Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương: Nhà lãnh đạo có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

88 năm tuổi đời, hơn 50 năm hoạt động cách mạng, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Trưởng thành từ người cán bộ địa chất, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng và giữ nhiều cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước. Là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII, IX; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ tháng 2/1987 đến tháng 9/1992; Phó Thủ tướng Chính phủ từ tháng 10/1992 đến tháng 8/1997.

Tháng 9/1997 ông được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đảm nhiệm chức vụ này hai nhiệm kỳ, đến tháng 6/2006.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương kiểm tra quy hoạch Vịnh Hạ Long, nhằm bảo đảm phát triển kinh tế và bảo vệ cảnh quan môi trường (ngày 15/10/1997). Ảnh tư liệu.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương kiểm tra quy hoạch Vịnh Hạ Long, nhằm bảo đảm phát triển kinh tế và bảo vệ cảnh quan môi trường (ngày 15/10/1997). Ảnh tư liệu.

Trong tiến trình đổi mới do Đảng khởi xướng và hội nhập của đất nước, có thể nói, những dấu mốc thành công luôn gắn liền với tên tuổi của những nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược và tinh thần tận tụy vì sự nghiệp chung. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một trong những người như thế.

Thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hội nhập

Trong hai nhiệm kỳ Chủ tịch nước, ông đã ghi dấu ấn với các sự kiện đối ngoại quan trọng của Việt Nam trên cương vị một nhà lãnh đạo có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, giữ vững nguyên tắc Đảng nhưng năng động, uyển chuyển, có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược.

Ông luôn nhấn mạnh rằng, hội nhập không chỉ là yêu cầu tất yếu của phát triển, mà còn là điều kiện để Việt Nam khẳng định vai trò và vị thế trong cộng đồng quốc tế.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới Liên bang Nga tháng 8/1998 đã tạo bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Lần đầu tiên, Tổng thống Nga Boris Yeltsin khẳng định Nga coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở Đông Nam Á.

Các hoạt động nổi bật khác là tiếp và hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thăm Việt Nam vào năm 2000 nhân kỷ niệm 5 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; tiếp và hội đàm với Tổng thống Nga Putin năm 2001; thăm Cộng hòa Pháp năm 2002 cũng như thăm Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác.

Trong các cuộc hội đàm với lãnh đạo các nước, Chủ tịch nước Trần Đức Lương luôn nhấn mạnh đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, hòa bình, hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đôi bên cùng có lợi.

Ông cũng luôn nhấn mạnh về việc Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật với tất cả các nước, đặc biệt là các nước có nền công nghiệp phát triển tiên tiến như: Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản...

Phát triển kinh tế để tăng cường tiềm lực vị thế đất nước

Từ khi trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi Phó Thủ tướng Chính phủ, ông đã đóng góp công sức trong việc thực hiện đường lối đổi mới về kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986), góp phần đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn về kinh tế-xã hội, từng bước ổn định và phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng về ổn định chính trị, kinh tế phát triển, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

Có thể kể đến việc ông chỉ đạo xây dựng và tham gia xây dựng một số luật quan trọng, như: Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987, Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, Luật Đất đai năm 1993, Luật Dầu khí năm 1993, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước năm 1995, Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995...; giúp Chính phủ ban hành các nghị định, quyết định thành lập các tổng công ty và tập đoàn kinh tế; chỉ đạo soạn thảo để Chính phủ ban hành các Nghị định về chính sách nhà ở thời kỳ đổi mới, các quyết định, nghị định về quyền tự chủ, tự đầu tư, tự chủ tài chính, hợp tác đầu tư với nước ngoài để phát triển các dự án có trình độ kinh tế-kỹ thuật tiên tiến trên các lĩnh vực quan trọng (dầu khí, năng lượng, vận tải, hàng không, xi măng, dệt may, nông-lâm-ngư nghiệp)... mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ trên tất cả các ngành kinh tế-kỹ thuật.

Các nhiệm kỳ Chủ tịch nước của ông là khoảng thời gian mà Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, đòi hỏi sự chỉ đạo linh hoạt, quyết đoán của Đảng và Nhà nước.

Với cương vị Chủ tịch nước, ông đã cùng với tập thể Bộ Chính trị và Chính phủ đưa ra những đường lối, chủ trương đúng đắn để vượt qua khó khăn, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh.

Với ngành Công Thương, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có những chỉ đạo sâu sắc, đặc biệt trên lĩnh vực năng lượng. Ông là người có công lao lớn trong quá trình xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Những đóng góp lớn của ông còn thể hiện ở việc tham gia các quyết sách xây dựng thủy điện trên bậc thang sông Đà, trong khoảng những năm 1995 - 2000.

Đặc biệt, khi đảm nhận vai trò Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực năng lượng, ông Trần Đức Lương còn để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, nhất là trong công tác chỉ đạo chiến lược và triển khai thực tế các dự án điện lớn - từ quy hoạch dài hạn cho đến tổ chức thi công cụ thể.

Ông cũng là một trong những lãnh đạo trực tiếp tham gia chỉ đạo xây dựng và phê duyệt các quy hoạch điện quốc gia giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, bao gồm Quy hoạch Điện IV, V, VI. Đây là những quy hoạch có tính chất định hình lâu dài cho hệ thống điện Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tăng trưởng năng lượng bùng nổ, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước bước vào giai đoạn tăng tốc.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước của ông, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ (tháng 7/2000) để mở ra cánh cửa quan trọng cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường lớn nhất thế giới và thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, việc mở rộng quan hệ đa phương, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế và diễn đàn khu vực không chỉ đánh dấu bước tiến rõ rệt trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam mà còn giúp Việt Nam mở rộng mối quan hệ với các đối tác kinh tế, thị trường cho hàng hóa Việt Nam.

Tác phong gần gũi mà sâu sắc

Với những người làm báo như chúng tôi, một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất là những lần được Chủ tịch nước Trần Đức Lương trả lời phỏng vấn bên hành lang trong các kỳ họp Quốc hội tại Hội trường Ba Đình (nay là Nhà Quốc hội). Những phút nghỉ giải lao thật sự quý báu với vị nguyên thủ quốc gia như ông song bên cạnh việc trao đổi với các vị lãnh đạo, các đại biểu Quốc hội, ông vẫn nhiệt tình dành những phút giây quý báu ấy cho chúng tôi.

Những câu chuyện trao đổi ấy không những chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của một nhà lãnh đạo chủ chốt của đất nước mà còn rất hấp dẫn dưới góc độ chuyên môn học thuật. Không chỉ giúp cho những phóng viên như chúng tôi mở rộng góc nhìn mà còn từ đó có những cơ sở lý giải vấn đề, tạo sự đồng thuận của nhân dân với các quyết sách đang được bàn thảo trên diễn đàn Quốc hội. Và món quà đặc biệt ông dành cho chúng tôi là những bức ảnh chụp chung mà nay đã thành kỷ niệm không quên với những người làm báo.

Những đóng góp của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế đã tạo nên nền tảng quan trọng để Việt Nam bước vào thế kỷ XXI với tâm thế mới của một quốc gia năng động, đổi mới và ngày càng khẳng định vai trò trên trường quốc tế. Tên tuổi ông gắn liền với một chặng đường lịch sử đáng tự hào, và sẽ mãi được khắc ghi trong lòng nhân dân và trong trang sử phát triển của đất nước.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguyen-chu-tich-nuoc-tran-duc-luong-nha-lanh-dao-co-nhieu-dong-gop-to-lon-doi-voi-su-nghiep-cach-mang-cua-dang-va-dan-toc-388904.html