Một số người Nhật coi tiệc tất niên như cực hình vì sợ nhậu với sếp
Bonenkai - mùa tiệc rượu tất niên bắt đầu vào tháng 12 tại Nhật Bản không còn được nhiều nhân viên chào đón vì những e ngại áp lực khi phải uống rượu với sếp.
Không phải mọi người ở Nhật Bản đều mong chờ tới mùa tiệc tất niên với truyền thống lâu đời là các buổi ăn nhậu cùng đồng nghiệp và cấp trên, dù cho nước này đã bắt đầu trở lại nhịp sống bình thường sau 18 tháng hạn chế vì đại dịch Covid-19, theo Guardian.
Không còn mặn mà với mùa tiệc bonenkai
Tháng 12 thường đánh dấu sự bắt đầu của mùa tiệc bonenkai (lãng quên năm cũ) khi các nhân viên công sở cùng tiệc tùng trong một tối được gọi là “nomunication”, một từ ghép của động từ “nomu” trong tiếng Nhật (nghĩa là uống rượu) với “communication” (từ tiếng Anh nghĩa là giao tiếp).
Tuy nhiên, theo các cuộc khảo sát gần đây, nhiều người thể hiện sự lo lắng với mùa tiệc tất niên này dù cho ca nhiễm nCoV ở Nhật Bản đang giảm mạnh, đồng nghĩa với sự mở cửa hoàn toàn trở lại của các quán bar và nhà hàng.
Trong nỗ lực nắm bắt tâm trạng của người dân tại đất nước Mặt Trời mọc với mùa tiệc tất niên, báo Asahi Shimbun đã khảo sát các độc giả trực tuyến chia sẻ suy nghĩ trước thềm mùa “bonenkai” và phát hiện ra rằng trong thâm tâm, nhiều người không thích kiểu tiệc tùng này với đồng nghiệp, và quan trọng hơn cả là với sếp.
Nhiều người được hỏi cho biết họ sợ truyền thống này, được cho là bắt đầu từ các thành viên của hoàng tộc trong thời kỳ Muromachi (1336-1573), vì áp lực phải để ý tới cách xử sự với các đồng nghiệp cấp cao, trong khi có ý kiến mô tả bonenkai không khác gì "cực hình".
Không cần thiết
Một cuộc khảo sát gần đây của Nippon Life Insurance cũng cho thấy hơn 60% người được hỏi cho rằng những hoạt động gọi là “nomunication” sau giờ làm là “không cần thiết”, trong khi chỉ 11% cho rằng điều này hoàn toàn cần thiết.
Nhóm phản đối lớn nhất viện dẫn áp lực phải tuân theo hệ thống phân cấp của công ty trong thời gian lẽ ra phải là một cuộc tụ tập vô tư, trong khi những người khác coi bonenkai là một hình thức làm thêm giờ không công. Hơn 1% người được hỏi đơn giản nói rằng họ không thích uống rượu.
Tomoki Inoue, một chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu NLI, nói với hãng tin Kyodo: “Số người nghi vấn về sự cần thiết của gặp gỡ qua uống rượu đã tăng lên, vì họ không thể tổ chức tiệc do Covid-19”.
Cuộc khảo sát của Asahi cũng phát hiện sự nhẹ nhõm ở nhiều người khi các công ty buộc phải hủy bỏ tiệc bonenkai hay tổ chức trực tuyến do nguy cơ của một làn sóng lây nhiễm tiềm tàng vào mùa đông.
“Tôi không còn phải lo lắng về những gì người khác nghĩ về mình ngay cả khi tôi không uống rượu [tại các bữa tiệc trực tuyến]”, một người tham gia khảo sát cho biết. “Tôi thích bầu không khí bình dị. Tôi sẽ vui hơn nếu phong cách tiệc rượu (trực tuyến) này vẫn tiếp tục sau đại dịch”.
Mặc dù không còn nhiều người hứng thú, bonenkai vẫn là một ngày quan trọng trong lịch làm việc ở Nhật Bản, một cơ hội để “nhâm nhi” những kết quả sau 12 tháng làm việc và tạo sự gắn kết thông qua tiệc rượu.
Truyền thống này không chỉ giới hạn trong giới doanh nghiệp, các trường học, văn phòng công quyền cũng thường đặt những bữa tiệc ăn uống thỏa thích vào một trong những thời điểm bận rộn nhất trong năm đối với nền kinh tế ban đêm khổng lồ của Nhật Bản.
Theo tờ Asahi, một chính quyền thành phố địa phương đã viết thư kêu gọi nhân viên tham gia sự kiện bonenkai, trong khi giới chức trách một thành phố khác cam kết sẽ trả một phần hóa đơn nếu có đủ người đăng ký tham gia bữa tiệc.
Ngay cả khi số ca nhiễm hàng ngày tại Nhật đang xuống thấp, tiệc bonenkai được cho là không dễ quay trở lại những ngày như trước đại dịch, trong khi những người tham gia cũng đối mặt với nguy cơ sức khỏe không nhỏ từ sự mệt mỏi sau các cuộc chè chén.
Theo công ty phân tích doanh nghiệp Tokyo Shoko Research, 70% công ty cho biết họ sẽ không tổ chức tiệc bonenkai trong năm nay, con số đó trong năm trước là hơn 94% do ảnh hưởng của đại dịch.
Tuy nhiên, một số người trả lời cuộc khảo sát của Asahi lại không chia sẻ cảm giác nhẹ nhõm của số đông về việc nhiều công ty sẽ ngừng tổ chức tiệc tất niên thêm một năm nữa.
“Tiệc cuối năm giúp tôi củng cố mối quan hệ với các đồng nghiệp”, một giáo viên ở Osaka cho biết. “Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta nên từ xếp sang một bên thú vui của bản thân vì học sinh của chúng ta cũng đang cố gắng” trong thời gian đại dịch.