Một số kinh nghiệm phòng, chống bệnh sốt xuất huyết của thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh đang trong cao điểm mùa mưa và cũng là cao điểm dịch sốt xuất huyết. Đã có thời điểm, số ca tăng đột biến. Ngành Y tế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát và kéo giảm số ca mắc mới.
Phát hiện điểm nguy cơ qua ứng dụng y tế trực tuyến
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 6-2023, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn bắt đầu tăng nhanh. Điều này phù hợp quy luật chung, khi mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết thường bắt đầu tăng số ca nhiễm vào tuần giữa tháng 6, tiếp tục tăng cao trong tháng 7 và dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 10 hằng năm.
Đúng như dự báo, đến tuần 25 (từ 19 đến 25-6), số ca mắc sốt xuất huyết tăng 18% so với trung bình 4 tuần trước; trong đó, số ca nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú đều tăng lần lượt là 11,4 % và 24,6%. Liên tiếp 5 tuần sau đó (đến tuần 29), số ca nhiễm mới sốt xuất huyết đều tăng trung bình khoảng 15% so với tuần trước đó.
Đỉnh điểm là tuần 30 (từ 24 đến 30-7), thành phố ghi nhận 291 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 18,8% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng cộng, có 9.790 ca nhiễm, nhưng không ghi nhận ca tử vong (cùng kỳ năm ngoái là 12 ca). Các con số trên giảm dần trong các tuần 31 và 32.
Để đạt kết quả trên, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cấp chính quyền triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất là nhóm giải pháp phòng ngừa, được triển khai theo 3 cấp độ.
Từ cơ sở, Phó Chủ tịch UBND quận 12 Võ Thị Chính cho biết, một trong những giải pháp quan trọng là thực hiện chiến dịch truyền thông “Mọi người, mọi nhà chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết”.
Theo đó, tuyên truyền, truyền thông về nguy cơ và cách phòng, chống sốt xuất huyết được triển khai đa dạng như phát video phóng sự, đăng tin trên mạng xã hội; tổ chức xe loa cổ động, phát thanh, phát tờ rơi, tư vấn sức khỏe, truyền thông nhóm, nói chuyện sức khỏe... tới từng điểm dân cư.
Hai là kiểm soát điểm nguy cơ; huy động các đoàn thể chính trị xã hội tại địa phương duy trì hằng tuần ra quân dọn vệ sinh tại các điểm nguy cơ, diệt bọ gậy; kêu gọi người dân tham gia phát hiện điểm nguy cơ qua ứng dụng y tế trực tuyến. Ba là giám sát, xử phạt. Trường hợp nếu giám sát lần đầu phát hiện bọ gậy tại điểm nguy cơ, chính quyền địa phương sẽ tiến hành nhắc nhở. Nếu phát hiện cùng chỗ lần 2, sẽ xử phạt theo quy định.
Đặc biệt, thành phố đã thành công trong huy động được người dân tham gia phát hiện, thông báo kịp thời về điểm nguy cơ phát sinh muỗi trên địa bàn mình sinh sống một cách thuận lợi thông qua ứng dụng y tế trực tuyến.
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), người dân có thể dùng điện thoại thông minh truy cập ứng dụng, chụp ảnh điểm nguy cơ phát sinh muỗi. Ngành Y tế và chính quyền địa phương sẽ ghi nhận, xử lý ngay trong vòng 48 giờ, cập nhật các điểm nguy cơ để giám sát.
Phân tầng điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết
Nhóm giải pháp thứ hai là điều trị, giảm thiểu số ca tăng nặng và tử vong do sốt xuất huyết. Theo đó, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã phân tầng điều trị bệnh này. Cụ thể, tầng 1 là các phòng khám tại các trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám đa khoa, chuyên khoa. Tầng 2 là các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện đa khoa tuyến thành phố và các bệnh viện đa khoa tư nhân có điều trị bệnh lý nhiễm. Tầng 3 là 3 bệnh viện tuyến cuối gồm: Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng thành phố chuyên tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên.
Cùng với đó, các bác sĩ, chuyên gia tuyến trên tích cực hỗ trợ tuyến dưới bằng hội chẩn qua điện thoại, qua Telemedicine (tư vấn, khám chữa bệnh và phẫu thuật từ xa).
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm và Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2, việc phân tầng này vừa huy động cả hệ thống cơ sở y tế vào điều trị bệnh nhân, vừa không để các bệnh viện tuyến cuối quá tải để tập trung cứu chữa bệnh nhân nặng. Hiệu quả là tính đến ngày 17-8, thành phố Hồ Chí Minh chưa ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết là bệnh nhân của thành phố.
Nhưng ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh không chủ quan trước kết quả trên. Trong bối cảnh dịch tay chân miệng trên địa bàn đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng nhanh; học sinh sắp tựu trường, việc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết càng phải được triển khai quyết liệt, tránh nguy cơ dịch chồng dịch.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo: Bệnh sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh có thể bùng phát thành dịch lớn, nguy cơ tử vong cao với trẻ em.
Mỗi người dân cần hành động ngay để bảo vệ cho chính mình và người thân. Phòng, chống sốt xuất huyết cần bắt đầu từ những hành động nhỏ ngay từ trong gia đình, loại bỏ nơi sinh sản, phát triển của muỗi vằn.