Ba quốc gia, ba kiểu ra đòn: vi phạm giao thông coi chừng mất trắng cả tài sản lẫn tự do!

Trước thực trạng tai nạn gia tăng và ý thức chấp hành giao thông còn hạn chế, một số quốc gia đã áp dụng biện pháp xử phạt nghiêm khắc nhằm lập lại trật tự, nâng cao trách nhiệm và xây dựng môi trường giao thông an toàn, hiệu quả.

Trung Quốc xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã triển khai hàng loạt biện pháp mạnh nhằm giảm thiểu vi phạm giao thông và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Mục tiêu của các chính sách này là xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh và phục vụ hiệu quả cho quá trình phát triển bền vững của đất nước.

Theo Luật An toàn Giao thông Đường bộ của Trung Quốc, các hành vi vi phạm phổ biến như không đội mũ bảo hiểm, không thắt dây an toàn hoặc chạy quá tốc độ ở mức nhẹ sẽ bị phạt tiền từ 20 - 200 nhân dân tệ (tương đương khoảng 3 - 30 USD). Trong khi đó, các lỗi nghiêm trọng hơn như lái xe khi say rượu với nồng độ cồn vượt 0,08% có thể bị phạt từ 500 đến 2.000 nhân dân tệ (75 - 300 USD), kèm theo hình phạt bổ sung như tạm giữ giấy phép lái xe từ 3 - 6 tháng. Với những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng như gây tai nạn giao thông, người vi phạm có thể phải đối mặt với án tù và bị tước giấy phép vĩnh viễn.

Trung Quốc còn áp dụng hệ thống điểm phạt để quản lý hành vi của người điều khiển phương tiện. Mỗi tài xế được cấp 12 điểm mỗi năm, và sẽ bị trừ điểm tương ứng với từng lỗi vi phạm. Chẳng hạn, vượt đèn đỏ hoặc chạy xe quá tốc độ từ 20 - 50% so với quy định sẽ bị trừ tới 6 điểm. Nếu hết 12 điểm trong năm, người vi phạm buộc phải tham gia khóa đào tạo bắt buộc và thi lại để lấy lại quyền điều khiển xe.

Với những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng như gây tai nạn rồi bỏ trốn, mức xử lý còn nghiêm khắc hơn. Trong những trường hợp này, người lái sẽ bị thu hồi giấy phép vĩnh viễn và có thể bị kết án từ 3 - 7 năm tù, tùy theo mức độ thiệt hại gây ra.

Những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã triển khai hàng loạt biện pháp mạnh nhằm giảm thiểu vi phạm giao thông và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Ảnh: Xinhua

Những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã triển khai hàng loạt biện pháp mạnh nhằm giảm thiểu vi phạm giao thông và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Ảnh: Xinhua

Ngoài các biện pháp trực tiếp đối với hành vi lái xe, Chính phủ Trung Quốc cũng chú trọng đến việc xử lý nạn gian lận trong quản lý giao thông, đặc biệt là hành vi mua bán điểm phạt. Những người tham gia các giao dịch bất hợp pháp này có thể bị phạt tới 50.000 nhân dân tệ (khoảng 7.000 USD) và bị trừ toàn bộ 12 điểm trong hệ thống quản lý lái xe.

Thụy Sĩ áp dụng hình phạt theo thu nhập

Thụy Sĩ là một trong những quốc gia có hệ thống xử phạt giao thông nghiêm khắc và minh bạch hàng đầu thế giới. Bên cạnh việc áp dụng mức phạt cao, nước này còn tiên phong sử dụng cơ chế “phạt theo thu nhập”, đồng thời triển khai mạng lưới giám sát rộng khắp nhằm bảo đảm mọi hành vi vi phạm đều được phát hiện và xử lý một cách công bằng. Cách tiếp cận này phản ánh triết lý quản trị đặc trưng của Thụy Sĩ: nghiêm luật, công chính và không phân biệt địa vị xã hội.

Một trong những điểm nổi bật nhất trong hệ thống pháp luật giao thông Thụy Sĩ là hình thức xử phạt “day-fine” - tiền phạt được tính dựa trên số ngày phạt và thu nhập ròng hàng ngày của người vi phạm. Điều này giúp bảo đảm sự công bằng giữa các tầng lớp thu nhập và tránh tình trạng người giàu coi tiền phạt như một chi phí có thể dễ dàng chi trả. Một ví dụ điển hình là trường hợp một người điều khiển xe Ferrari vượt quá tốc độ quy định và bị phạt gần 290.000 USD - một trong những mức phạt giao thông cao nhất từng được ghi nhận. Gần đây, một doanh nhân khác cũng bị phạt khoảng 122.000 USD vì lái xe bám đuôi quá gần trên đường cao tốc.

Thụy Sĩ phân loại rõ ràng các hành vi vi phạm giao thông, áp dụng mức xử phạt tăng dần theo mức độ nghiêm trọng. Với lỗi vượt quá tốc độ dưới 5km/h, mức phạt có thể chỉ từ 22 - 44USD. Tuy nhiên, nếu vượt quá 30km/h trong khu vực đô thị hoặc 50km/h trên đường cao tốc, người điều khiển phương tiện có thể đối mặt với án tù từ một đến bốn năm, bị tước bằng lái ít nhất 2 năm và bắt buộc phải trải qua đánh giá tâm lý trước khi được cấp lại bằng. Một số lỗi phổ biến như vượt đèn đỏ có thể bị phạt khoảng 275 USD, không thắt dây an toàn bị phạt 66 USD, dùng điện thoại khi lái xe bị phạt 110 USD. Ngay cả việc để chìa khóa trên xe khi rời khỏi xe cũng có thể bị phạt 66 USD.

Điều đáng chú ý là hệ thống này không chỉ áp dụng cho công dân Thụy Sĩ mà còn cho cả người nước ngoài đang sinh sống hoặc du lịch tại nước này. Nếu không cung cấp thông tin về thu nhập, cơ quan chức năng sẽ ước tính dựa trên mức thu nhập trung bình. Trong trường hợp không nộp phạt đúng hạn, người vi phạm có thể bị từ chối nhập cảnh vào Thụy Sĩ hoặc các quốc gia trong khối Schengen.

Hệ thống xử phạt nghiêm khắc của Thụy Sĩ được hỗ trợ bởi mạng lưới camera giám sát dày đặc và công nghệ phát hiện vi phạm tự động, giúp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Hơn thế, ý thức tuân thủ luật giao thông của người dân Thụy Sĩ rất cao, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và tôn trọng pháp luật.

Nhật Bản quản lý giao thông bằng hệ thống pháp luật chặt chẽ

Nhật Bản là một trong những quốc gia có hệ thống pháp luật giao thông nghiêm ngặt, chi tiết và hiệu quả bậc nhất thế giới. Với triết lý ưu tiên an toàn, trật tự và tính mạng con người, Nhật Bản không chỉ xử phạt nặng các hành vi lái xe nguy hiểm mà còn mở rộng quản lý tới cả người đi xe đạp - điều ít thấy ở nhiều quốc gia khác. Cách tiếp cận toàn diện này giúp giảm thiểu tai nạn và nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông.

Về hệ thống xử phạt, Nhật Bản chia các vi phạm thành hai nhóm chính: vi phạm nhẹ (xử lý bằng “vé xanh”) và vi phạm nghiêm trọng (xử lý bằng “vé đỏ”). Các lỗi nhẹ như chạy quá tốc độ dưới 30km/h, vượt đèn đỏ hoặc vi phạm làn đường sẽ bị xử lý tại chỗ bằng vé xanh. Người vi phạm phải nộp phạt trong vòng 7 - 11 ngày để tránh bị truy tố hình sự. Ngược lại, những vi phạm nặng như chạy quá tốc độ trên 30km/h, lái xe khi say rượu hoặc gây tai nạn nghiêm trọng sẽ bị xử lý bằng vé đỏ, có thể dẫn đến việc tước bằng lái ngay lập tức và đối mặt với án phạt tù.

Cùng với các biện pháp xử phạt hành chính, Nhật Bản duy trì hệ thống điểm trừ để quản lý hành vi của người điều khiển phương tiện. Nếu chạy quá tốc độ 50km/h, tài xế sẽ bị trừ 12 điểm; nếu lái xe với nồng độ cồn từ 0,25mg/L trở lên, sẽ bị trừ 25 điểm. Trong vòng một năm, nếu bị trừ từ 6 điểm trở lên, người lái sẽ bị đình chỉ bằng lái ít nhất 30 ngày; từ 15 điểm trở lên, bằng lái bị thu hồi trong một năm. Cơ chế này tạo ra áp lực liên tục để người dân tuân thủ luật giao thông, hạn chế tái phạm và nâng cao trách nhiệm cá nhân.

Ngoài ô tô, Nhật Bản siết chặt quy định với người đi xe đạp - một phương tiện phổ biến trong đô thị. Từ tháng 11/2024, luật mới cho phép phạt đến 100.000 yen (tương đương 670 USD) hoặc giam tới một năm với người sử dụng điện thoại khi đạp xe hoặc đạp xe khi say rượu. Từ tháng 4/2026, hệ thống vé xanh sẽ được mở rộng với 113 hành vi vi phạm nhẹ khi đi xe đạp, cho phép cảnh sát xử lý tại chỗ mà không cần đưa ra tòa.

Bên cạnh đó, Nhật Bản đặc biệt nghiêm khắc với hành vi lái xe nguy hiểm. Điều luật “lái xe nguy hiểm gây chết người hoặc thương tích” có thể dẫn đến án tù 20 năm. Các hành vi như lái xe hung hăng, bám đuôi xe khác hay cố ý ép xe cũng bị xử lý nghiêm với mức phạt lên tới 1 triệu yen hoặc 5 năm tù.

Không chỉ dừng ở xử phạt, Nhật Bản còn chú trọng từ khâu đào tạo và sát hạch lái xe rất nghiêm ngặt. Kết hợp với cơ sở hạ tầng hiện đại, hệ thống biển báo rõ ràng và ý thức tuân thủ cao của người dân, quốc gia này đã xây dựng được một môi trường giao thông an toàn, có tính mẫu mực trên thế giới.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mot-so-quoc-gia-siet-chat-ky-luat-giao-thong.712388.html