Một số ưu, nhược điểm của động cơ AIP trên tàu ngầm hiện đại
Trong thiết kế tàu ngầm phi hạt nhân hiện đại, các quốc gia có nền công nghiệp đóng tàu hàng đầu thế giới đều hướng tới trang bị Hệ thống đẩy không khí độc lập AIP hay còn gọi là động cơ kỵ khí.
Có thể nói, loại động cơ này đang rất được nhiều quốc gia “ưa thích” vì cho phép tàu có thể hoạt động dưới nước lâu hơn mà không cần phải nổi lên. Hơn nữa, tàu ngầm trang bị hệ thống AIP có thể tuần tra trong bí mật hoàn toàn và chờ đối phương di chuyển vào khu vực của mình. Thế nhưng, động cơ kỵ khí vẫn có những hạn chế nhất định.
Trước hết, động cơ kỵ khí an toàn hơn nhiều so với các công nghệ cũ, do không cần sử dụng oxy lấy từ không khí (thông qua việc nổi lên sạc ắc qui, hay dùng ống thở). Tuy nhiên, nó vẫn cần oxy được lưu trữ ở dạng lỏng và khí hydro sinh ra từ phản ứng hóa học. Thêm vào đó, việc lắp đặt hệ thống AIP có thể đội chi phí của 1 tàu ngầm từ 50 đến 100 triệu USD.
Một nhược điểm nữa là hệ thống AIP hiện nay có công suất tương đối nhỏ. Tàu ngầm diesel-điện thông thường có tốc độ khá chậm so với tàu nổi và tàu ngầm hạt nhân. Nếu chỉ sử dụng động cơ kỵ khí, tốc độ của nó còn chậm hơn nữa, chỉ gần 5 đến 8 hải lý/giờ. Điều đó đồng nghĩa với việc hạn chế các phương án tác chiến mà tàu có thể sử dụng. Hơn nữa, sử dụng động cơ kỵ khí sẽ tạo ra nhiều tiếng động hơn so với chỉ dùng điện từ ắc quy.
Động cơ kỵ khí là 1 công nghệ mang tính cách mạng, giúp đưa năng lực tác chiến của tàu ngầm diesel-điện đến gần năng lực của tàu ngầm hạt nhân. Dẫu vậy, tương tự mọi công nghệ khác, nó không phải là giải pháp hoàn hảo và vẫn cần phương án tác chiến phù hợp.
THẾ TRUYỀN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới để tiếp tục cập nhật, xem các tin, bài về vũ khí, trang bị, khí tài và hoạt động tác chiến của các nước trên thế giới.