Một số nội dung trong Báo cáo giải trình về kinh tế-xã hội của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại kỳ họp thứ 8

Chiều 12/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo, giải trình một số vấn đề kinh tế-xã hội quan trọng.

Từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bảo vệ công lý xin được trích đăng một số nội dung trong Báo cáo giải trình của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Về giải ngân vốn đầu tư công
Đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng; vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, ban hành nhiều văn bản thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, đúng như ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội, giải ngân còn chậm; 10 tháng giải ngân đạt 52,29% (cùng kỳ năm 2023 là 56,74%), giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%; có 29 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan còn rườm rà, chồng chéo; vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư, nhất là các dự án ODA, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và quy hoạch sử dụng đất. Thiếu nguồn cung ứng vật liệu; công tác chuẩn bị dự án chưa tốt; sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc có nơi, có lúc còn thiếu quyết liệt, sâu sát, nhất là vai trò người đứng đầu. Năng lực quản lý, điều hành của nhiều ban quản lý dự án còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ. Kỷ luật, kỷ cương có nơi chưa nghiêm; còn tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm…

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần "5 quyết tâm", "5 đảm bảo", phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch. Trong đó tập trung vào 6 nhóm giải pháp chủ yếu: Đề xuất Quốc hội tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý ngay trong kỳ họp này, nhất là về quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, thủ tục đất đai, nguồn cung vật liệu… Có giải pháp đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư trên tinh thần nơi ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, bảo đảm khả thi hơn, hiệu quả hơn; kịp thời điều chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, kỷ luật, kỷ cương gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công với tinh thần "5 rõ"; xử lý nghiêm các vi phạm. Nâng cao hiệu quả của các tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ[20] và hoạt động giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tại các địa phương…

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thời gian qua, công tác này được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo và đạt được một số kết quả tích cực. Trong đó, quản lý thu, chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, dành nguồn lực tăng cho chi phát triển con người, bảo đảm an sinh xã hội và chi đầu tư phát triển; khắc phục hiệu quả việc đầu tư dàn trải; tỷ lệ nợ công, bội chi thấp hơn giới hạn cho phép. Quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản được tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được chú trọng; điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án kinh tế, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản cho nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chuyển đổi số, trong đó triển khai Đề án 06 góp phần tiết kiệm chi phí xã hội trên 3 nghìn tỷ đồng hằng năm…

Tuy nhiên, công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết của mình và các vị đại biểu Quốc hội đã nêu. Về nguyên nhân, có tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết và còn mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến lãng phí nguồn lực. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số dự án còn chưa nghiêm. Sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm; tình trạng lãng phí về thời gian, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản chậm được khắc phục. Thủ tục hành chính còn rườm rà. Việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm chi phí thường xuyên, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn chậm…

Có nguyên nhân do một số quy định pháp lý, hiện tượng buông lỏng quản lý, tổ chức thực hiện còn bất cập, chưa theo kịp thực tiễn và yêu cầu phát triển; chưa quyết liệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh; trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ, gây chậm trễ, kéo dài; nhận thức và văn hóa về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa đầy đủ, toàn diện; việc lãnh đạo chỉ đạo chưa được quan tâm thực hiện đúng tầm, đúng mức…

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo: Khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật. Tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi NSNN, nhất là chi thường xuyên. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…; xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". Đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả, các tổ chức tín dụng yếu kém. Đẩy mạnh truyền thông, xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội[34]; Xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

Về phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản và chỉ đạo triển khai nhiều cơ chế, chính sách, đề án phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao và đạt được những kết quả tích cực. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia bước đầu phát huy hiệu quả, nhất là trong xây dựng chính sách, kết nối, thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng 56/100. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 của Việt Nam xếp hạng 44/133 (tăng 4 bậc so với năm 2022). Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào nhóm 200 thành phố đứng đầu về khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu.

Tuy nhiên, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân lực chất lượng cao còn chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa được như mong muốn. Thể chế, cơ chế, chính sách chưa có đột phá; đầu tư cho KHCN, đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa thực sự hiệu quả; sự gắn kết giữa các chủ thể, nhất là Nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học và doanh nghiệp chưa chặt chẽ và có hiệu quả. Khoảng cách lớn về công nghệ, thiếu hụt về hạ tầng; hạn chế về nguồn lực, trình độ và năng lực cạnh tranh về KHCN, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có những cơ hội thuận lợi của "người đi sau" (có điều kiện nghiên cứu, phát triển, ứng dụng ngay những công nghệ, giải pháp mới, tốt nhất và phù hợp điều kiện Việt Nam); nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, năng động, sáng tạo, có năng khiếu về logic và toán học.

Với quan điểm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo là mục tiêu, động lực, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng KHCN, chấp nhận rủi ro và kiên trì trong hoạt động nghiên cứu KHCN, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy mạnh mẽ hệ thống đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, vùng, địa phương; lấy doanh nghiệp là trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là nền tảng.

Bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi NSNN cho giáo dục và đào tạo; có chính sách đột phá trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các ngành động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức... Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là hợp tác công - tư cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, hướng đến chuẩn quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Sớm hoàn thành đào tạo ít nhất 50 nghìn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

PV

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/mot-so-noi-dung-trong-bao-cao-giai-trinh-ve-kinh-te-xa-hoi-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-tai-ky-hop-thu-8-458782.html