Một số vấn đề rút ra từ Chiến dịch 128
Tuy là chiến dịch nhỏ nhưng Chiến dịch 128 (năm 1964) có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa Quân tình nguyện Việt Nam với Bộ đội Pathét Lào, đã giải phóng khu vực rộng lớn thuộc cao nguyên Trung Lào; góp phần đánh bại âm mưu mở rộng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai ở Lào, bảo vệ tuyến chi viện chiến lược 559 của ta.
Thắng lợi của chiến dịch để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong phối hợp tổ chức tác chiến chống kẻ thù chung.
Năm 1963-1964, với sự viện trợ của đế quốc Mỹ, quân phái hữu Lào được củng cố và phát triển lên 62.000 quân, được trang bị thêm nhiều vũ khí, phương tiện chiến đấu hiện đại. Quân phái hữu cùng quân trung lập phản bội mở cuộc tiến công lấn chiếm vùng giải phóng Trung Lào. Được không quân Mỹ và pháo binh Thái Lan yểm trợ, sau khi chiếm được Sê Nô, quân phái hữu Lào phối hợp với ngụy quân Sài Gòn thực hiện đánh chiếm nhiều khu vực ở Lào.
Trước âm mưu và hoạt động của địch, để bảo vệ khu vực giải phóng Trung Lào, Quân ủy Trung ương hai nước Việt Nam và Lào quyết định tăng cường hoạt động phối hợp chiến đấu, giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Quân khu 4 cùng LLVT Pathét Lào mở chiến dịch tiến công (mang mật danh “CD 128”), nhằm phá âm mưu chiếm đóng vùng Trung Lào của địch, tạo điều kiện cho bạn mở rộng phạm vi hoạt động xuống khu vực Đường số 13, xây dựng cơ sở cách mạng, củng cố và mở rộng vùng giải phóng; đồng thời bảo vệ an toàn tuyến vận chuyển chiến lược của ta cho chiến trường miền Nam.
Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Trung đoàn 95 và 101 (Sư đoàn 325); Tiểu đoàn 3 (Sư đoàn 324); 2 tiểu đoàn Biên phòng (927, 929); 3 đại đội: Pháo 105mm, cối 120mm, súng máy phòng không; một đại đội thiết giáp, một trung đội đặc công. Phía Lào có Tiểu đoàn 17 Pathét Lào và một đại đội bộ đội địa phương Nhom Ma Rạt. Chiến dịch diễn ra hai đợt (đợt 1 từ ngày 27 đến 29-1-1964; đợt 2 từ ngày 1 đến 12-2-1964). Kết quả, liên quân Việt-Lào đã loại khỏi vòng chiến đấu 886 quân địch (trong đó bắt 453 quân), thu 360 khẩu súng các loại. Thắng lợi của Chiến dịch 128 đã giải phóng khu vực rộng lớn thuộc cao nguyên Trung Lào, góp phần nối thông Đường số 8 và Đường số 12 trên tuyến biên giới Lào-Việt Nam dài gần 700km.
Qua thực tiễn tiến hành Chiến dịch 128, có thể rút ra một số vấn đề:
Trước hết, chủ động nắm địch, làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu, bố trí đội hình và sử dụng lực lượng hợp lý. Cuối năm 1963, đầu 1964, mặc dù Hiệp định Geneva về Lào đã được ký kết (năm 1962) nhưng trên thực tế, các thế lực thù địch vẫn âm mưu đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng Lào. Đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ tài chính, vũ khí, trang bị cho quân ngụy Vientiane. Mỹ chú trọng xây dựng lực lượng “phỉ” thành đội quân đặc biệt với quân số 17.000 tên, tổ chức thành nhiều tiểu đoàn do Vàng Pao làm tư lệnh, đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và cố vấn Mỹ.
Mặt khác, Mỹ và quân ngụy Lào dùng nhiều thủ đoạn phá hoại chính phủ liên hiệp ba phái, lôi kéo lực lượng trung lập và quân phái hữu Vientiane liên kết đánh Pathét Lào. Chúng tiến hành càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng, mở rộng chiếm đóng Trung Lào, đánh phá tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn của ta. Lực lượng địch đóng giữ tại hai tỉnh Bolikhamsai và Khammouane (nơi ta và Lào tiến hành mở Chiến dịch 128) có 8 tiểu đoàn và 2 đại đội biệt kích.
Nắm được âm mưu, lực lượng của địch, Quân ủy Trung ương Việt Nam và Lào quyết định tăng cường hoạt động phối hợp chiến đấu, tổ chức mở Chiến dịch 128 với lực lượng khá lớn. Đồng thời, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị trận địa, xây dựng quyết tâm chiến đấu cho bộ đội. Trên cơ sở nắm chắc âm mưu, thủ đoạn, lực lượng của địch, với việc bố trí, sử dụng lực lượng hợp lý, công tác chuẩn bị chu đáo, trong vòng nửa tháng, Chiến dịch 128 đã giành thắng lợi.
Cùng với đó là hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo; tiến công liên tục, bao vây chặt, truy kích quyết liệt. Trong Chiến dịch 128, liên quân Việt-Lào đã có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, đặc biệt là trong đợt 1 chiến dịch, một tiểu đoàn của Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với đơn vị bạn tiến công cứ điểm Vang Yên diệt một đại đội địch. Tuy nhiên, trong thực hành chiến dịch, việc phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị có thời điểm chưa chặt chẽ, việc bố trí trận địa đón lõng còn sơ hở dẫn đến việc truy kích địch chưa kịp thời. Từ thực tế này, ta và bạn đã kịp thời rút kinh nghiệm, muốn diệt được nhiều địch trên địa hình rừng núi phải tổ chức vây chặt, đón lõng nhiều tầng và sau khi hình thành thế bao vây mới nổ súng. Khi địch bỏ chạy phải truy kích quyết liệt.
Ngoài ra, thực tiễn trong Chiến dịch 128 cho thấy, sở dĩ chúng ta không hoàn thành được mục tiêu đánh tiêu diệt nhiều sinh lực địch là do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không bảo đảm được yếu tố bí mật, bất ngờ. Điển hình là trận đánh ngày 28-1-1964, khi địch điều hai tiểu đoàn dù (11 và 119) tới chi viện cho lực lượng địch ở các điểm cao 175, 95 và Bản Viêng, do liên quân Việt-Lào không giữ được bí mật, bất ngờ nên để địch phát hiện trận địa đón lõng. Chúng đã kịp thời tháo chạy, ta buộc phải nổ súng sớm hơn dự kiến, vì vậy, không tiêu diệt được nhiều sinh lực địch...