Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm về kiểm sát việc giải quyết vụ án ' Tranh chấp hợp đồng tín dụng'
Qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục phúc thẩm, VKSND TP Đà Nẵng nhận thấy việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về 'Tranh chấp hợp đồng tín dụng' giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Kiên Long (gọi tắt là Ngân hàng Kiên Long và bị đơn là ông Nguyễn Minh Hải và bà Trần Thị Hằng (trú TP Đà Nẵng) có một số vấn đề cần nêu lên để rút kinh nghiệm chung.
Theo nội dung vụ án, ngày 19/10/2012, giữa Ngân hàng Kiên Long – Chi nhánh Đà Nẵng và ông Nguyễn Minh Hải, bà Trần Thị Hằng có ký hợp đồng tín dụng số ĐN 2675/HĐTD. Theo đó, ngân hàng đồng ý cho ông Hải, bà Hằng vay số tiền 150.000.000 đồng, mục đích vay để sửa chữa nâng cấp và mua thêm trang thiết bị cho hoạt động kinh doanh, thời hạn vay 36 tháng.
Để thực hiện nghĩa vụ hợp đồng vay, ông Nguyễn Minh Hải đã ký kết hợp đồng thế chấp số ĐN 2675/HĐTC ngày 19/10/2012 thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất thửa đất số 929, tờ bản đồ số 7 (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), diện tích đất 170,9m2 do UBND quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng cấp ngày 7/7/2008. Tài sản này đã được ông Nguyễn Minh Hải thế chấp để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho tất cả các khách hàng vay trả góp tại Ngân hàng Kiên Long theo hợp đồng thế chấp số 0338/HĐTC-GN ngày 28/9/2009.
Quá trình thực hiện hợp đồng, ông Nguyễn Minh Hải, bà Trần Thị Hằng thanh toán được 25.000.000 đồng tiền nợ gốc và tiền lãi đến ngày 22/5/2013. Sau đó, ông Hải và bà Hằng không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng. Do đó, Ngân hàng Kiên Long khởi kiện yêu cầu Tòa án, buộc ông Hải, bà Hằng phải thanh toán số tiền nợ 423.192.924 đồng (nợ gốc là 125.000.00 đồng, tiền lãi là 298.192.924 đồng, tiền lãi phạt chậm trả 65.905.740 đồng). Nếu ông Hải, bà Hằng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì đề nghị xử lý tài sản thế chấp theo quy định pháp luật.
Bị đơn ông Nguyễn Minh Hải, bà Trần Thị Hằng phản tố yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu, tuyên bố Hợp đồng tín dụng số ĐN 2675/HĐTD ngày 19/10/2012, Hợp đồng thế chấp số 2675/HĐTC ngày 19/10/2012, Hợp đồng thế chấp số 0338/HĐTC-GN ngày 28/9/2009 vô hiệu.
Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 29/2021/KDTM-ST ngày 28/9/2021 đã quyết định áp dụng các Điều 157, 429 BLDS; Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng; khoản 3 Điều 26, Điều 186, điểm b khoản 2 Điều 227, Điều 228, Điều 266, Điều 273 BLTTDS; Thông tư số 39 ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về lãi suất của các ngân hàng; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án. Tòa án tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP Kiên Long, tuyên án:
Buộc ông Nguyễn Minh Hải và bà Trần Thị Hằng phải có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng TMCP Kiên Long tổng số tiền 370.806.963 đồng. Trong đó, số tiền nợ gốc là 125.000.000 đồng và tiền lãi tính đến ngày 28/9/2021 là 245.806.963 đồng.
Trong trường hợp ông Nguyễn Minh Hải, bà Trần Thị Hằng không thực hiện nghĩa vụ nêu trên thì tài sản là nhà và đất tại thửa đất số 929, tờ bản đồ số 7, được ngân hàng yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.
Kể từ ngày 29/9/2021, ông Hải và bà Hằng còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này.
Trường hợp trong hợp đồng tín dụng các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho ngân hàng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của ngân hàng cho vay.
Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn ông Nguyễn Minh Hải, bà Trần Thị Hằng đối với Ngân hàng Kiên Long về việc yêu cầu tuyên bố hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu.
Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo và nghĩa vụ thi hành án của các đương sự.
Ngày 30/9/2021, ông Nguyễn Minh Hải kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét và giải quyết theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn và chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn rút một phần yêu cầu kháng cáo và chỉ đề nghị HĐXX xem xét yêu cầu phản tố tuyên bố Hợp đồng thế chấp tài sản số 0338/HĐTC-GN ngày 28/9/2009 vô hiệu và xem xét lại số tiền lãi phạt 13.519.779 đồng.
Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 10/2022/KDTM-PT ngày 09/5/2022 của TAND TP Đà Nẵng đã chấp nhận quan điểm đề nghị của VKSND TP Đà Nẵng, tuyên đình chỉ xét xử phúc thẩm về phần tuyên buộc ông Nguyễn Minh Hải và bà Trần Thị Hằng có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng Kiên Long số tiền 357.287.184 đồng. Đông thời, HĐXX tuyên chấp nhận một phần kháng cáo của ông Nguyễn Minh Hải, sửa bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 29/2021/KDTM-ST ngày 28/9/2021 của TAND quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Buộc ông Nguyễn Minh Hải và bà Trần Thị Hằng phải có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng TMCP Kiên Long số tiền 357.287.184 đồng.
Trong trường hợp ông Nguyễn Minh Hải, bà Trần Thị Hằng không thực hiện nghĩa vụ nêu trên thì tài sản là nhà và đất tại thửa số 929, ngân hàng được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp ông Nguyễn Minh Hải và bà Trần Thị Hằng thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng phải trả lại cho ông Nguyễn Minh Hải 1 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 931537 do UBND quận Cẩm Lệ cấp cho ông Nguyễn Minh Hải ngày 7/7/2008 nếu tài sản thế chấp không đảm bảo thực hiện một nghĩa vụ khác…
Không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng Kiên Long đối với số tiền lãi phạt 65.905.740 đồng.
Qua công tác kiểm sát, VKSND TP Đà Nẵng thấy việc giải quyết vụ án có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Hợp đồng tín dụng số ĐN 2675/HĐTD ngày 19/10/2012, khế ước nhận nợ số 5438973 ngày 22/10/2012 giữa Ngân hàng Kiên Long – Chi nhánh Đà Nẵng và bà Trần Thị Hằng, ông Nguyễn Minh Hải được xác lập và giải ngân trước ngày Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực (ngày 1/1/2017). Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự 2015 để giải quyết tranh chấp là không đúng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 688 Bộ luật dân sự 2015. Trường hợp này, Tòa án phải áp dụng Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 để giải quyết.
Theo nội dung khởi kiện, nguyên đơn Ngân hàng Kiên Long yêu cầu bị đơn ông Nguyễn Minh Hải, bà Trần Thị Hằng thanh toán tổng số tiền nợ từ hợp đồng tín dụng số ĐN 2675/HĐTD ngày 19/10/2012 là 423.192.924 đồng, trong đó nợ gốc 125.000.000 đồng và tiền lãi tạm tính đến ngày xét xử sơ thẩm 28/9/2021 là 298.192.924 đồng, trong đó tiền lãi trong hạn là 28.101.158 đồng, lãi quá hạn là 204.186.026 đồng, tiền lãi phạt chậm trả là 65.905.740 đồng. Tòa án án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và tuyên buộc bị đơn phải có nghĩa vụ thanh toán số tiền 357.287.184 đồng (trong đó, nợ gốc là 125.000.000 đồng, lãi trong hạn 28.101.158 đồng, lãi quá hạn 204.186.026 đồng) là có căn cứ.
Đối với tiền phạt lãi chậm trả 65.905.740 đồng, Tòa án cấp sơ thẩm xác định “Việc tính lãi áp dụng từng giai đoạn của pháp luật và … Căn cứ các quy định của pháp luật thì chỉ áp dụng lãi suất chậm trả từ ngày 1/1/2017 với lãi suất 10%/năm trên số nợ lãi trong hạn. Như vậy, chỉ chấp nhận tiền phạt lãi chậm trả với lãi suất 10%/năm trên số lãi trong hạn từ ngày 1/1/2017 là 28.101.158 đồng. Tạm tính đến ngày 28/9/2021 là 28.101.158 đồng x 10%/năm x 1732 ngày = 13.519.779 đồng là áp dụng không đúng pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 01/2019/NQ - HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm thì:
“Tại thời điểm xét xử sơ thẩm, lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng xác lập trước ngày 1/1/2017 được xác định như sau:
a) Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả được xác định theo lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất áp dụng cho hợp đồng tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất tương ứng với thời hạn vay chưa trả.
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng phải phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất áp dụng cho hợp đồng tín dụng tại thời điểm xác lập hợp đồng.”
Như vậy, đối với Hợp đồng tín dụng số ĐN 2675/HĐTD ngày 19/10/2012 được xác lập trước ngày 01/01/2017 thì Tòa án chỉ giải quyết lãi trên nợ gốc trong hạn và lãi trên nợ gốc quá hạn, không chấp nhận lãi phạt trên lãi chậm trả. Tòa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn đối với số tiền phạt lãi chậm trả 13.519.779 đồng là không có cơ sở. Do đó, cấp phúc thẩm đã sửa án nội dung này.
Tại mục 2 Điều 1 Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất số ĐN2675/HĐTC ngày 19/10/2012 các bên thỏa thuận: “Tài sản này (quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Minh Hải) trước đây đã được thế chấp tại Ngân hàng Kiên Long- Chi nhánh Đà Nẵng theo Hợp đồng thế chấp số 0338/HĐTC-GN ngày 30/9/2009, nay tài sản này được tiếp tục thế chấp để bảo đảm cho nghĩa vụ là khoản nợ phải trả, bao gồm nợ gốc, tiền lãi, tiền phạt (nếu có) được xác định tại Hợp đồng tín dụng số ĐN 2675/HĐTD ngày 19/10/2012 được giao kết giữa Ngân hàng TMCP Kiên Long với bà Trần Thị Hằng và ông Nguyễn Minh Hải”. Như vậy, một tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự. Theo quy định tại khoản 3 Điều 324 Bộ luật dân sự 2005, trường hợp này, trước khi thế chấp tại Hợp đồng số ĐN2675/HĐTC ngày 19/10/2012, ông Hải đã dùng tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho tất cả các khách hàng vay trả góp tại Ngân hàng Kiên Long theo Hợp đồng thế chấp số 0338/HĐTC-GN. Như vậy, chỉ khi khách hàng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng thì mới phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh của ông Hải.
Để giải quyết vụ án triệt để, Tòa án sơ thẩm cần phải xem xét giải quyết Hợp đồng thế chấp số 0338/HĐTC-GN trong cùng vụ án theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 324 BLDS năm 2005. Quá trình giải quyết vụ án, ông Hải có yêu cầu phản tố đề nghị Tòa án tuyên bố Hợp đồng thế chấp số 0338/HĐTC-GN vô hiệu và xử lý hậu quả nhưng không được Tòa sơ thẩm thụ lý giải quyết là có thiếu sót, vi phạm tố tụng.
Quá trình giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm, Ngân hàng TMCP Kiên Long đã cung cấp danh sách 56 khách hàng mà ông Hải nhận bảo lãnh theo Hợp đồng thế chấp số 0338/HĐTC-GN với số tiền 372.385.040 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, Ngân hàng đã được giải thích về xử lý tài sản thế chấp theo quy định tại Điều 324 BLDS 2005 nhưng Ngân hàng khẳng định không khởi kiện khoản nợ 56 khách hàng trong vụ án này. Mặt khác, Hợp đồng thế chấp số 0338/HĐTC-GN có liên quan đến Hợp đồng cộng tác viên của ông Hải tại ngân hàng nên ông Hải có quyền khởi kiện ở vụ án khác để yêu cầu giải quyết. Do đó, cấp phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm nội dung này theo hướng ông Hải, bà Hằng thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng phải trả lại cho ông Hải, bà Hằng 1 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AM 931537 do UBND quận Cẩm Lệ cấp ngày 7/7/2008, nếu tài sản thế chấp không bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ khác.
Như vậy, khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, Kiểm sát viên cần phải lưu ý và kiểm sát chặt chẽ các căn cứ áp dụng pháp luật giải quyết vụ án như sau:
Hợp đồng tín dụng được xác lập và giải ngân trước ngày Bộ luật dân sự 2015 có hiệu thực thì phải áp dụng Bộ luật dân sự 2005 để giải quyết.
Trường hợp có yêu giải quyết tiền phạt lãi chậm trả thì phải căn cứ vào Điều 8 Nghị quyết 01/2019/NQ - HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm để giải quyết. Hợp đồng tín dụng được xác lập trước ngày 1/1/2017, Tòa án chỉ giải quyết lãi trên nợ gốc trong hạn và lãi trên nợ gốc quá hạn, không chấp nhận lãi phạt trên lãi chậm trả.
Về tài sản thế chấp, nếu một tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự thì phải áp dụng Điều 324 BLDS 2005 hoặc Điều 296 BLDS 2015 để giải quyết.
Ngoài ra, cần phải kiểm sát chặt chẽ việc tuyên án của HĐXX để kịp thời phát hiện vi phạm thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị đối với những trường hợp chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện thì phần còn lại phải giải quyết như thế nào. Không chấp nhận hoặc đình chỉ để làm cơ sở cho nghĩa vụ chịu án phí theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 266 BLTTDS.
Trên đây là một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng" mà VKSND TP Đà Nẵng thấy cần nêu lên để rút kinh nghiệm chung nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ.