Một số nội dung cơ bản của Luật Kinh doanh bảo hiểm
Luật Kinh doanh bảo hiểm (KDBH) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 16/6/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Luật quy định về tổ chức, hoạt động KDBH, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, quản lý nhà nước về hoạt động KDBH. Báo Hòa Bình giới thiệu một số nội dung cơ bản của luật:
1. Phạm vi điều chỉnh:
Luật KDBH điều chỉnh, quy định về tổ chức, hoạt động KDBH, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và quản lý nhà nước về hoạt động KDBH nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đối tượng trên. Luật không áp dụng đối với BHXH, BHYT, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện mà không mang tính kinh doanh.
2. Đối tượng áp dụng:
Luật KDBH điều chỉnh và áp dụng đối với các đối tượng là doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và các cá nhân, tổ chức khác được quy định tại Điều 2 của luật.
3. Nguyên tắc của Luật Kinh doanh bảo hiểm
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại DNBH hoạt động tại Việt Nam. Chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam, trừ trường hợp sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, Luật KDBH có nguyên tắc là DNBH phải đảm bảo các yêu cầu về tài chính để thực hiện các cam kết của doanh nghiệp đối với bên mua bảo hiểm.
4. Nội dung chính của Luật Kinh doanh bảo hiểm
Luật KDBH quy định về các loại hình bảo hiểm bao gồm: Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ (gồm bảo hiểm tài sản, bảo hiểm thiệt hại, bảo hiểm trách nhiệm) và bảo hiểm sức khỏe.
Khi các bên thỏa thuận được về các điều khoản của hoạt động bảo hiểm sẽ ký kết hợp đồng bảo hiểm (HĐBH). HĐBH là sự thỏa thuận giữa bên bán là các DNBH và bên mua bảo hiểm. Theo đó, bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, DNBH phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng do người mua bảo hiểm chỉ định hoặc bồi thường cho người mua bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. HĐBH giữa các bên phải được lập thành văn bản. HĐBH phải có các nội dung cơ bản như: Tên, địa chỉ liên lạc của DNBH và bên mua bảo hiểm hay người thụ hưởng do bên mua bảo hiểm chỉ định; đối tượng được bảo hiểm; giá trị tài sản được bảo hiểm đối với tài sản hay số tiền bảo hiểm hai bên thỏa thuận; phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm; thời hạn bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm; thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường cho bên mua bảo hiểm hay người thụ hưởng; các biện pháp xử lý khi xảy ra tranh chấp khi thực hiện hợp đồng.
(Còn nữa)