Một số thuốc không kê đơn trị mất ngủ cho người cao tuổi
Nhiều người cao tuổi có thể gặp các vấn đề về giấc ngủ như ngủ ít, ngủ không sâu giấc, khó ngủ, mất ngủ… Việc sử dụng một số thuốc điều trị mất ngủ không kê đơn có thể giúp cải thiện giấc ngủ ở người cao tuổi.
Giấc ngủ rất quan trọng với với sức khỏe. Các khuyến nghị thường khuyến khích mọi người nên ngủ từ 7-9 tiếng mỗi đêm. Tuy nhiên, nhu cầu về giấc ngủ ở mỗi người thường không giống nhau. Trên thực tế, người cao tuổi thường ngủ ít hơn (đi ngủ và thức dậy sớm hơn những người trẻ tuổi), dễ bị mất ngủ nhiều hơn.
Tình trạng mất ngủ kéo dài có thể khiến người bệnh uể oải, mệt mỏi, thậm chí có thể là nguyên nhân gây khởi phát các bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, đau tim, xơ vữa động mạch… Để điều trị mất ngủ ở người cao tuổi, có thể sử dụng một số thuốc không kê đơn, bao gồm:
1. Melatonin có thể hỗ trợ điều trị mất ngủ
Melatonin là một loại hormone tự nhiên do não sản xuất giúp điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ. Thông thường, cơ thể sản xuất melatonin vào ban đêm và giảm dần vào buổi sáng. Tuy nhiên, những người bị mất ngủ có thể gặp vấn đề trong việc sản xuất melatonin tự nhiên.
Melatonin giảm dần theo độ tuổi. Tuổi càng cao thì hormone này tiết ra càng ít đi, do đó, người cao tuổi thường gặp vấn đề liên quan đến rối loạn giấc ngủ.

Nhiều người cao tuổi gặp các rối loạn về giấc ngủ.
Melatonin là chất bổ sung giúp cải thiện tình trạng thiếu melatonin và có thể kích hoạt các thụ thể thần kinh để thúc đẩy giấc ngủ. Melatonin là chất hỗ trợ giấc ngủ an toàn cho người cao tuổi khi sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, khi sử dụng melatonin cũng có thể gặp một số tác dụng phụ bao gồm đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, giảm huyết áp...
2. Thuốc kháng histamin
Một số loại thuốc kháng histamin phổ biến gồm clorpheniramin, dimedrol, promethazine… Đây là nhóm thuốc histamin thế hệ cũ, có tác dụng chống dị ứng và gây ngủ khá mạnh. Thuốc được chỉ định cho người lớn tuổi bị mất ngủ do ngứa, gãi nhiều do mắc bệnh liên quan đến tổ đỉa, eczema, hắc lào…
Tuy nhiên, thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như mệt mỏi, khô mũi, khô miệng, ảnh hưởng đến trí não… do đó, người bệnh không nên lạm dụng.

Sử dụng một số loại thuốc không kê đơn có thể hỗ trợ cải thiện giấc ngủ ở người cao tuổi.
3. Một số loại thảo dược
- Chiết xuất từ rễ cây nữ lang được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để điều trị các vấn đề về giấc ngủ. Nghiên cứu cho thấy, chất bổ sung này có thể gây ngủ bằng cách tác động lên các thụ thể GABA và serotonin trong não để giảm lo âu. Tuy nhiên, những tác dụng này có thể khác nhau tùy từng người.
Tác dụng phụ khi dùng cây nữ lang để hỗ trợ giấc ngủ cho người cao tuổi bao gồm: Đau đầu, khó chịu đường tiêu hóa, mệt mỏi, kích thích, bồn chồn/bất an, rối loạn tim…
- Hoa cúc La Mã: Một trong những thành phần chính trong cúc La Mã là apigenin, một loại flavonoid có tác dụng an thần nhẹ. Bằng cách liên kết với các thụ thể trong não liên quan đến giấc ngủ và sự thư giãn, hoa cúc La Mã có thể là một chất hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên hiệu quả cho người cao tuổi.
Khi dùng loại hoa cúc này để điều trị chứng mất ngủ có thể gặp một số tác dụng phụ: Chóng mặt, buồn nôn, phản ứng dị ứng. Lưu ý, cúc La Mã có thể gây tương tác với thuốc cyclosporine và warfarin.
Ngoài ra, có thể bổ sung magiê để hỗ trợ điều trị mất ngủ ở người cao tuổi.
Lưu ý khi dùng thuốc:
- Mặc dù là thuốc không kê đơn nhưng vẫn có thể gây một số rủi ro cần lưu ý như tình trạng uể oải vào ban ngày, mờ mắt, lú lẫn và táo bón...
- Tránh uống thuốc với rượu hoặc các loại thuốc trị mất ngủ khác.
- Không dùng thuốc quá liều khuyến cáo trên bao bì thuốc.
- Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài hơn một tuần, cần đi khám để phát hiện nguyên nhân tiềm ẩn để có hướng xử lý kịp thời.
5 thực phẩm có lợi cho người khó ngủ.