Một số trường hợp Thừa phát lại bị miễn nhiệm

Nghị định số 08/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số trường hợp Thừa phát lại bị miễn nhiệm...

Theo đó, so với quy định hiện hành tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số trường hợp Thừa phát lại bị miễn nhiệm, bao gồm: Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự; Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;

Không đăng ký và hành nghề Thừa phát lại trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm; Không hành nghề Thừa phát lại liên tục từ 02 năm trở lên (quy định hiện nay là “Không hành nghề Thừa phát lại kể từ ngày được bổ nhiệm từ 6 tháng trở lên, trừ trường hợp có lý do chính đáng”); Hết thời hạn tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại tối đa mà lý do tạm đình chỉ vẫn còn; Vi phạm nghiêm trọng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ hai trong hành nghề Thừa phát lại mà còn tiếp tục vi phạm (quy định hiện nay là “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ 2 trong hoạt động hành nghề Thừa phát lại mà còn tiếp tục vi phạm hoặc bị xử lý vi phạm bằng hình thức cảnh cáo trở lên đến lần thứ 2 mà còn tiếp tục vi phạm”); Đang là Thừa phát lại mà kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nghị định cũng quy định mới về bổ nhiệm lại. Theo đó, Điều 14 quy định: Người được miễn nhiệm theo nguyện vọng được xem xét bổ nhiệm lại khi có đề nghị. Người bị miễn nhiệm chỉ được xem xét bổ nhiệm lại khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn và lý do miễn nhiệm không còn; trừ trường hợp bị miễn nhiệm do đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà chưa được xóa án tích, đã bị kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích thì không được bổ nhiệm lại Thừa phát lại.

Người bị miễn nhiệm do không đăng ký và hành nghề trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm hoặc do không hành nghề liên tục từ 02 năm trở lên chỉ được đề nghị bổ nhiệm lại sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày Quyết định miễn nhiệm có hiệu lực.

Nghị định còn quy định mới về đăng ký hành nghề thừa phát lại.Hiện nay, Khoản 4 Điều 12 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định Bộ Tư pháp cấp thẻ Thừa phát lại. Tuy nhiên, Điều 15 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định Văn phòng Thừa phát lại nộp hồ sơ đăng ký hành nghề và cấp Thẻ cho Thừa phát lại đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng đặt trụ sở. Sở Tư pháp ghi tên người được đăng ký hành nghề vào Danh sách Thừa phát lại hành nghề tại địa phương và cấp Thẻ Thừa phát lại.

Nghị định số 08/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 24-2-2020.

P.H

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/mot-so-truong-hop-thua-phat-lai-bi-mien-nhiem-208860.html