạng và phong phú, được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, với diện tích đất liền trên 6.000 km2 và diện tích mặt biển tương đương với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh riêng.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã kế thừa, đổi mới, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững với đà tăng trưởng hai con số trong sáu năm liên tiếp (2016 – 2021), kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được hoàn thiện đồng bộ, hiện đại tạo thành lợi thế nổi trội của tỉnh trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.
Thông tin này được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài mới đây.
Cụ thể, thứ nhất, Quảng Ninh là địa phương duy nhất của cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, cùng với hệ thống hạ tầng cửa khẩu, cảng biển đang dần được hoàn thiện.
Đây là nền tảng để thúc đẩy phát triển thương mại biên mậu, khu vực trung chuyển, giao lưu hàng hóa, khoa học công nghệ lớn giữa Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và Đông Nam Á.
Thứ hai, Quảng Ninh đang từng bước xây dựng, hoàn thiện khai thác tốt hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng đa dạng, đặc sắc, hiện đại, cao cấp như khu du lịch quốc tế, sân golf Tuần Châu; khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử; khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Hạ Long ...
Đồng thời, với diện tích vùng biển, hải đảo rộng và đường bờ biển dài 250km cung cấp nguồn tài nguyên biển phong phú, nguồn lợi thủy sản dồi dào, Quảng Ninh có tiềm năng nổi trội trong phát triển kinh tế biển và hệ thống cảng biển.
Hạ tầng cảng biển và cảng đường thủy nội địa Cảng biển Quảng Ninh thuộc Nhóm cảng biển phía Bắc (nhóm 1) là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, đạt loại I; hiện có bốn khu cảng biển đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và khách du lịch...
Thứ ba, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Quảng Ninh dần được đầu tư đồng bộ, hiện đại và có bước phát triển đột phá, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng và hợp tác quốc tế với các công trình động lực kết nối đường bộ, đường thủy và đường không (trong đó rất nhiều công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách).
Mới đây, Quảng Ninh đã khánh thành đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, nâng tổng chiều dài đường cao tốc của tỉnh Quảng Ninh thành 176km (chiếm 16% tổng chiều dài cao tốc của cả nước), rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hạ Long chỉ còn lại 1,5 giờ, và đến thành phố Móng Cái (cửa khẩu quốc tế của tỉnh Quảng Ninh) chỉ còn 3 giờ di chuyển; hoàn thành tuyến giao thông trọng điểm kết nối ba cửa khẩu quốc tế quan trọng nhất khu vực miền Bắc là Lào Cai, Hữu Nghị và Móng Cái.
Điều này đã góp phần đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược quan trọng khu vực Đông Á – Đông Nam Á, ASEAN – Trung Quốc, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng.
Thứ tư, bên cạnh hệ thống hạ tầng cứng, hệ thống hạ tầng mềm cũng được tỉnh ưu tiên hoàn thiện. Trường Đại học Hạ Long được đầu tư, xây dựng, từng bước trở thành trung tâm đào tạo, thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và khu vực.
Quảng Ninh có lực lượng lao động trẻ (51% lực lượng lao động có độ tuổi 15 đến 39) và có trình độ giáo dục ở mức cao (38,3% có bằng đại học và sau đại học).
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Đây là lợi thế rất lớn cho Quảng Ninh vì sự phát triển của tỉnh đang trong thời kỳ "dân số vàng", tạo ra năng suất cao, sức mua lớn.
Lý do Quảng Ninh 'được lòng' doanh nghiệp
Thứ năm, về hạ tầng khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), Quảng Ninh có tổng diện tích lớn nhất cả nước, bao gồm hai KKT ven biển, ba KKT cửa khẩu, 16 KCN.
Các KKT, KCN của Quảng Ninh được kết nối với nhau bằng hệ thống đường cao tốc tạo thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển mua bán hàng hóa; các khu kinh tế ven biển và cửa khẩu Quảng Ninh đều được Chính phủ cho phép hưởng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất.
Thứ sáu, về hạ tầng cấp điện, Quảng Ninh là một trong những trung tâm sản xuất điện lớn nhất Việt Nam. Hàng năm, tỉnh sản xuất khoảng 39 tỷ kWh điện, và đóng góp khoảng 16% tổng sản lượng điện cả nước với tám nhà máy điện đang hoạt động có tổng công suất hơn 5.600MW.
Thứ bảy, về môi trường đầu tư kinh doanh, công tác cải cách hành chính, Quảng Ninh đã và đang xây dựng được hình ảnh địa phương gắn với thương hiệu về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch.
Trong năm năm liên tiếp (2017 - 2021), Quảng Ninh duy trì ở vị trí số 1 cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI; cải cách hành chính có bước đột phá, tạo chuyển biến căn bản, góp phần cắt giảm các chi phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, nhiều mô hình mới phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư được thiết lập, vận hành hiệu quả như Trung tâm Phục vụ hành chính công, Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, Tổ công tác Investor care ...
Ông Văn cho biết, tỉnh này ưu tiên kêu gọi, thu hút đầu tư và sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, nhất là du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái.
Cùng với đó là các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trung tâm đổi mới sáng tạo.
Hai câu hỏi lớn cho Quảng Ninh
Để có thể thuyết phục được các nhà đầu tư lớn, chiến lược từ các quốc gia trên thế giới, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình để thực hiện và có sự chuẩn bị sẵn sàng, tốt nhất nhằm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh và sinh sống gắn bó với Quảng Ninh.
Cụ thể, thứ nhất, hoàn thiện quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan, công khai, tạo sự minh bạch và điều kiện tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI.
Thứ hai, tập trung triển khai quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kiên quyết loại bỏ các rào cản bất hợp lý, các chi phí không chính thức; củng cố, đổi mới cơ chế, phát huy hiệu quả mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông các cấp; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp.
Thứ ba, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết về "mặt bằng sạch", quỹ đất sạch với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ (cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, xử lý nước thải, chất thải…) đến chân hàng rào dự án đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư với tiêu chí cao nhất.
Thứ tư, chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động đã qua đào tạo; hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động cho các dự án đầu tư.
Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt cơ chế chính sách về nhà ở để thu hút lao động khi làm việc tại Quảng Ninh.
Thứ năm, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu; ưu tiên thu hút các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao, tăng nhanh tỉ lệ lấp đầy, nâng cao hiệu quả kinh tế các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã thành lập.
Thứ sáu, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh an toàn cho người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh và sinh sống trên địa bàn tỉnh.